Bảo hiểm xe cơ giới mang lại doanh thu cao, nhưng tỷ lệ bồi thường cũng cao không kém

Bảo hiểm xe cơ giới mang lại doanh thu cao, nhưng tỷ lệ bồi thường cũng cao không kém

Bảo hiểm phi nhân thọ lo “chuyển hướng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là nghiệp vụ xương sống, luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng doanh thu, thế nhưng bảo hiểm xe cơ giới nói chung và xe ô tô nói riêng liên tục sụt giảm những năm gần đây và xu hướng này dự báo sẽ chưa dừng lại, buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải “chuyển hướng”.

Bảo hiểm xe dự báo tiếp tục tăng trưởng âm

Báo cáo tại đại hội cổ đông diễn ra tuần qua, ông Đoàn Kiên - Tổng giám đốc Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH, mã BHI) cho biết, dự báo thị trường ô tô Việt Nam năm 2024 còn chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế nên đứng trước nguy cơ tiếp tục tăng trưởng âm đối với doanh số bán ô tô. Theo đó, doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm xe ô tô cũng được dự báo kém khả quan, thậm chí tăng trưởng âm trong năm nay. Tại thị trường Việt Nam, tổng doanh số bán ô tô năm 2023 giảm 25% so với năm 2022 (theo số liệu thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam - VAMA), kéo theo doanh thu bảo hiểm phát sinh trên đơn xe giảm .

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hương Giang, Tổng giám đốc Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã PGI) cho hay, bảo hiểm xe cơ giới là nghiệp vụ xương sống và chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp phi nhân thọ, nhưng đang gặp nhiều khó khăn do giá xe liên tục giảm, sức cầu thị trường yếu và thực trạng này sẽ còn kéo dài tới hết năm 2024. Tại PJICO, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới đang chiếm hơn 40% doanh thu bảo hiểm gốc.

Theo ông Phạm Văn Dũng, người đồng sáng lập Công ty Bảo hiểm trực tuyến IBAOHIEM, năm 2024 tiếp tục là năm khó khăn với nghiệp vụ bảo hiểm xe ngoài lý do doanh số xe bán ra giảm mạnh, thì còn do định hướng chung của nhiều công ty bảo hiểm lớn không còn tập trung tăng trưởng doanh thu như trước đây, mà hướng tới cải thiện hiệu quả hoạt động, hạn chế bán các dòng sản phẩm không hiệu quả, trong đó có bảo hiểm xe.

Chẳng hạn, tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI, mã PTI), không chỉ bảo hiểm xe cơ giới mà hầu hết nghiệp vụ bảo hiểm của năm 2023 đều tăng trưởng âm so với năm 2022 sau khi chủ động đánh giá lại cơ cấu sản phẩm, tập trung đẩy mạnh các dòng sản phẩm có hiệu quả với chi phí phân phối thấp, thay vì tập trung tăng trưởng doanh thu bằng mọi giá như giai đoạn trước.

Năm qua, PTI chủ động điều chỉnh phí bảo hiểm, tăng phí khoảng 10% so với năm 2022 và cao hơn thị trường 10% (trừ Bảo hiểm PVI và Bảo hiểm Bảo Việt), chủ động cắt giảm dòng xe có tỷ lệ bồi thường cao. Trong đó, doanh thu nghiệp vụ xe máy giảm 34,09% - tương đương giảm 92 tỷ đồng (do doanh thu khai thác qua VNPost và Thế giới Di động giảm xuất phát từ chính sách cắt giảm nhân sự, số lượng cửa hàng của đối tác). Theo Ban lãnh đạo PTI, chiến lược tái cơ cấu này tiếp tục được triển khai quyết liệt trong năm 2024 nên doanh thu phí từ nghiệp vụ bảo hiểm xe sẽ còn giảm.

Tương tự, Bảo hiểm Hàng không (VNI, mã AIC) hay BSH cũng tính chuyện dịch chuyển dần sang các nghiệp vụ hiệu quả hơn như bảo hiểm tài sản kỹ thuật, khi mà bồi thường bảo hiểm xe được dự báo tiếp tục ở mức cao. Hiện tại, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới vẫn là mảng chính, chiếm tỷ trọng 65,5% trong tổng doanh thu của VNI - hiện đứng thứ 5 về bảo hiểm xe cơ giới và dẫn đầu về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trên thị trường.

Tính chung, năm 2023, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện dù giảm 2,4% so với năm 2022, nhưng bồi thường lên tới 8.366 tỷ đồng và tỷ lệ bồi thường ở mức 62,4%; doanh thu bảo hiểm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới giảm 0,6% và bồi thường đạt 948 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 21,8%.

Việc tỷ lệ bồi thường bảo hiểm xe ở mức cao là nguyên nhân chính khiến nhiều hãng bảo hiểm lỗ nặng ở mảng này. Đơn cử, tại PTI, trong năm 2023, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới giảm 22,53% do tỷ lệ bồi thường vật chất xe năm 2022 là 66,8% (cao hơn tỷ lệ bồi thường kế hoạch 6%), dẫn tới lỗ nghiệp vụ 165 tỷ đồng.

