Nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán từ Bảo Minh cho hay, 10 tháng đầu năm, doanh thu của doanh nghiệp này tăng trưởng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng 9 tháng, Bảo Minh vươn lên vị trí thứ 3, với doanh thu 2.253 tỷ đồng, chiếm 8,38% thị phần.
Tại Bảo hiểm Bảo Việt, Phó tổng giám đốc Nguyễn Quang Hưng cho biết, tính đến hết tháng 9/2016, Công ty đạt tổng doanh thu trên 5.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt gần 300 tỷ đồng.
“Với tốc độ tăng trưởng này, cùng với kỳ vọng vào thế mạnh dẫn đầu ở các sản phẩm chủ chốt như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe…, Công ty dự kiến sẽ đạt mục tiêu kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đặt ra trong năm 2016”, ông Hưng nói. Được biết, đích đến mà Bảo hiểm Bảo Việt đặt ra cho năm 2016 là tổng doanh thu 7.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 375 tỷ đồng.
Tính chung toàn thị trường phi nhân thọ, 9 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng 12,48%, đạt 26.883 tỷ đồng. Trong đó, PVI duy trì vị thế dẫn đầu thị trường với doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 5.262 tỷ đồng, chiếm 19,57% thị phần. Vị trí thứ 2 thuộc về Bảo hiểm Bảo Việt, với doanh thu đạt 4.714 tỷ đồng, chiếm 17,53% thị phần. Bảo Minh vươn lên vị trí thứ 3, với doanh thu đạt 2.253 tỷ đồng, chiếm 8,38% thị phần. PTI đứng thứ 4, với doanh thu đạt 2.188 tỷ đồng, chiếm 8,14% thị phần. Vị trí thứ 5 thuộc về PJICO, với doanh thu đạt 1.782 tỷ đồng.
Cần nhắc lại là trong 8 tháng đầu năm nay, với mức tăng trưởng khoảng 27% so với cùng kỳ năm trước, PTI vươn lên đứng ở vị trí thứ 3 với doanh thu đạt 1.909 tỷ đồng, chiếm 8,14% thị phần; còn Bảo Minh ở vị trí thứ 4 với doanh thu ước đạt 1.895 tỷ đồng, tăng 8,46% so với cùng kỳ 2015 và chiếm 8,08% thị phần. Được biết, năm 2016, PTI đặt kế hoạch đạt 3.000 tỷ doanh thu bảo hiểm gốc, tăng 22%, lợi nhuận trước thuế gần 171 tỷ đồng.
Một số DNBH có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc trên 50% so với cùng kỳ năm trước như Phú Hưng (67 tỷ đồng, tăng 80,4%), Cathay (134 tỷ đồng, tăng 78,2%)… VBI cũng đạt bước phát triển đột phá trong 9 tháng qua, khi doanh thu phí bảo hiểm gốc ước tăng trưởng 46%, đạt 460 tỷ đồng, tăng trưởng 46% so với cùng kỳ 2015; lợi nhuận lũy kế đạt 48 tỷ đồng. VBI cho biết, năm 2016, kế hoạch doanh thu phí bảo hiểm là trên 800 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2015.
Tại Đại hội cổ đông hồi đầu năm, một số doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng đặt mục tiêu tăng trưởng khá cao cho năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa rõ kết quả. Chẳng hạn, Bảo hiểm Hàng không (VNI) đặt mục tiêu tổng doanh thu 518,66 tỷ đồng, tăng 48% so với thực hiện năm 2015 (hơn 350 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế 11,27 tỷ đồng. Năm 2015, VNI hoàn thành 94% kế hoạch doanh thu và 31% kế hoạch lợi nhuận.
Bảo hiểm BSH lên kế hoạch doanh thu bảo hiểm gốc đạt 687,9 tỷ đồng và lợi nhuận là 34,2 tỷ đồng, lần lượt tăng tới 169% và 136% so với thực hiện 2015. Năm 2015, tổng doanh thu bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm của BSH đạt 408 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 15 tỷ đồng; chỉ hoàn thành tương ứng 56% và 44% kế hoạch đề ra.
Năm tài chính chỉ còn hơn 1 tháng, với hiện trạng trên, cùng bối cảnh hầu hết DNBH hiện đang dồn sức cho phân khúc bán lẻ vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu tăng trưởng ở mức cao 15% của toàn khối phi nhân thọ sẽ khó khả thi, khi mà các DHBH vẫn còn đang ngổn ngang với không ít khó khăn phía trước, đó là những khoản bồi thường lớn từ những vụ cháy nổ liên tiếp vừa qua, khiến DNBH rất e ngại các dịch vụ rủi ro lớn (mà các dịch vụ này thường có phí bảo hiểm cao), trong khi vẫn chịu sự cạnh tranh gay gắt (hạ phí, mở rộng các điều khoản bảo hiểm…), hay như việc hạch toán nợ gặp khó khăn theo quy định mới sẽ làm ảnh hưởng đến doanh thu…
Không phủ nhận việc đầu tư phát triển sản phẩm mới đã tạo điều kiện cho các DNBH tăng trưởng doanh thu, thị phần, nhưng thực tế cũng cho thấy, đôi khi đó chỉ là hình thức “hy sinh” nguồn thu từ các sản phẩm tương tự trước đó.
Cũng như nỗ lực của cơ quan quản lý trong xây dựng quy tắc, điều khoản cho các sản phẩm mới như: bảo hiểm du lịch lữ hành trong nước và quốc tế, trách nhiệm dân sự chủ phương tiện vận tải thủy nội địa, bảo hiểm nghề nghiệp ở một số ngành nghề, thiên tai..., để ra được sản phẩm và có nguồn thu, thường có độ trễ nhất định, chứ không thể thực hiện ngay được.