Thị trường tăng trưởng vào hàng cao nhất ở Đông Nam Á
Mặc dù đã trải qua hơn 20 năm hoạt động, nhưng đối với các tập đoàn tài chính bảo hiểm nước ngoài, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam chỉ đang ở giai đoạn đầu phát triển nên tiềm năng khai thác còn rất lớn, đặc biệt ở phân khúc chuyển đổi số hóa.
Báo cáo của AM Best về Triển vọng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam 2020 cho thấy, thị trường phi nhân thọ tại Việt Nam có mức tăng trưởng vào hàng cao nhất ở Đông Nam Á, trung bình (CAGR) đạt 17% trong vòng 10 năm qua (2009 – 2019). Sự tăng trưởng của thị trường bảo hiểm chủ yếu là nhờ vào tăng trưởng kinh tế mạnh, tầng lớp trung lưu ngày càng giàu có hơn, và thay đổi tích cực của khung khổ pháp lý. Đáng chú ý là những động lực tăng trưởng chính – Bảo hiểm sức khỏe và xe cơ giới – đã có sự phát triển mạnh trong 10 năm qua, với tốc độ tăng trưởng trung bình 27% và 18%.
Theo thống kê của Cục quản lý giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính, năm 2019 bảo hiểm sức khỏe là nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu đạt 17.403 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33,22%, tiếp đến là bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm cháy nổ…
Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam có 31 doanh nghiệp nhưng gần 60% thị phần đang nằm trong tay các doanh nghiệp thuộc Top 5 là Bảo Việt, PVI, PTI, Bảo Minh, PJICO.
Thị trường luôn cạnh tranh vô cùng gay gắt, đặc biệt ở phân khúc bán lẻ với 2 sản phẩm chính là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người. Cạnh tranh không chỉ trong nội khối Top 5 thị phần lớn nhất, mà còn diễn ra tại các doanh nghiệp nhóm dưới như MIC, VBI, ABIC, VBI, BSH, Samsung Vina, VNI, VASS…. Với chiến lược phát triển linh hoạt, và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ giới quan sát cho rằng, thị phần từ các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cũng đã bắt đầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh để đơn giản hóa các quy trình phục vụ khách hàng, xử lý thông tin, đầu tư vào các kênh phân phối để tiếp cận khách hàng nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, sự đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam vẫn đang ở mức thận trọng, chưa thật sự bùng nổ vì thực hiện chuyển đổi số toàn diện từ mô hình vận hành, kinh doanh cũ… đòi hỏi kinh phí lớn và thời gian để có doanh thu hồi vốn lại kéo dài…
Đại diện đứng đầu của một doanh nghiệp Bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường chia sẻ: “Việt Nam vẫn đi sau các nước khác khá lâu, bởi đến nay bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam mới đang ở giai đoạn đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, trong khi ở nhiều thị trường khác đã sử dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI)… để phân tích hoặc đưa ra các sản phẩm phù hợp cho khách hàng”.
“Việt Nam đang bị chậm hơn so với các nước như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan. Kênh phân phối tại các nước này, đã hoàn toàn mở rộng dịch vụ bảo hiểm trực tuyến cách đây 5-7 năm, không chỉ các thao tác mua bảo hiểm online, bồi thường online, mà giấy chứng nhận điện tử cũng đã được chấp nhận rộng rãi”. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ chỉ mất 2-3 năm để phát triển, thay vì phải mất 5-6 năm như các thị trường khác.
Người mới và kỳ vọng thay đổi “sân chơi” bảo hiểm số
Theo đánh giá của các doanh nghiệp bảo hiểm, sự phát triển “vũ bão” của internet và mạng xã hội cũng tác động lớn đến thói quen mua bảo hiểm hiện nay. Mặc dù, tỉ trọng doanh thu từ online hiện nay chưa cao so với kênh bán hàng truyền thống nhưng với tốc độ tăng trưởng liên tục của kênh bán mới mẻ này, chắc chắn trong thời gian tới, tỉ trọng của ngành bảo hiểm cũng sẽ tăng lên.
Các doanh nghiệp bảo hiểm lâu năm đang dần thay đổi chiến lược và tập trung đầu tư vào công nghệ. Các “tân binh” mới bước vào thị trường cũng xác định công nghệ là mũi nhọn và cũng là bước đi mang lại sự khác biệt.
“Cuộc cách mạng 4.0 đang từng bước thiết lập lại mô hình kinh doanh bảo biểm trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Doanh nghiệp bảo hiểm nào đem lại được những trải nghiệm tốt cho khách hàng thì chắc chắn sẽ chiếm được lợi thế kinh doanh, giành được thị phần” - đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ.
Đầu năm 2019, gã khổng lồ bảo hiểm Đức Allianz công bố kế hoạch tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam thông qua một liên doanh kỹ thuật số (JV) được thành lập với sự hợp tác của Tập đoàn FPT. Tập đoàn bảo hiểm Allianz đã xác định, tập trung phân phối các kênh trực tuyến, để mang đến nhiều lựa chọn cho khách hàng.
Theo chia sẽ từ hãng, FPT với tư cách là đối tác công nghệ chiến lược, FPT sẽ hỗ trợ Allianz trên thị trường bảo hiểm đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam, để phát triển các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm kỹ thuật số tiên tiến, đáp ứng các nhu cầu bảo vệ của khách hàng, đặc biệt sẽ tập trung vào sản phẩm bảo vệ sức khỏe hay việc xây dựng hệ sinh thái bảo vệ sức khỏe (Health Ecosystem) để giải quyết nhu cầu chăm sóc và bảo vệ đang tăng cao của người Việt.
“Châu Á tiếp tục là một thị trường trọng điểm, quan trọng và là động lực tăng trưởng của Tập đoàn Allianz. Chúng tôi cam kết nhiều hơn nữa cho tham vọng tăng trưởng của chúng tôi trong khu vực, không phải bất chấp những bất ổn toàn cầu xung quanh đại dịch mà vì chúng tôi nhìn thấy những cơ hội do nó tạo ra”, đại diện hãng bảo hiểm khổng lồ đến từ Đức nhìn nhận.
Tại Việt Nam, cùng với việc xây dựng các chiến lược cụ thể: trước, trong và sau bán hàng để chinh phục khách hàng ở mảng bảo hiểm sức khỏe, Allianz cũng đang theo đuổi chiến lược mở rộng để tiến vào thị trường P & C (Tài sản & thiệt hại). Dù là “tân binh” và chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn từ các đối thủ cạnh tranh có ưu thế về hệ thống phân phối, quen thuộc với người Việt… Nhưng với chiến lược khác biệt và thế mạnh sẵn có từ công nghệ số, không phải đầu tư thời gian hay chi phí vào quá trình chuyển đổi mà có thể trực tiếp xây dựng công ty bảo hiểm kỹ thuật số, giới chuyên môn nhìn nhận, Allianz nếu được gia nhập sẽ là “làn gió” tạo nên sự cạnh trạnh mới cho thị trường.