Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ còn nhiều dư địa bứt phá

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ còn nhiều dư địa bứt phá

Bảo hiểm phi nhân thọ khởi động sớm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ khép lại năm 2024 với nhiều thách thức, song đâu đó bắt đầu có những chuyển động mới…

Chuyển động trước thềm năm mới

Cuối tháng 12/2024, liên doanh 5 nhà bảo hiểm gồm Bảo hiểm Quân đội (MIC), Bảo hiểm BIDV (BIC), Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) và Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang đã ký kết hợp đồng bảo hiểm xây dựng, lắp đặt Nhà máy Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang với tổng mức trách nhiệm bảo hiểm lên đến 714 triệu USD.

Theo đó, 5 nhà bảo hiểm cam kết bảo hiểm cho các tổn thất phát sinh trong quá trình xây dựng, lắp đặt nhà máy để sớm đi vào hoạt động theo đúng tiến độ. MIC được lựa chọn là đơn vị đứng đầu liên danh bảo hiểm cho dự án này, cũng là một trong những công trình an ninh năng lượng trọng điểm quốc gia. Mặc dù không công khai tỷ lệ đồng bảo hiểm, nhưng theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư Chứng khoán, MIC nắm giữ tỷ lệ lớn nhất với 50%, 4 công ty bảo hiểm trong liên doanh chia nhau một nửa còn lại.

Lâu nay, trong các liên danh bảo hiểm công nghiệp nói chung (dầu khí, hàng không, hàng hải, giao thông và các công trình trọng điểm quốc gia), bảo hiểm nhiệt điện nói riêng, những công ty bảo hiểm lớn như Bảo hiểm PVI thường được chọn đứng đầu.

Tuy nhiên, hoạt động này ngày càng có sự tham gia sâu hơn của các công ty bảo hiểm quy mô nhỏ hơn. Đơn cử, đến nay, BSH đã tham gia bảo hiểm cho nhiều dự án năng lượng lớn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Thủy điện Yaly, Nhiệt điện Quảng Trạch, Nhiệt điện Nghi Sơn…), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Vũng Áng, Nhiệt điện Sông Hậu 1…), Tập đoàn điện gió HBRE…

Một số công ty bảo hiểm cũng thừa nhận thị phần ở những lĩnh vực thế mạnh bị ảnh hưởng do không còn “lợi thế” của cổ đông lớn. Chẳng hạn, Bảo hiểm Hàng không (VNI) sau khi cổ đông lớn Vietnam Airlines thoái vốn đã mất dần thị phần ở mảng bảo hiểm hàng không.

Trong khi đó, các công ty bảo hiểm muốn giữ thị phần ở các mảng bảo hiểm “bán buôn” như các công trình trọng điểm quốc gia thì ngoài sự hỗ trợ của cổ đông lớn, quy mô vốn cũng là yếu tố quan trọng.

SHS dự báo, giai đoạn 2025-2030, tỷ lệ tăng trưởng bình quân của phí bảo hiểm gốc ngành bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 8,3%/năm.

MIC gần đây đã được chấp thuận phát hành gần 26 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và có kế hoạch phát hành thêm 2,8 triệu cổ phiếu cho người lao động trong Công ty. Nếu hoàn thành cả 2 phương án này, vốn điều lệ của MIC sẽ tăng từ 1.300 tỷ đồng lên gần 2.014 tỷ đồng. Tính đến hết quý III/2024, MIC có tổng tài sản đạt 9.821 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Việc tăng vốn góp phần giúp MIC gia tăng sức cạnh tranh, có cơ hội thắng những gói thầu lớn cũng như đứng đầu các liên danh bảo hiểm, mà hợp đồng bảo hiểm cho nhà máy trên là một ví dụ.

Tính đến nay, Bảo hiểm PVI vẫn là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có vốn điều lệ lớn nhất trong khối (3.900 tỷ đồng). Mới đây, nhà bảo hiểm này công bố cán mốc doanh thu 20.000 tỷ đồng (tính đến ngày 20/12/2024), tăng 38% so với cùng kỳ.

Theo tìm hiểu, kết quả này có được là do trong năm 2024, Bảo hiểm PVI đã “ôm” trọn mảng tái bảo hiểm, nếu chỉ tính riêng doanh thu bảo hiểm gốc thì không tăng cao như vậy. Việc Nga bị cấm vận sau khi xung đột với Ukraine khiến nhiều tài sản, dầu khí của Liên doanh Việt - Nga chuyển sang mua bảo hiểm ở Việt Nam, thay vì mua ở Nga, trong khi các hợp đồng bảo hiểm trong lĩnh vực dầu khí thường có giá trị lớn. Nhờ cơ hội này, một công ty trực thuộc Bảo hiểm PVI là PVI Vũng Tàu năm qua đã về đích trước hạn, đạt gần 500 tỷ đồng doanh thu (tương đương doanh thu của 1 công ty bảo hiểm nhỏ trên thị trường).

