Nông nghiệp là lĩnh vực chịu rủi ro thiên tai rất lớn, nhưng độ phủ của bảo hiểm rất thấp

Nông nghiệp là lĩnh vực chịu rủi ro thiên tai rất lớn, nhưng độ phủ của bảo hiểm rất thấp

Bảo hiểm nông nghiệp, nhìn lại sau siêu bão

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau bão Yagi, các cơ quan chức năng cũng như người dân ý thức cao hơn về tầm quan trọng của bảo hiểm, đặc biệt với lĩnh vực nông nghiệp - vốn chịu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu rất lớn. Điều này kỳ vọng sẽ giúp phân khúc sản phẩm này sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.

Siêu bão làm lộ “lỗ hổng” bảo hiểm

“Chưa bao giờ chúng tôi thấy bảo hiểm nông nghiệp cần thiết như sau bão Yagi. Sau cơn bão, chúng tôi phải cấu trúc lại toàn bộ hệ thống liên quan đến hạ tầng nông nghiệp để thích ứng bền vững”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ như vậy khi giải trình trước Quốc hội về những vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn và phòng chống thiên tai, bão lũ ngày 4/11 vừa qua.

Bão Yagi, cơn bão có cường độ rất mạnh đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng hồi đầu tháng 9/2024 và hoàn lưu bão gây mưa lũ trên diện rộng đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh phía Bắc. Thống kê của các cơ quan hữu quan cho thấy, ước tính, tổng thiệt hại do bão gây ra lên tới hơn 80.000 tỷ đồng. Trong đó, nông nghiệp là lĩnh vực chịu thiệt hại lớn nhất, với khoảng 30.000 tỷ đồng, chiếm gần 40%.

Sau bão, các công ty bảo hiểm đã tích cực ghi nhận tổn thất của khách hàng cá nhân và lên phương án bồi thường. Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến ngày 22/11/2024, trên cơ sở báo cáo của 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thì các công ty bảo hiểm này đã tiếp nhận được 14.662 thông tin thiệt hại về bảo hiểm phi nhân thọ, sức khoẻ ước tính là 11.465 tỷ đồng do bão Yagi gây ra.

Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về tỷ lệ bồi thường cũng như tỷ lệ mua đối với bảo hiểm nông nghiệp trên toàn thị trường, nhưng ghi nhận từ Bảo hiểm Agribank (ABIC) - doanh nghiệp có thị phần bán bảo hiểm nông nghiệp lớn nhất tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ khách hàng chủ động mua bảo hiểm còn thấp.

Việt Nam là một quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, vì vậy, Chính phủ dành sự quan tâm lớn đến mảng từ năm 2011. Nhưng đáng tiếc, bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn khá xa lạ đối với người dân.

“Cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế, trong đó ngành nông nghiệp chịu thiệt hại lên tới trên 30.000 tỷ đồng. Thế nhưng, trong số hơn 28.000 khách hàng vay vốn tại Agribank, chỉ khoảng 10% là tự nguyện mua bảo hiểm”, ông Đỗ Minh Hoàng, thành viên Hội đồng quản trị ABIC cho hay.

Ngay với đối tượng chịu áp lực trả nợ ngân hàng, cũng như có khả năng và kinh nghiệm tiếp cận với sản phẩm tài chính mà tỷ lệ tham gia bảo hiểm còn thấp như vậy, nói chi những người nông dân không tiếp cận sản phẩm ngân hàng.

Dù có sự trợ cấp tài chính từ Nhà nước nhưng từ năm 2019 đến năm 2023, tỷ trọng phí bảo hiểm nông nghiệp trên doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành phi nhân thọ ở mức rất thấp, chỉ đạt khoảng 0,06 - 0,1%. Số tiền bồi thường bảo hiểm gốc năm 2022, 2023 đều dừng ở mức 3 tỷ đồng; số tiền bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại lần lượt là 26 tỷ đồng và 12 tỷ đồng. Số doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm nông nghiệp cũng chiếm tỷ lệ thấp, chỉ có 8/31 doanh nghiệp trong khối phi nhân thọ, gồm Bảo Minh, Bảo Việt, ABIC, PVI, BIC, Bảo Long, MSGI và MIC.

