Tỷ lệ bồi thường xe cơ giới giảm giúp gia tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp phi nhân thọ

Tỷ lệ bồi thường xe cơ giới giảm giúp gia tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp phi nhân thọ

Bảo hiểm phi nhân thọ bội thu năm Covid

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Covid-19 đến biến năm 2020 trở thành “cơn ác mộng” với doanh nghiệp của nhiều ngành nghề, nhưng với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lại là năm bội thu.

2020: Lợi nhuận vượt kỳ vọng

Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 221 tỷ đồng, hoàn thành 118% kế hoạch đề ra. Tổng doanh thu đạt 4.941 tỷ đồng, đạt 107,60% kế hoạch và tăng 7,6% so với năm 2019, trong đó doanh thu bảo hiểm gốc là 4.220 tỷ đồng, hoàn thành 108,93% kế hoạch và tăng 8,93% so với năm 2019, qua đó tiếp tục giữ thị phần thứ 4 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.

Tại Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), kết thúc năm 2020, lợi nhuận trước thuế ước đạt 201 tỷ đồng, hoàn thành 111,2% kế hoạch năm và tăng trưởng dương so với năm 2019. Tổng doanh thu đạt 4.082 tỷ đồng, hoàn thành 118% kế hoạch năm, trong đó doanh thu phí bảo hiểm gốc ước đạt 3.500 tỷ đồng, hoàn thành 120% kế hoạch năm và tăng 14,5% so với năm 2019. Theo đại diện PJICO, kết quả năm 2020 là năm tốt nhất trong 25 năm hoạt động của Công ty.

Với Bảo hiểm Bưu điện (PTI), lãnh đạo nhà bảo hiểm này cho biết, trong năm qua, mặc dù chưa hoàn thành kế hoạch doanh thu, nhưng lợi nhuận đã vượt gần gấp đôi kế hoạch. Cụ thể, doanh thu năm 2020 ước đạt 6.000 tỷ đồng, hoàn thành 95% kế hoạch năm, nhưng tăng 5% so với năm 2019; lợi nhuận ước đạt 303 tỷ đồng, hoàn thành 190% kế hoạch năm và tăng 129% so với năm 2019.

Với kết quả này, PTI là doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ hiệu quả kinh doanh cao nhất trong Top 10 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam. Trong năm 2020, doanh thu các nghiệp vụ chính của PTI là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người đều khả quan, lần lượt là 2.650 tỷ đồng và 1.752 tỷ đồng, tăng tương ứng 2% và 30% so với năm 2019. Đây là hai nghiệp vụ chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của PTI, đồng thời là 2 nghiệp vụ chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường.

Đáng chú ý, cũng trong năm qua, nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật của PTI lần đầu tiên cán mốc 1.000 tỷ đồng, tăng 33% so với kết quả năm 2019. Nghiệp vụ bảo hiểm hàng hải tuy không chiếm tỷ trọng doanh thu lớn, nhưng cũng tăng trưởng dương ở mức 12%.

Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng nằm trong nhóm công ty bảo hiểm đạt tỷ lệ hiệu quả kinh doanh năm 2020 cao nhất với mức lợi nhuận 242 tỷ đồng, tăng 37% so với thực hiện năm 2019. Doanh thu đến từ hoạt động bảo hiểm gốc đạt 3.157 tỷ đồng, tăng 26% so với 2019 và cao gấp 4 lần so với bình quân thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận năm nay tăng cao hơn so với năm trước là do dịch bệnh làm cho tần suất giao thông, đi lại của người dân giảm đi, góp phần quan trọng làm giảm tỷ lệ bồi thường xe cơ giới - vốn là nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao nhất trong số các nghiệp vụ của công ty bảo hiểm.

Thận trọng năm 2021

Mặc dù ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2020 tăng trưởng vượt kỳ vọng, nhưng không vì thế mà các doanh nghiệp phi nhân thọ chủ quan trong việc lên kế hoạch kinh doanh năm 2021.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đều nhận định, tình hình kinh tế Việt Nam năm 2021 tuy được đánh giá sẽ tích cực hơn năm 2020 nhưng vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, khi mà dịch bệnh Covid 19 chưa hoàn toàn được khống chế. Chính vì vậy, nhà hiểm sẽ không mạo hiểm đặt mục tiêu tăng trưởng cao về doanh thu, lợi nhuận trong năm 2021, thay vào đó là tập trung đầu tư cho công nghệ cũng như mở rộng hợp tác với các đối tác để đa dạng hóa kênh khai thác, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng...

