Cùng với sự kiện ra mắt nhận diện thương hiệu mới, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã PGI) đề ra trong năm 2024 là đẩy mạnh công tác quản trị rủi ro, chuyển đổi số.
Đến hiện tại, PJICO đã triển khai thành công và “go-live” (bắt đầu đưa vào hoạt động) trên toàn quốc dự án rà soát hóa đơn đầu vào bằng nền tảng tự động hóa akaBot kết hợp sửa đổi Quy định quản lý tài chính triệt để áp dụng hình thức thanh toán “không dùng tiền mặt” nhằm quản trị rủi ro về hóa đơn đầu vào trong toàn hệ thống, phù hợp với xu thế chuyển đổi số.
Hãng bảo hiểm này đang hướng đến mục tiêu chuẩn hóa quy trình kiểm soát hóa đơn, vận hành (các hóa đơn sẽ được kiểm tra kỹ các điều kiện trước khi thực hiện thanh toán, giảm các rủi ro về mặt tài chính, pháp lý…); nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người lao động…
PJICO cũng là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đầu tiên công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm 2024 với tổng doanh thu ước đạt 2.546 tỷ đồng, hoàn thành 53,4% kế hoạch năm 2024.
Trong đó, doanh thu bảo hiểm gốc ước đạt 2.154 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 53,6% kế hoạch năm 2024; lợi nhuận trước thuế ước đạt 190 tỷ đồng, hoàn thành 65,8% kế hoạch cả năm.
Trong một động thái khác, đầu tháng 6/2024, Bảo hiểm BIDV (BIC, mã BIC) và Trung tâm Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Viettel (Viettel AI) đã tổ chức Lễ trao hợp đồng và kick-off dự án triển khai dịch vụ nhận diện ký tự quang học OCR (Optical Character Recognition).
Đây là một bước đi quan trọng của BIC trong việc cụ thể hóa chiến lược chuyển đổi số nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Thông qua ứng dụng công nghệ OCR, khách hàng hoặc cán bộ/đại lý bảo hiểm của BIC sẽ không cần nhập thủ công thông tin từ các tài liệu như trước đây, mà chỉ cần một thao tác chụp ảnh, các thông tin trên tài liệu sẽ được quét và tự động nhập vào hệ thống dữ liệu của BIC để hoàn thiện hồ sơ mua hàng hay bồi thường, chi trả bảo hiểm cho khách hàng.
Với công nghệ do Viettel AI cung cấp, hệ thống của BIC có khả năng quét thông tin có sẵn trên gần 40 loại tài liệu khác nhau (căn cước công dân, giấy khai sinh, đăng ký xe, đăng kiểm xe, hóa đơn…), giúp rút ngắn đáng kể thời gian nhập liệu, đồng thời đảm bảo các thông tin trên hệ thống dữ liệu của BIC luôn đầy đủ, chính xác…
Ngoài ra, BIC đang đấu thầu dự án phần mềm core bảo hiểm nhằm xây dựng mới một hệ thống công nghệ thông tin hiện đại hơn; xây dựng, tổ chức lại cơ sở dữ liệu để phục vụ tốt hơn hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Tại Bảo hiểm Quân đội (MIC, mã MIG), hãng bảo hiểm này định hướng cơ cấu doanh thu các sản phẩm theo hướng tập trung khai thác các sản phẩm có hiệu quả và hướng đến mục tiêu tất cả các nghiệp vụ đều nằm trong tốp 3-5 của thị trường.
Tăng tỷ trọng doanh thu nghiệp vụ hàng hải và tài sản, thiết kế các gói combo sản phẩm khai thác toàn diện nhu cầu bảo vệ của khách hàng; tiếp tục đa dạng và tối ưu hóa các kênh bán hàng dựa trên khai thác tối đa hệ sinh thái của MB Group, các ngân hàng, các tập đoàn lớn, các đối tác, khách hàng chiến lược; tập trung đẩy mạnh bán hàng qua kênh số thông qua việc phát triển các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, số hóa hoàn toàn quá trình bán hàng qua kênh số từ khâu tìm kiếm, sàng lọc khách hàng đến khâu bồi thường, tái tục.
“Với việc đầu tư mạnh vào công nghệ, MIC hướng đến mục tiêu tốp 4 về thị phần trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ năm 2024”, lãnh đạo MIC cho hay.