Còn về doanh thu phí bảo hiểm gốc, tính đến cuối tháng 11/2024, Bảo hiểm PVI đạt 12.492 tỷ đồng, chiếm 17,5% thị phần (toàn thị trường ước đạt 71.691 tỷ đồng), theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng doanh thu phí của Bảo hiểm PVI đạt 27,1% - cao hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng chung của khối phi nhân thọ là 13,6%. Bảo hiểm PVI đang là doanh nghiệp bảo hiểm đóng góp gần 1/6 trên tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn khối phi nhân thọ (hơn 30 doanh nghiệp).

Hiện chưa có số liệu cả năm, nhưTheo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 227.495 tỷ đồng (giảm 0,26% so với năm trước), trong đó doanh thu phí bảo hiểm của khối phi nhân thọ ước đạt 78.291 tỷ đồng; đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 850.075 tỷ đồng (tăng 13,17% so với năm trước), trong đó khối phi nhân thọ ước đạt 78.141 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi trả quyền lợi bảo hiểm năm 2024 ước đạt 93.906 tỷ đồng (tăng 17,94% so với năm trước), trong đó khối phi nhân thọ ước đạt 22.519 tỷ đồng. Tính đến ngày 13/12/2024, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng bồi thường do bão Yagi là 696,2 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn nhất thị trường, Bảo hiểm PVI cũng là đơn vị tiếp nhận số vụ tổn thất với số tiền lớn nhất (gần 800 vụ, trong đó có 1 vụ ghi nhận dự phòng hơn 1.000 tỷ đồng). Tính đến hết tháng 11/2024, nhà bảo hiểm này tạm ứng bồi thường gần 200 tỷ đồng, hoàn tất chi trả bảo hiểm cho cho Công ty TNHH Ohsung Vina gần 30 tỷ đồng…

Kỳ vọng 2025

Bộ Tài chính dự báo, năm 2025, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 239.636 tỷ đồng (tăng 0,05% so với năm 2024), trong đó doanh thu phí bảo hiểm khối phi nhân thọ ước đạt 85.938 tỷ đồng (tăng 9,77%); đầu tư trở lại nền kinh tế của khối phi nhân thọ ước tăng 5,77%; tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước tăng 2,65%.

Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, tỷ lệ thâm nhập của toàn thị trường bảo hiểm (bao gồm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ) năm 2025 theo mục tiêu của Chính phủ là 3-3,5% GDP, hiện tại tỷ lệ này mới đạt 2,2% GDP - thấp hơn so với trung bình ngành của khu vực ASEAN và châu Á lần lượt là 3,35% GDP và 5,37% GDP, cũng như thế giới là 6,3% GDP, nên tiềm năng tăng trưởng rất rõ rệt. SHS dự báo, giai đoạn 2025-2030, tỷ lệ tăng trưởng bình quân của phí bảo hiểm gốc ngành bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 8,3%/năm.

Trên thị trường, các thương vụ hợp tác mới với sự kế thừa nền tảng công nghệ hiện đại, tệp khách hàng lớn, chất lượng và phương pháp quản trị tiên tiến… của các bên tham gia hứa hẹn sẽ mang lại những “làn gió mới”.

Đơn cử, mới đây, vào cuối tháng 11/2024, “tân binh” Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom (viết tắt là Bảo hiểm TCI, do Techcombank góp 11% vốn, chính thức hoạt động từ tháng 11/2024) đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Bảo hiểm PVI, qua đó tiếp nối quá trình hợp tác đồng bảo hiểm các dịch vụ liên quan đến tài sản, công trình, dự án, trách nhiệm, con người cho Techcombank cũng như hệ sinh thái/khách hàng và các dự án do ngân hàng này cung cấp tín dụng. Ngoài ra, Bảo hiểm PVI còn đảm nhận thu xếp tái bảo hiểm, dịch vụ hậu mãi, cùng các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho Bảo hiểm TCI.

Trong một diễn biến có liên quan, theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt, trong năm 2025, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ thoái vốn khỏi Công ty cổ phần PVI (mã PVI) - công ty mẹ của Bảo hiểm PVI. Hiện tại, PVN đang tìm đối tác để xác định giá trị doanh nghiệp và định giá cổ phần PVI. Tập đoàn đã ký hợp đồng thuê tư vấn triển khai phương án thoái vốn với Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI).

Theo PVI, việc PVN thoái vốn sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của Tập đoàn và các công ty thành viên. PVI đang trong quá trình chuẩn bị để chuyển niêm yết cổ phiếu PVI từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), dự kiến hoàn tất trước ngày 31/12/2025 theo tiến trình thoái vốn của PVN.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ trong 1 tháng qua, cổ phiếu PVI đã tăng hơn 28%, lập đỉnh mới ở mức 61.500 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường cũng theo đó đạt mức cao kỷ lục 14.400 tỷ đồng.

Tin bài liên quan