Mơ hồ quyền lợi bảo hiểm xe và trách nhiệm của bên bán
Như Báo Đầu tư Chứng khoán đã đưa tin, sự cố hơn một ngàn xe ô tô bị ngập nước ở Đà Nẵng (con số này dự báo sẽ tăng cao hơn nhiều khi có thống kê đầy đủ) cho thấy việc hiểu nhầm giữa bảo hiểm thủy kích và ngập nước diễn ra khá phổ biến. Đây là 2 loại rủi ro khác nhau nên điều khoản bảo hiểm cũng khác nhau, song có nhiều người mua bảo hiểm không phân biệt được 2 rủi ro này, thậm chí có nhân viên bán bảo hiểm, nhân viên giám định bồi thường không nắm rõ nghiệp vụ, nhầm lẫn hoặc cố tình hiểu sai nên đã có những tư vấn và giải quyết bồi thường sai cho khách hàng.
Thời gian qua, theo ghi nhận từ các công ty chuyên đòi bồi thường cho người tham gia bảo hiểm thân vỏ xe, có những trường hợp chủ xe bị ngập nước bị từ chối bồi thường, bị chế tài, bị giảm trừ số tiền bồi thường. Chẳng hạn, xe không mua quyền lợi bảo hiểm thủy kích, sau đó xe này bị ngập nước nên bị công ty bảo hiểm từ chối bồi thường. Hoặc xe ngập nước nhưng giám định viên áp dụng điều khoản thủy kích để khấu trừ theo điều khoản thủy kích không giống nhau, có công ty bảo hiểm áp mức khấu trừ 10%, có công ty lại áp 20-30%.
Áp mức khấu trừ về bản chất là khách hàng phải tự chịu một phần thiệt hại, nếu bị thủy kích thì công ty bảo hiểm sẽ bồi thường nhưng khấu trừ theo quy định là 10%, tối thiểu 3 triệu đồng (ví dụ, thiệt hại 10 triệu đồng thì mức khấu trừ 10% tương đương 1 triệu đồng).
Chị Nguyễn Mai Dung (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) kể, chị trước đó không mua điều khoản bảo hiểm thủy kích, chỉ mua bảo hiểm thân vỏ xe có quyền lợi về ngập nước. Đến khi khi xe bị ngập nước sau vụ ngập lụt vừa qua, do không rành về bảo hiểm, lại nghe người tham gia bảo hiểm khác nói “xe không mua điều khoản bảo hiểm thủy kích nên không được chi trả bảo hiểm” nên tự đi sửa, không biết để liên lạc với các công ty bảo hiểm đòi bồi thường.
Trên thực tế, những trường hợp như chị Dung khá phổ biến, bởi không phải khách hàng nào nắm rõ sản phẩm bảo hiểm, hiểu hết quyền lợi được hưởng, cũng không phải bên bán bảo hiểm nào cũng tư vấn tận tâm, đính kèm mọi chi tiết điều khoản loại trừ, quyền lợi vào hợp đồng bảo hiểm đã đặt bút ký và giải thích cặn kẽ cho bên mua (về điều khoản loại trừ, mức khấu trừ, phân biệt bảo hiểm thủy kích và ngập nước...). Được biết, trong cơ cấu doanh thu, mảng bảo hiểm xe cao thứ 2, chỉ sau bảo hiểm sức khỏe.
Chẳng hạn, mặc dù đã mua bảo hiểm thủy kích nhưng không phải ô tô cứ bị thủy kích là được hưởng quyền lợi bảo hiểm. Điều này đã được ghi rõ trong hợp đồng, song không phải công ty bảo hiểm nào cũng quy định giống nhau. Trong khi đó, nhiều chủ xe lại không để ý, hoặc không được bên bán bảo hiểm chủ động giải thích, tư vấn kỹ lưỡng. Vì vậy, người mua bảo hiểm cần được chủ động cung cấp thông tin ngay từ đầu để chấp nhận việc có mua bảo hiểm của công ty ngoại trừ quyền lợi thủy kích hay không.