Ngoài các lý do trên, việc bán bảo hiểm qua kênh đăng kiểm gặp khó cũng góp phần làm giảm doanh thu mảng bảo hiểm xe trong năm qua. Lãnh đạo VNI cho biết, bên cạnh số lượng xe ô tô mới bán ra ít hơn khiến kênh bán bảo hiểm qua đại lý (các showroom) bị ảnh hưởng lớn, việc nhiều trung tâm đăng kiểm đóng cửa cũng khiến doanh thu bảo hiểm xe qua kênh bán lẻ sụt giảm, từ đó tác động tới kết quả chung.

Trong bối cảnh chi trả bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm xe ngày càng tăng thì tỷ trọng cao cũng đồng nghĩa với nguy cơ thua lỗ cao. Trong quá khứ, có những năm tổng số lỗ bảo hiểm vật chất xe của khối phi nhân thọ lên tới cả nghìn tỷ đồng.

BSH cũng cho hay, năm 2023, kênh bán bảo hiểm qua trung tâm đăng kiểm của nhà bảo hiểm này giảm tới 61,3 % do những sai phạm của một số trung tâm đăng kiểm khiến Cục Đăng kiểm phải tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động của các trung tâm này, dẫn đến doanh thu giảm mạnh.

Hiện chưa có số liệu cập nhật của quý I/2024, nhưng theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), kết thúc năm 2023, mảng bảo hiểm vật chất xe cơ giới mang về tổng doanh thu 17.754 tỷ đồng, giảm 1,9% so với năm 2022, trong đó doanh thu cả bảo hiểm xe bắt buộc lẫn tự nguyện đều giảm (bảo hiểm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 4.342 tỷ đồng doanh thu, giảm 0,6%; bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 13.412 tỷ đồng doanh thu, giảm 2,4% và riêng bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy giảm 9,9%).

Từng bước chuyển hướng

Là nghiệp vụ trọng yếu nên việc các doanh nghiệp phi nhân thọ duy trì tỷ trọng doanh thu bảo hiểm xe ở mức cao trong cơ cấu tổng doanh thu là điều dễ hiểu. Thế nhưng, trong bối cảnh chi trả bồi thường nghiệp vụ này ngày càng tăng thì tỷ trọng cao cũng đồng nghĩa với nguy cơ thua lỗ cao. Trong quá khứ, có những năm tổng số lỗ bảo hiểm vật chất xe của khối phi nhân thọ lên tới cả nghìn tỷ đồng.

Chưa kể, việc duy trì tỷ trọng bảo hiểm xe cao còn dẫn đến khả năng bị nợ phí cao nếu không được quản lý tốt. Đơn cử, tại BSH, tuy tỷ lệ nợ phí của nhà bảo hiểm này ở mức trung bình thị trường, nhưng riêng nợ nghiệp vụ bảo hiểm ô tô chiếm tới 30% tổng công nợ.

Bởi vậy, thời gian qua, nhiều nhà bảo hiểm từng bước chuyển hướng sang bảo hiểm tài sản khi nghiệp vụ này đang mang lại doanh thu tốt và có tỷ lệ bồi thường thấp. Cụ thể, năm 2023, nghiệp vụ bảo hiểm tài sản thiệt hại đạt doanh thu 19.742 tỷ đồng, tăng 11,1% so với năm 2022, bồi thường đạt 3.838 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 19,4%. Ngoài ra, bán bảo hiểm tài sản có giá trị 100 triệu đồng chỉ cần 1 hợp đồng, còn bán bảo hiểm xe có giá trị tương đương cần tới hàng trăm hợp đồng, tức là nghiệp vụ bảo hiểm tài sản mang lại năng suất lao động cao hơn.

Trên thực tế, trong quá trình tái cơ cấu, các doanh nghiệp bảo hiểm đều đổi mới chiến lược kinh doanh, chủ động kiểm soát các rủi ro, chi phí… để phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Lãnh đạo PTI cho biết, tổng chi bồi thường bảo hiểm năm 2023 đạt 2.188 tỷ đồng, giảm 3,3% so với năm 2022, tương đương giảm 74 tỷ đồng, cho thấy các biện pháp kiểm soát tỷ lệ bồi thường đang dần phát huy hiệu quả, đặc biệt với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới. Năm 2024, PTI sẽ xây dựng và nâng cấp hệ thống Giám định và cứu hộ xe cơ giới (SOS) để đảm bảo chất lượng dịch vụ khác biệt dành cho khách hàng khi tham gia bảo hiểm xe.

Với đa số doanh nghiệp bảo hiểm, việc “chuyển hóa” mảng bảo hiểm xe gắn với đầu tư các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) để cải thiện chất lượng tư vấn khách hàng không hề dễ dàng bởi vướng chỉ tiêu doanh thu, cho dù liên tục được “lên dây cót”. Một số chương trình thúc đẩy kinh doanh vẫn chủ yếu tập trung thúc đẩy doanh thu, chưa thực sự gắn với yếu tố hiệu quả.

Tin bài liên quan