Tăng độ phủ cho bảo hiểm nông nghiệp đang là bài toán đặt ra với các cơ quan hữu quan; trong đó, có việc khắc phục những lý do khiến thị trường bảo hiểm nông nghiệp nói riêng, thị trường bảo hiểm nói chung chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiết lộ, sau bão Yagi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58 về bảo hiểm nông nghiệp.

Kỳ vọng “thức giấc” sau bão

Các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp hiện tại đang được cung cấp bởi một số doanh nghiệp bảo hiểm lớn có vốn Nhà nước như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, ABIC… Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, các doanh nghiệp này đã trình Bộ Tài chính phê duyệt một số sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp liên quan đến trâu bò, tôm thẻ chân trắng, tôm sú và đang nghiên cứu sản phẩm bảo hiểm cây lúa.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), sau cơn bão vừa qua, Việt Nam cần cập nhật sản phẩm bảo hiểm để đến gần hơn với người mua bảo hiểm, đặc biệt là nông dân.

“Sản phẩm bảo hiểm phải đi vào đời sống của nhân dân nhiều hơn nữa. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm là làm lá chắn cho khách hàng, đặc biệt là người nông dân - đối tượng rất dễ bị tổn thương”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Trở lại câu chuyện tỷ lệ tham gia bảo hiểm nông nghiệp còn thấp, theo các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân chính của tình trạng này xuất phát từ nhận thức của người dân về bảo hiểm còn hạn chế. Nhiều người vẫn cho rằng bảo hiểm không phải là sản phẩm thực sự cấp thiết, lợi ích mang lại không cao.

Bên cạnh đó, dù Chính phủ có chính sách khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp (mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo có thể lên tới 90% phí bảo hiểm nông nghiệp; mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tối đa là 20% phí bảo hiểm nông nghiệp), nhưng phí bảo hiểm vẫn là một gánh nặng đáng kể với nhiều người nông dân, nhất là đối tượng nghèo và cận nghèo.

“Thời gian tới, nên chăng, Chính phủ xem xét hỗ trợ 100% phí bảo hiểm nông nghiệp, thay vì 90% như hiện tại cho hộ nghèo và cận nghèo. Với đối tượng còn lại, có thể một phần cao hơn 20%, 50%. Điều này có thể thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của nông dân và khi rủi ro xảy ra, họ sẽ thấy lợi ích của bảo hiểm, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa ra xã hội và thúc đẩy phân khúc thị trường này phát triển mạnh mẽ”, ông Tuấn đề xuất.

Phó Chủ tịch IAV cũng kỳ vọng, sau những thảm họa thiên tai như cơn bão số 3 vừa qua, phân khúc thị trường bảo hiểm nông nghiệp sẽ phát triển hơn, do nhận thức của người dân về bảo hiểm được nâng cao.

Không chỉ ở Việt Nam, tại các nước trên thế giới, cứ sau mỗi trận bão lớn, các công ty bảo hiểm phải chi trả nhiều tiền bồi thường cho khách hàng. Tuy vậy, họ không quá lo lắng về điều đó, vì chỉ ngay sau đó doanh số mới sẽ tăng vọt (từ những người nhận được quyền lợi và từ những người nhìn thấy người khác nhận được quyền lợi). Thảm họa thiên tai vô tình giúp mọi người ý thức hơn về tầm quan trọng của bảo hiểm.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bảo hiểm Agribank ( ABIC)

Ông Đỗ Minh Hoàng, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bảo hiểm Agribank ( ABIC)

Ngoài sự vào cuộc của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần nghiên cứu, thiết kế sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp phù hợp với thực tế và nhu cầu thị trường.

Không chỉ dừng lại ở bảo hiểm cây, con, mà bảo hiểm nông nghiệp cần hướng tới bảo hiểm lực lượng sản xuất nông nghiệp - nông dân; tiếp đến là bảo hiểm các tài sản của Nhà nước tại khu vực nông nghiệp – nông thôn; bảo hiểm máy nông nghiệp; bảo hiểm nhà ở của nông dân; bảo hiểm các công trình, nhà xưởng của các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại; bảo hiểm cho các chi phí sản xuất đầu vào. Trong tương lai, có thể hướng tới bảo hiểm thời tiết, bảo hiểm chỉ số sản lượng, bảo hiểm đầu ra nông sản… Đây là những sản phẩm mà tôi mong đợi sau này, các tập đoàn bảo hiểm quốc tế sẽ cùng với các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước, trong đó có ABIC hợp tác thiết kế và chung vốn đầu tư.

Tin bài liên quan