Hiện nay, trên thị trường, Bảo hiểm Hàng không và Bảo hiểm Liberty Việt Nam đang áp dụng loại trừ thiệt hại thủy kích do lái xe cố tình khởi động lại sau khi động cơ ngừng hoạt động do xe đi vào vùng ngập nước, nghĩa là nếu khách hàng khai là có đề lại máy sau khi xe chết máy do ngập nước là lập tức từ chối bồi thường.
“Tôi cho rằng, đây là điều khoản phi thực tế, không thể áp dụng, vậy sao các công ty này vẫn áp dụng? Ngoài ra, khi khách hàng bị thủy kích, có công ty bảo hiểm yêu cầu xin giấy xác nhận của công an phường nơi xảy ra, có công ty bảo hiểm lại không. Vậy, thủ tục cuối cùng cần những gì? Chúng tôi cần một thông tin chính thống để hiểu và chuẩn bị”, anh Phạm Ngọc Cường, một khách hàng mua bảo hiểm thân vỏ xe có quyền lợi ngập nước đặt vấn đề.
Trong khi đó, chuyên gia đến từ Bảo hiểm Hàng Không cho biết, khi tham gia bảo hiểm có điều khoản bổ sung bảo hiểm thủy kích, hoạt động trong vùng ngập nước và động cơ bị chết máy do nước tràn vào trong buồng đốt, trong trường hợp này, nếu chủ xe khởi động lại động cơ thì sẽ bị loại trừ bồi thường đối với phần động cơ và thiết bị điện bởi khi khởi động lại động cơ dẫn tới gia tăng tổn thất của xe, trường hợp nhẹ có thể cong tay biên, nặng thì gẫy tay biên và vỡ lốc máy…, thiết bị điện có thể bị chập nguồn dẫn tới các hư hỏng… Do đó, các chủ xe cần lưu ý điều này để được hưởng quyền lợi bảo hiểm khi xe bị ngập nước.
Đề phòng tổn thất, cần lối tiếp cận mới
Công tác truyền thông về hạn chế tổn thất bảo hiểm hiện vô cùng hạn chế, trong khi đây là phần việc quan trọng, giúp cả người mua bảo hiểm lẫn công ty bảo hiểm hưởng lợi.
Theo tổng giám đốc một công ty bảo hiểm thuộc tốp đầu thị trường, công tác truyền thông về hạn chế tổn thất bảo hiểm hiện vô cùng hạn chế, trong khi đây là phần việc quan trọng, giúp cả người mua bảo hiểm lẫn công ty bảo hiểm hưởng lợi.
“Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) với danh nghĩa là đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp bảo hiểm cần tăng cường phối hợp với các cơ quan báo đài, truyền hình để đẩy mạnh truyền thông về bảo hiểm, tổn thất bảo hiểm…, chẳng hạn có thể đưa nội dung cảnh báo chống chỉ định đề nổ xe khi bị ngập nước sau bản tin dự báo thời tiết trên truyền hình vào lúc 8h tối hàng ngày - thời điểm có nhiều người theo dõi ti-vi, để tăng hiệu quả truyền thông”, vị trên đề xuất.
Về khía cạnh pháp lý, vị này cho biết, quy định pháp luật hiện hành chưa đề cập tới việc hạn chế tổn thất, chống gian lận bảo hiểm, nhưng Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã bổ sung vấn đề này, trong đó nêu rõ trách nhiệm hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm thuộc về các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ở nước ngoài, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và các bên có liên quan.
Cụ thể, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm có trách nhiệm chủ động thực hiện các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất; thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm; thực hiện các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo hướng dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, có trách nhiệm thực hiện các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất như tập huấn, tuyên truyền, đào tạo; hỗ trợ các phương tiện, vật chất để đề phòng, hạn chế rủi ro; hỗ trợ xây dựng các công trình nhằm mục đích đề phòng, giảm nhẹ mức độ rủi ro cho các đối tượng bảo hiểm; thuê các tổ chức, cá nhân khác giám sát, đề phòng, hạn chế tổn thất; cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền về việc thực hiện các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất…