Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, năm 2023, các công ty công nghệ bảo hiểm (Insurtechs) sẽ không dễ dàng huy động vốn mới, nên sẽ có những cái tên phải rời khỏi “cuộc chơi”. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo tập đoàn bảo hiểm vẫn lạc quan và tin rằng, Insurtech sẽ thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh trong ngành bảo hiểm bằng cách cung cấp các dịch vụ hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí hơn và lấy khách hàng làm trọng tâm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và luôn thay đổi từ thị trường.
Theo InsurTechs, một website chuyên về công nghệ bảo hiểm, có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển của ngành công nghệ bảo hiểm năm 2023, trong đó việc lấy khách hàng làm trung tâm được xem là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm cũng cần một hệ sinh thái phân phối để bao phủ nhiều nhóm khách hàng hơn và bảo hiểm tích hợp sẽ trở thành một hình thức phân phối kỹ thuật số mới.
Bảo hiểm tích hợp, hay còn gọi là bảo hiểm nhúng, là cách công ty bảo hiểm hợp tác với đối tác thứ ba để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm đến một tập khách hàng cụ thể mà đối tác thứ ba đang cung cấp; khai thác công nghệ kỹ thuật số và dữ liệu theo những cách mới để tạo ra sản phẩm cũng như trải nghiệm riêng biệt dành cho khách hàng.
Điểm mấu chốt của hình thức bảo hiểm này là đóng gói sản phẩm và ứng dụng công nghệ trong toàn bộ hành trình tiếp xúc với khách hàng, từ khâu bán hàng, mua hàng đến giải quyết bồi thường. Điều này giúp trải nghiệm người dùng ngày càng được hoàn thiện hơn. Theo dự báo, quy mô thị trường tài chính nhúng toàn cầu sẽ vượt mức 7.300 tỷ USD vào năm 2030 và phần lớn nhất trong “miếng bánh” này thuộc về bảo hiểm nhúng.
Tại Việt Nam, ngoài Bảo hiểm Bưu điện (PTI) là đơn vị tiên phong phát triển dòng sản phẩm này, đến nay đã có thêm nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác triển khai như Bảo hiểm VietinBank (VBI), Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt... Thị trường đang ngày càng cạnh tranh do tiềm năng từ bảo hiểm nhúng dần trở nên rõ nét hơn, tập trung vào bảo hiểm du lịch, bảo hiểm trễ/hủy chuyến, bảo hiểm chuyến đi...
Ngoài việc tập trung cho khách hàng và hệ sinh thái, InsurTechs cho rằng, công nghệ bảo hiểm quản lý rủi ro chủ động sẽ được ứng dụng nhiều hơn. Cụ thể, các công ty bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe đang tăng cường sử dụng trí tuệ nhân tạo và các công cụ phân tích, dự đoán khác để phát triển nhiều hơn biện pháp phòng ngừa rủi ro cho khách hàng. Ví dụ, dữ liệu lớn được thu thập từ các thiết bị đeo có thể cung cấp cho các công ty bảo hiểm nhân thọ những thông tin liên quan tới sức khỏe và thể chất của khách hàng, từ đó đưa ra chiến lược quản lý rủi ro tích cực, bao gồm cung cấp thông tin chuyên sâu về lối sống, chế độ ăn uống và sức khỏe tổng thể của khách hàng, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong phát triển các sản phẩm bảo hiểm tùy chỉnh…
Tại Việt Nam, hình thức này cũng đã được một số công ty bảo hiểm nhân thọ triển khai, chẳng hạn AIA Việt Nam lần đầu tiên giới thiệu ra thị trường sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tích hợp chương trình chăm sóc sức khỏe. Theo đó, khách hàng tham gia sản phẩm này sẽ nhận ngay thêm 20% giá trị tăng bảo vệ và hưởng thêm lên tới tối đa 40% giá trị gia tăng bảo vệ tùy theo mức độ hoạt động nâng cao sức khỏe, mà không phải trả thêm chi phí bảo hiểm rủi ro…
Theo Roland Berger, tổ chức tư vấn chiến lược duy nhất có nguồn gốc châu Âu, các mô hình chăm sóc tích hợp các dịch vụ trong chuỗi giá trị chăm sóc sức khỏe từ bệnh viện đến trung tâm chẩn đoán, từ phòng khám chăm sóc sức khỏe đến nhà thuốc… đang được phát triển khắp thị trường Đông Nam Á. Tương tự, các công ty bảo hiểm và nền tảng sức khỏe đang hình thành quan hệ đối tác chiến lược để khám phá các dịch vụ riêng biệt và hướng đến các dịch vụ trọn gói dành cho bệnh nhân.
Cho đến thời điểm này, chưa có một dự đoán nào chắc chắn về tương lai bảo hiểm số, nhưng thị trường mới mẻ này sẽ tập trung “giải quyết” được tối đa nhu cầu của khách hàng nhằm tạo nên những “cú huých” cho sự phát triển trong tương lai.