Vượt đáy 7%
Nhìn tổng thể thị trường không có quá nhiều đột biến trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, bức tranh cạnh tranh năm 2014 vẫn lặp lại với việc phân nhóm rõ ràng và sự “xác lập” vị trí số 1 của PVI. Tuy nhiên, có thể thấy nỗ lực và quyết tâm cao của nhóm 2 - các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có doanh thu gốc từ 300 - 700 tỷ đồng với mục tiêu kinh doanh thách thức và nhiều giải pháp năng động, sáng tạo: MIC với việc khai thác mạnh bảo hiểm xe cơ giới và nối dài hợp tác với các ngân hàng, dự án bất động sản; BIC với việc đạt mức định hạng tín nhiệm B+ từ AMBest và mở mới hàng loạt chi nhánh và phòng kinh doanh mới…
Sở dĩ thị trường có sự phục hồi này là do một số chính sách kinh tế vĩ mô đã bắt đầu phát huy hiệu quả, mặc dù nền kinh tế năm 2014 vẫn còn đó những khó khăn. Các doanh nghiệp và cá nhân được hưởng lợi từ những gói tín dụng kích thích sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản “ấm” lên, đã và đang tác động tích cực, giúp hồi phục nền kinh tế. Khi nền kinh tế tăng trưởng tốt chính là cơ hội của các doanh nghiệp bảo hiểm. Một nhân tố quan trọng khác, đó là xu hướng bán lẻ bảo hiểm đang được các doanh nghiệp khai thác tối đa, đã mang lại nguồn thu đáng kể.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, mối lo “7% đã phải là đáy?” (7% là tăng trưởng doanh thu năm 2013 của bảo hiểm phi nhân thọ) vẫn chưa thể đẩy lùi vĩnh viễn và con số tăng trưởng đáng buồn này vẫn có thể quay trở lại, bởi thị trường phi nhân thọ dù đã hồi phục với mức tăng trưởng hai con số, nhưng về bản chất, các doanh nghiệp vẫn còn ngổn ngang vấn đề chưa giải quyết triệt để. Đó là thực trạng kinh doanh bằng quan hệ, cạnh tranh phi kỹ thuật còn tràn lan… Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã tuyên bố thực hiện tái cấu trúc, nhưng thực tế, việc tái cấu trúc danh mục sản phẩm, khách hàng… còn chậm chạp, mà đây mới là điều cần thiết để khẳng định sự tăng trưởng bền vững, hiệu quả.
Thêm vào đó, cú sốc liên quan đến “sự kiện biển Đông” tại Bình Dương, Đồng Nai, Nghệ An hồi tháng 5/2014 khiến toàn thị trường thiệt hại 2.500 tỷ đồng, tạo nên gánh nặng không nhỏ cho các doanh nghiệp bảo hiểm liên quan. Mặc dù đã nỗ lực, khẩn trương, trách nhiệm trong việc giải quyết bồi thường, tạm ứng bồi thường bảo hiểm cho các doanh nghiệp bị thiệt hại sớm ổn định sản xuất, đến nay, tổng số tiền bồi thường, tạm ứng bồi thường cho 317 doanh nghiệp bị thiệt hại mới là 286 tỷ đồng. Việc giải quyết dứt điểm bồi thường sẽ là một chặng đường dài và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong các năm tới.
Vì những khó khăn quá khứ còn tiếp diễn trong tương lai, nên cũng không quá khó hiểu khi lúc này, ít người dám lạc quan tin rằng, năm 2015 sẽ sáng sủa cho ngành bảo hiểm phi nhân thọ. Đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm Top 5 với thị phần chiếm đa số, khi mảng kinh doanh truyền thống vẫn là chủ yếu thì việc tăng trưởng đột phá là khó xảy ra, nhất là khi nền kinh tế chưa phục hồi hẳn. Bản thân các doanh nghiệp cũng đặt ra các mục tiêu rất khiêm tốn, chỉ vài phần trăm tăng trưởng và thực tế vài năm trở lại đây, tăng trưởng của nhóm này gần như chững lại. Có lẽ, họ cần thời gian để nhìn lại bộ máy hoạt động “cồng kềnh” của mình và tái cơ cấu lại để hoạt động có hiệu quả hơn. Ngược lại, các doanh nghiệp thuộc nhóm tiếp sau, với sự năng động và linh hoạt trong hoạt động và giải pháp kinh doanh, lại dễ điều chỉnh và thích ứng với thị trường hơn, mức tăng trưởng được đặt ra khá thách thức, từ 20 - 30%, nhưng vì thị phần còn nhỏ nên khó làm thay đổi bức tranh chung. Thêm vào đó, một số doanh nghiệp lại đang theo đuổi chiến lược hiệu quả, đặt mục tiêu doanh thu sau mục tiêu lợi nhuận nên nhìn chung thị trường sẽ thay đổi về chất nhiều hơn là về quy mô như trước đây.