Đơn cử, PTI sẽ tiếp tục dành ngân sách đầu tư cho công nghệ thông tin hiện đại với mục tiêu trở thành doanh nghiệp bảo hiểm vượt trội về công nghệ số vào năm 2025. Doanh thu mục tiêu năm 2021 vào khoảng 6.500 tỷ đồng, tăng gần 10% so với ước thực hiện năm 2020.

PJICO đặt kế hoạch tổng doanh thu bảo hiểm gốc năm 2021 ở mức 3.542 tỷ đồng, tăng 6 % so với ước thực hiện năm 2020.

Rủi ro từ môi trường lãi suất thấp và chi phí tái bảo hiểm tăng là 2 mối lo lớn của các doanh nghiệp phi nhân thọ hiện nay. Hơn nữa, xu hướng này có thể kéo dài trong trung hạn.

BMI định hướng kế hoạch kinh doanh năm 2021 phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, tập trung vào các dịch vụ sau bán hàng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm bảo hiểm; tăng cường nhân sự công tác quản lý giám định để phù hợp sự thay đổi của chính sách về bảo hiểm xe cơ giới.

Năm 2021, Bảo hiểm BIDV (BIC) sẽ đẩy mạnh khai thác một số kênh bán mới. Trước đó, vào cuối năm 2020, BIC hợp tác với Công ty cổ phần Thương mại Vi Vi (VGS) triển khai bán bảo hiểm trực tuyến qua truyền hình. BIC sẽ độc quyền phân phối các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn 24/24 trên kênh TV Shopping Online của VGS.

Vào đầu năm 2021, BIC tiếp tục ký kết hợp tác với Công ty cổ phần DayOne (Got It) để phân phối các sản phẩm bảo hiểm thông qua việc sử dụng voucher điện tử Got It...

Theo giới chuyên gia, việc các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng đẩy mạnh kênh bán hàng online là xu thế tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ như hiện nay.

SSI Research đánh giá, doanh số bán hàng trực tuyến sẽ tăng trong năm 2021 cũng như những năm tới, nhưng kênh này sẽ chỉ phù hợp với một số phân khúc nhất định như bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm xe máy bắt buộc hay bảo hiểm du lịch. Ngoài ra, các công ty bảo hiểm có thể phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm sức khỏe với nhiều mức tùy chọn để đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng hơn.

Theo nhận định của SSI Research, tăng trưởng doanh thu phí của ngành bảo hiểm sẽ tốt hơn trong năm 2021 với mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc cao hơn, trong đó mảng bảo hiểm phi nhân thọ ước tăng từ 10-12% so với năm 2020.

Liên quan tới yếu tố rủi ro, SSI Research nhấn mạnh tới rủi ro từ môi trường lãi suất thấp và chi phí tái bảo hiểm tăng. Theo SSI Research, đây là 2 mối lo lớn của các doanh nghiệp phi nhân thọ hiện nay.

Lý do bởi, lãi suất thấp sẽ làm giảm lợi nhuận đầu tư, từ đó ảnh hưởng tới lợi nhuận chung, do phần lớn danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ. Về chi phí tái bảo hiểm, do dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, cùng với biến đổi khí hậu khiến thiên tai, lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn khiến cho các doanh nghiệp tái bảo hiểm xem xét tăng phí tại thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, SSI Research lưu ý, xu hướng lãi suất thấp và chi phí tái bảo hiểm tăng sẽ không chỉ diễn ra trong ngắn hạn, mà có thể kéo dài trong trung hạn. Những thách thức này sẽ buộc các doanh nghiệp phi nhân thọ phải tìm ra những hướng đi mới, khai phá những thị trường trước đây còn để ngỏ… để có thể cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Tin bài liên quan