Ngày nay, khi bảo hiểm đã là một ngành dịch vụ lớn và được hiểu biết nhiều hơn trong đời sống kinh tế xã hội, thì các khái niệm cụ thể, cũng như các hình thức kinh doanh của ngành cũng ngày càng nhận được mối quan tâm nhiều hơn của xã hội. Trong bối cảnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm sắp được ban hành, chúng tôi muốn giới thiệu tới bạn đọc quan tâm một khía cạnh, một hình thức của ngành, đó là bảo hiểm nội bộ. Đây cũng là vấn đề có nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc nên hay không hạn chế hình thức dàn xếp bảo hiểm nội bộ trong các Tập đoàn/Tổng công ty lớn của các công ty bảo hiểm trực thuộc.
Tính tất yếu và lợi thế của bảo hiểm nội bộ
Trên thế giới, các tập đoàn kinh tế lớn đều có công ty bảo hiểm nội bộ (captive insurer) như Petronas, Allianz, AIJ... Chức năng của công ty này là xây dựng, tư vấn quản lý rủi ro đề phòng tổn thất cho tập đoàn, cũng như đứng ra thu xếp bảo hiểm và tư vấn sản phẩm tốt nhất cho khách hàng trong ngành. Tại Việt Nam, theo xu hướng trên thế giới, nhiều tổng công ty và tập đoàn kinh tế lớn đã thành lập công ty bảo hiểm và thực hiện kinh doanh bảo hiểm trong nội bộ DN.
Lợi thế rõ ràng nhất của công ty bảo hiểm nội bộ là sự thấu hiểu mục đích hoạt động, cơ chế kinh doanh và ưu nhược điểm của ngành, đồng thời có tiềm lực tài chính lớn từ hậu thuẫn của tập đoàn mẹ. Vì thế, khi công ty bảo hiểm nội bộ đứng ra thu xếp bảo hiểm và tư vấn các dịch vụ trong ngành cho khách hàng thì sẽ gặp thuận lợi hơn các công ty bảo hiểm ngoài ngành. Đồng thời, công ty bảo hiểm nội bộ có khả năng mang đến cho khách hàng những dịch vụ tốt hơn và uy tín cao hơn, bởi khả năng hợp tác và độ tin cậy giữa các DN trong cùng một ngành hay một tập đoàn là rất lớn (công ty bảo hiểm ngoài ngành không thể đạt được mức độ tin cậy cao như vậy, nhất là các DN tư nhân).
Bên cạnh đó, do nắm rõ quy trình và cơ chế hoạt động của ngành, nên công ty bảo hiểm nội bộ sẽ quyết định được mức giữ lại hợp lý nhất, tiết kiệm phí bảo hiểm cho ngành.
Thuộc tính của dịch vụ bảo hiểm là uy tín, khả năng chi trả và khả năng đảm bảo thực hiện chi trả. Trong khi đó, ưu điểm của công ty bảo hiểm nội bộ là trực thuộc tổng công ty, tập đoàn lớn, có tài chính thuận lợi, vì vậy khả năng thực hiện chi trả cho khách hàng trong thời gian ngắn nhất sẽ được đảm bảo.
Bản chất bảo hiểm là phân tán rủi ro thông qua tái bảo hiểm tại các công ty uy tín trên thế giới (Allianz, Munich Re, Swiss Re...). Vì vậy, nếu xảy ra tổn thất thì rủi ro được chia đều (công ty bảo hiểm nội bộ hay công ty bảo hiểm ngoài ngành cũng như nhau). Tuy nhiên, trong một tập đoàn thì khả năng khắc phục rủi ro này cao hơn. Thực tế đã có những tranh chấp bảo hiểm xảy ra khi DN bảo hiểm không muốn giải quyết “sự cố”, chứ không phải do họ không thể giải quyết. Nhưng điều này không xảy ra với bảo hiểm nội bộ, với sự bao quát mọi mặt hoạt động các thành viên của tập đoàn, công ty mẹ.
Bảo hiểm nội bộ có làm giảm tính cạnh tranh?
Có thể thấy, bảo hiểm nội bộ có nhiều ưu thế. Tuy nhiên, khách hàng mới chính là người quyết định lựa chọn DN bảo hiểm tốt nhất để giao trọng trách bảo hiểm cho các công trình, dự án lớn của mình. Và việc giao này cũng tuân theo các quy định của pháp luật, trong đó quy định về đấu thầu. Đây thực chất cũng là một trong những biện pháp để lành mạnh hóa cạnh tranh, chống các biểu hiện tiêu cực.
Sẽ là hợp quy luật nếu trong các dự án lớn được thực hiện công tác đấu thầu, các DN bảo hiểm có đủ điều kiện, tiềm lực được cạnh tranh bình đẳng, công khai. Và DN nào hội đủ các yếu tố cần thiết sẽ giành được thắng lợi xứng đáng. Người thắng thầu đó có thể không phải là các công ty bảo hiểm nội bộ, như đã xảy ra với công ty bảo hiểm của ngành này thắng thầu các công trình của ngành khác. Tuy nhiên, với những lợi thế như hiểu biết rõ đặc điểm của DN trong cùng hệ thống, việc đưa ra mức phí hợp lý cùng điều kiện bảo hiểm phù hợp là lợi thế rất lớn của DN bảo hiểm nội bộ.