Bảo hiểm phi nhân thọ: Cái khó ló cái khôn

Bảo hiểm phi nhân thọ: Cái khó ló cái khôn

(ĐTCK) Khó khăn của nền kinh tế những năm qua đã có ảnh hưởng rõ nét đến tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm. Nếu như tốc độ tăng trưởng theo năm bình quân của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong khoảng 5 năm trước đây đều đạt trên 20% thì trong năm 2012 chỉ còn 9,4%.

Thay tướng và điều chỉnh chiến lược

Nhìn nhận khó khăn sẽ còn tiếp diễn, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, thậm chí điều chỉnh cả chiến lược hoạt động. Trường hợp Bảo hiểm BIDV (BIC) là một ví dụ. Ban đầu, BIC đặt kế hoạch trong giai đoạn 2012 - 2013, Công ty sẽ thực hiện tăng vốn lên 850 tỷ đồng thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu cho đối tác chiến lược và giai đoạn 2014 - 2015 sẽ tăng vốn lên trên 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán không ổn định, nên việc tìm kiếm đối tác chiến lược trong năm qua và đầu năm nay không thuận lợi. Vì vậy, HĐQT đã chủ động tạm hoãn việc tìm kiếm đối tác chiến lược, chuyển hướng tập trung vào việc tăng và nhận chuyển nhượng vốn góp từ 2 liên doanh tại Lào và Campuchia. Đến thời điểm hiện tại, việc tái cấu trúc tại BIC vẫn đang được triển khai, tuy nhiên, tiến độ thực hiện có thể sẽ chậm hơn lộ trình đã được ĐHCĐ phê duyệt. Trước những dự báo môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, bất ổn và khó lường, mục tiêu tăng trưởng nhanh trong giai đoạn này là không phù hợp,  BIC định hướng năm 2013 chỉ phấn đấu tăng trưởng doanh thu cao hơn bình quân thị trường để giữ thị phần; lợi nhuận tăng trưởng khoảng 10% so với 2012 “.

Bảo hiểm phi nhân thọ: Cái khó ló cái khôn ảnh 1

Liberty nhận định, thời kỳ tăng trưởng 60 - 70%/năm đã trở thành dĩ vãng

Thể hiện quyết tâm thay đổi, một số doanh nghiệp đã “thay tướng” ngay trong những tháng đầu năm 2013. Tại buổi chuyển giao quyền lực, bà Đỗ Thị Kim Liên, người sáng lập Bảo hiểm AAA nói rằng, trong giai đoạn phát triển tiếp theo, để đạt được những mục tiêu đã đặt ra, trở thành công ty bảo hiểm được tôn trọng nhất tại Việt Nam, Bảo hiểm AAA cần phải chuyên nghiệp hơn trong hoạt động của mình. Và cách duy nhất để Bảo hiểm AAA có thể làm lúc này là thay đổi.

Cùng với Bảo hiểm AAA, cả PJICO và Viễn Đông khi thay đổi CEO đều gắn với chiến lược tái cơ cấu mạnh mẽ. Bảo hiểm Viễn Đông trước khi có CEO mới cũng đã có một cuộc cải tổ với sự tham gia góp vốn đầu tư của cổ đông mới là Bamboo Capital. Trong khi đó, cùng với quyết định thay đổi nhân sự cấp cao, PJICO cũng đã thực hiện lấy ý kiến cổ đông về việc tái cơ cấu và nâng cấp PJICO thành Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex. PJICO do Petrolimex nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (Công ty có 709 tỷ đồng vốn điều lệ) và là doanh nghiệp thành viên của tập đoàn này.

Đại diện Bảo hiểm Liberty cho biết, thời kỳ tăng trưởng 60 - 70% đã xa rời, không doanh nghiệp nào còn dám đưa ra mục tiêu tăng trưởng tham vọng và Liberty cũng không ngoại lệ.

“Khó khăn buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải thực tế hơn trong việc thiết lập các chỉ tiêu kinh doanh, chứ không thể tiếp tục tuyển dụng đại lý ồ ạt, chi tiền phóng khoáng cho các chương trình thu hút khách hàng...”, đại diện Liberty nói.

 

Quyết tâm lãi nghiệp vụ

Thực tế, không chỉ những doanh nghiệp bảo hiểm quy mô nhỏ và doanh nghiệp mới gia nhập thị trường mới phải vật lộn với khó khăn kinh tế và cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp bảo hiểm lớn cũng không ngoại lệ. Với quan điểm phát triển thận trọng, năm 2013, Bảo hiểm Bảo Việt chỉ đặt mục tiêu tổng doanh thu 6.739 tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2012; lợi nhuận trước thuế 497 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2012.

