Những mảng nghiệp vụ gặp tổn thất liên tục do thiên tai, hỏa hoạn gặp khó khăn khi tái bảo hiểm
Báo cáo với cổ đông tại ĐHCĐ bất thường vừa qua, ông Tôn Lâm Tùng, Tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm BIDV (BIC) cho biết, với tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc trong 9 tháng đầu năm 25,2% so với cùng kỳ 2012 (trong khi tăng trưởng toàn thị trường bảo hiểm chưa tới 10%), BIC chắc chắn hoàn thành và có khả năng vượt kế hoạch doanh thu cả năm 2013.
Tuy nhiên, những tổn thất do bão lũ tại miền Trung vừa qua cũng như sau tổn thất của vụ tai nạn máy bay ART72-600 rơi tại Lào, cùng với tình hình lãi suất tiền gửi năm 2013 giảm sút sẽ tác động không nhỏ tới khả năng hoàn thành lợi nhuận của BIC trong năm nay.
BIC không phải là công ty bảo hiểm duy nhất trên thị trường bày tỏ lo ngại này. Đại diện Liberty cho hay, năm nay, mảng bảo hiểm tài sản của Công ty có tỷ lệ bồi thường khá lớn. Tuy nhiên, điểm “gỡ gạc” lại là Công ty đang thành công với các biện pháp quản lý chi phí, lựa chọn rủi ro và đa dạng hóa sản phẩm, nên tình hình chung vẫn khả quan so với kế hoạch đã đặt ra từ cuối năm ngoái.
Năm 2013 có vẻ như là một năm xui rủi của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong mảng bảo hiểm tài sản và cháy nổ khi liên tục gặp bồi thường. Chỉ tính riêng cơn bão số 11, hầu hết công ty bảo hiểm đều có tổn thất, với mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Với Bảo Việt, sau khi ước tính số tiền bồi thường gần 30 tỷ đồng cho khách hàng chịu thiệt hại trong cơn bão số 11, Công ty tiếp tục giám định bồi thường cho vụ nổ Nhà máy Z121 tại Phú Thọ và mới đây là vụ cháy nhà máy của Công ty Diana. Ước tính ban đầu, tổn thất đối với các hạng mục đang tham gia bảo hiểm tại Bảo Việt của công ty này có thể vượt trên 500.000 USD (tương đương trên 10 tỷ đồng).
Được biết, đối với vụ cháy Nhà máy Z121, ngoài việc mua bảo hiểm con người tại Bảo Việt, nhà máy này cũng đã tham gia bảo hiểm mọi rủi ro tài sản, bảo hiểm xe cơ giới tại Bảo hiểm MIC, với tổng giá trị bảo hiểm hơn 100 tỷ đồng.
Thực tế, ngoài việc bị sụt giảm lợi nhuận do thiên tai, cháy nổ…, năm nay, hoạt động đầu tư tài chính của các DN bảo hiểm cũng bị ảnh hưởng khá nhiều, bởi lãi suất ngân hàng đã giảm sâu hơn dự tính. Trao đổi với ĐTCK, đại diện một số DN bảo hiểm cho biết, để giữ chân khách hàng, nhiều ngân hàng tung ra các gói hỗ trợ khác nhau, nhưng việc lãi suất liên tục giảm đã có những tác động nhất định đến lãi suất của các DN bảo hiểm.
Đứng trước những khó khăn trên, các công ty bảo hiểm đã chuyển hướng dòng tiền đầu tư sang các lĩnh vực khác. Thay vì tiếp tục gửi tiền tại ngân hàng như trước đây, các DN bắt đầu rút tiền ra để đầu tư vào các mảng khác nhằm tăng khả năng sinh lời. Lĩnh vực được nhiều DN bảo hiểm lựa chọn đầu tư trong thời điểm này là thị trường chứng khoán, do những dấu hiệu khởi sắc của thị trường này. Lĩnh vực tiếp theo là bất động sản, dù thị trường này vẫn đang trầm lắng.
Theo lý giải của đại diện một DN bảo hiểm, việc đầu tư vào bất động sản tại thời điểm này là hợp lý, vì giá bất động sản đang giảm thấp. Tuy nhiên, để thu được lợi nhuận từ thị trường này thì các DN bảo hiểm sẽ phải tính đến bài toán đầu tư dài hơi, có thể trong vài ba năm, chứ không thể trông chờ vào việc sinh lời ngay. Một thị trường nữa được nhiều DN bảo hiểm lựa chọn đầu tư là thị trường trái phiếu.
Trở lại với việc lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm gốc đang bị đe dọa bởi thiên tai, hỏa hoạn, thì điều làm các công ty bảo hiểm phi nhân thọ có phần lo lắng hơn là những mảng nghiệp vụ gặp tổn thất liên tục do thiên tai hỏa hoạn sẽ phải khó khăn hơn khi tái bảo hiểm, các nhà tái có thể thắt chặt điều khoản, nâng phí hoặc từ chối nhận tái. Thực tế, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã từng nhận được những cảnh báo từ nhiều nhà tái bảo hiểm đối với những nghiệp vụ có tỷ lệ tổn thất cao.
>> Nộp hồ sơ niêm yết, cổ phiếu BIDV tăng giá
>>BIDV: nguy cơ mất 2,7 tỷ đồng vì hợp đồng tín dụng sơ hở
>>BIDV giữ bí mật ngày lên sàn
>>Quý III, BIDV lãi ròng 1.138 tỷ đồng