“Mấy năm nay thị trường bảo hiểm không có thêm một công ty bảo hiểm phi nhân thọ nào. Tình hình kinh tế khó khăn, doanh thu tăng trưởng chậm, bồi thường vẫn ở mức cao, chi phí khai thác hợp đồng bảo hiểm cũng còn quá cao… Các cổ đông đâu có thể cho phép các doanh nghiệp tiếp tục lỗ hay chỉ lời vài phần trăm. Trong khi đó, kinh tế vẫn chưa thể bật dậy mạnh mẽ nên nếu thời điểm này các doanh nghiệp không lo quản lý chi phí thì chỉ có nước phá sản”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.
Những dấu ấn khó phai
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận những nỗ lực của toàn thị trường để có được kết quả tăng trưởng này. Vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn của nền kinh tế, trong khi phải tích cực giải quyết hậu quả của các cuộc gây rối tại Bình Dương, Đồng Nai, Nghệ An, liên tục cạnh tranh gay gắt với nhau để giành thị trường, khách hàng…, bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm đã có nhiều giải pháp kinh doanh sáng tạo để đẩy nhanh tăng trưởng.
Thị trường năm 2014 cũng ghi nhận nhiều dấu ấn khó phai. Trong đó phải kể đến cú sốc liên quan đến “sự kiện biển Đông” tại Bình Dương, Đồng Nai, Nghệ An và việc triển khai chương trình bảo hiểm khai thác thủy sản theo Nghị định 67/NĐ-CP. Ngoài ý nghĩa xã hội của các sự kiện này, vai trò của bảo hiểm trong việc bình ổn nền kinh tế và đời sống được nhấn mạnh, góp phần nâng cao ý thức của người dân về ý nghĩa và vai trò của bảo hiểm.
Một điểm đáng chú ý khác là vai trò quản lý của các cơ quan Nhà nước được phát huy, đã phần nào bình ổn và thúc đẩy thị trường. Theo đó, một loạt quy định, thông tư mới ra đời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đảm bảo năng lực tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp bảo hiểm để quán triệt việc thực hiện quy định pháp luật, nắm bắt tình hình quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính và nhân sự, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc để kịp thời có biện pháp tháo gỡ. Công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm được tăng cường, theo đó Bộ Tài chính đã kiểm tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 5 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 3 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức 4 đoàn kiểm tra chuyên đề bảo hiểm xe cơ giới,…
Mặc dù còn nhiều trăn trở, nhưng 2014 vẫn là một năm đáng mừng của ngành bảo hiểm nói chung và bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng. Nó cho thấy sự lớn mạnh và ngày càng hoạt động thực chất hơn, vai trò và ý nghĩa của bảo hiểm được đề cao và thấu hiểu. Tuy chưa thể chắc chắn về tương lai cũng như còn đó nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để, nhưng với những kết quả hoạt động năm vừa qua cũng như kế hoạch đầy tham vọng của các doanh nghiệp bảo hiểm, sự hoàn thiện về cơ chế chính sách và vai trò của cơ quan quản lý, đã có những nền tảng để chúng ta lạc quan về triển vọng thị trường các năm tới.
Kế hoạch 2015 của TOP 5 DN dẫn đầu: -Bảo hiểm Bảo Việt đặt kế hoạch, năm 2015, doanh thu bảo hiểm gốc đạt trên 5.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 250 tỷ đồng, lợi nhuận gộp kinh doanh bảo hiểm hơn 1.600 tỷ đồng. -Bảo Minh đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2015 với tổng doanh thu 3.195 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 134 tỷ đồng. -Bảo hiểm PJICO đặt kế hoạch doanh thu bảo hiểm gốc năm 2015 là 2.135 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 105 tỷ đồng. Các chỉ tiêu kinh doanh năm nay của 3 doanh nghiệp bảo hiểm nêu trên chỉ tăng vài phần trăm so với kết quả kinh doanh đạt được năm 2014. -HĐQT Bảo hiểm PTI thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2015 với doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm hơn 2.105 tỷ đồng, tăng trên 16%; lợi nhuận trước thuế 86 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2014. -Mục tiêu của Bảo hiểm PVI trong năm 2015 là duy trì, phát huy các thành tựu đã đạt được, tăng cường chất lượng và hiệu quả trên mọi lĩnh vực hoạt động. Được biết, năm 2014, Bảo hiểm PVI đạt tổng doanh thu gần 8.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu bảo hiểm gốc đạt hơn 6.000 tỷ đồng; dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ về phí bảo hiểm và lãi nghiệp vụ; hệ thống bán lẻ duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh... |