Trong khi đó, kiên định với mục tiêu chiến lược đã đề ra là “Hiệu quả và phát triển bền vững”, Bảo Minh tiếp tục tiến hành tái cơ cấu và triển khai các giải pháp để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, tập trung vào các địa bàn trọng tâm, trọng điểm, các nghiệp vụ kinh doanh có hiệu quả… Mục tiêu doanh thu bảo hiểm gốc năm 2013 của Công ty khá khiêm tốn, chỉ tăng trưởng khoảng 8 - 10% so với năm 2012. Trong kế hoạch kinh doanh năm 2013, Công ty sẽ tập trung khai thác các dịch vụ mang lại lợi nhuận như các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật, bảo hiểm xe gắn máy… Bảo Minh cho biết, Công ty sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc phục hồi và mở rộng kênh phân phối trực tiếp tại các quận, huyện và qua đại lý tại các địa bàn trọng tâm như: TP. HCM, Hà Nội, Đồng Nai và Bình Dương để bán các sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người, tài sản kỹ thuật và hàng hóa… Ngoài ra, năm 2013, Bảo Minh sẽ tăng cường các biện pháp giảm chi phí kinh doanh, bao gồm việc xiết chặt hơn các công ty thành viên yếu kém có 2 năm lỗ liên tục bằng các giải pháp hạn chế khai thác nghiệp vụ xấu, giảm nhân sự gián tiếp… đảm bảo các đơn vị này chỉ như phòng đại diện kinh doanh, doanh thu có thể thấp, nhưng không làm lỗ cho Tổng công ty.

Bảo hiểm phi nhân thọ: Cái khó ló cái khôn ảnh 2

Trải qua năm 2012 đầy khó khăn, nhưng  PTI vẫn đạt được kết quả kinh doanh khả quan. Tổng doanh thu bảo hiểm gốc đạt 1.480 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch; lợi nhuận từ các hoạt động đầu tư đạt 103 tỷ đồng, bằng 126% kế hoạch và tỷ lệ chia cổ tức ở mức 11%. Kênh bán hàng Vnpost cũng đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, tăng 57,5%, đạt 302 tỷ đồng. Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn phía trước của nền kinh tế, ông Nguyễn Trường Giang, Tổng giám đốc PTI cho biết, năm 2013, PTI  xây dựng định hướng kinh doanh theo hướng tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên, tập trung nguồn lực vào việc tăng cường hiệu quả bảo hiểm gốc, trong đó, ưu tiên việc kiểm soát bồi thường, rà soát và loại bỏ một số garage liên kết không đảm bảo chất lượng. Năm 2013, PTI đặt mục kinh doanh bảo hiểm 1.523 tỷ đồng, trong đó, doanh thu qua kênh Vnpost đạt 358 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2012; phấn đấu đạt 6,1% thị phần.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ cho rằng, dù còn triển vọng, nhưng kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ những năm gần đây và có thể những năm tới sẽ không còn “dễ thở” như thời kỳ tăng trưởng vàng. Cùng với những khó khăn chung của thị trường là tình hình cạnh tranh khốc liệt, trục lợi bảo hiểm gia tăng, khách hàng ngày càng khó tính…, bản thân các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, đặc biệt là những công ty nhóm dưới còn có những vấn đề của riêng mình, như áp lực không thể tiếp tục lỗ. Trong khi đó, các công ty bảo hiểm lớn cũng phải hoạt động hiệu quả hơn để có thể tồn tại trong nhóm 1 theo cách phân loại các doanh nghiệp bảo hiểm (phải có lãi nghiệp vụ). Năm 2012, để có lãi nghiệp vụ, một số doanh nghiệp bảo hiểm đã phải chi bồi thường từ quỹ dự phòng. Năm nay được đánh giá sẽ tiếp tục khó khăn, nên nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã chuyển hướng sản phẩm sang bảo hiểm tài sản cá nhân, bảo hiểm sức khỏe và y tế, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm tài chính tín dụng… Ngoài ra, các doanh nghiệp trong khối này cũng sẽ phải tập trung hơn cho công tác quản lý rủi ro, tăng cường bảo vệ khách hàng, mở rộng, củng cố mạng lưới và gia tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.