Nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe con người mang lại doanh thu cao, nhưng tỷ lệ bồi thường cũng cao không kém

Nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe con người mang lại doanh thu cao, nhưng tỷ lệ bồi thường cũng cao không kém

Bảo hiểm nhân thọ xử lý thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới quý I/2023 của khối nhân thọ chỉ đạt hơn 3%, giảm rất mạnh so với mức 15% của cùng kỳ năm trước, buộc các doanh nghiệp ngành này phải rốt ráo tìm kiếm động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh còn nhiều thách thức phía trước.

Quý tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, tổng doanh thu phí mới toàn thị trường bảo hiểm ước đạt 59.458 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu phí mới lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 19.870 tỷ đồng, tăng 15,2% và lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 39.588 tỷ đồng, tăng 3,1%.

Có thể thấy, trong khi doanh thu phí mới của khối bảo hiểm phi nhân thọ vẫn duy trì đà tăng trưởng 2 con số thì khối doanh nghiệp nhân thọ lại sụt giảm rất mạnh. Được biết, trong quý I/2022, doanh thu phí mới toàn thị trường bảo hiểm tăng trưởng 13%, trong đó khối bảo hiểm phi nhân thọ tăng 9% và khối bảo hiểm nhân thọ tăng 15%.

Khó khăn bủa vây khiến tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới quý I/2023 của các doanh nghiệp nhân thọ đạt thấp và cũng là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Thực tế, các doanh nghiệp lĩnh vực này đã được dự báo về những khó khăn phải đối mặt trong những tháng đầu năm 2023 như tăng trưởng kinh tế chậm lại, kênh đại lý vẫn ì ạch, quý I rơi vào thời điểm nghỉ tết …, nhưng cũng có yếu tố khác tác động là “cơn bão” truyền thông với những thông tin không mấy tích cực dội vào ngành liên quan đến kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng. Cùng với đó là các cuộc thanh kiểm tra của cơ quan chức năng khiến các doanh nghiệp cũng thận trọng hơn trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ.

Bộ Tài chính cho biết, năm 2023 sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng ở cả doanh nghiệp bảo hiểm lẫn ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm. Bộ Tài chính cũng yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm; đặc biệt, tuân thủ quy định không ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức…

Được biết, năm 2022, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã tổ chức 4 đoàn thanh tra chuyên đề về hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm và đang trong quá trình hoàn thiện kết luận thanh tra.

Nỗ lực tìm động lực tăng trưởng mới

Ngoài những thông tin không mấy tích cực liên quan đến kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, các cuộc thanh kiểm tra của cơ quan chức năng cũng khiến các doanh nghiệp nhân thọ thận trọng hơn trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ.

Không chỉ tình hình vĩ mô trong nước, ngành bảo hiểm Việt Nam còn chịu tác động từ kinh tế thế giới. Theo Viện Nghiên cứu Swiss Re, một kỷ nguyên về lãi suất mới cao hơn đang xuất hiện do “cú sốc” lạm phát tăng và bất ổn địa chính trị ở một vài khu vực, trong đó lạm phát luôn là mối quan tâm hàng đầu của ngành bảo hiểm.

Thực tế, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ bồi thường ở một số nghiệp vụ bảo hiểm có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là bảo hiểm sức khỏe con người. Bên cạnh đó, tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng trong nước và sự phục hồi của thị trường chứng khoán được dự báo không cao như kỳ vọng, từ đó ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh bảo hiểm nói chung và hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng. Các doanh nghiệp e ngại nếu kinh tế quý II/2023 chưa tăng cao thì bảo hiểm nhân thọ cũng khó lấy lại “phong độ”.

Đứng trước tình hình này, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều quyết liệt vào cuộc, đẩy mạnh khai thác kinh doanh ngay từ đầu quý II/2023. Theo đó, hàng loạt chương trình tri ân khách hàng cũ cũng như kích cầu tiêu dùng bảo hiểm mới đồng loạt được triển khai.

Chẳng hạn, nằm trong chuỗi chương trình và hoạt động chào đón cột mốc “Phục vụ trên 5 triệu khách hàng”, Dai-ichi Life Việt Nam tiếp tục triển khai chương trình khuyến mại “Vui hè rộn ràng - Quà sang trao tặng” với tổng giá trị hơn 900 triệu đồng dành cho khách hàng trên toàn quốc có hợp đồng bảo hiểm phát hành từ tháng 4/2023 đến hết tháng 6/2023.

Một doanh nghiệp khác là Mirae Asset Prévoir, trên kênh bán qua ngân hàng, hãng bảo hiểm này và VietABank đồng thời triển khai 2 chương trình tặng quà cho khách hàng mới và cũ. Ngoài ra, từ nay đến tháng 5/2023, Mirae Asset Prévoir còn có chương trình giới thiệu khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm trên nền tảng bán hàng trực tuyến của doanh nghiệp sẽ nhận được quà tặng hấp dẫn. Ngoài ra, khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm trực tuyến với mức phí từ 500.000 đồng cũng được áp dụng ưu đãi từ chương trình khuyến mại “Bảo vệ toàn diện” đang diễn ra đồng thời cho tới hết ngày 10/5/2023.

Chubb Life Việt Nam cũng tung ra chương trình thu hút khách hàng trên gian hàng Shopee. Cụ thể, từ nay đến hết 30/6/2023, khi mua bảo hiểm tai nạn cá nhân mở rộng và bảo hiểm 3 bệnh nan y phổ biến trên kênh trực tuyến này, khách hàng sẽ được giảm phí đến 30%.

AIA Việt Nam đã khởi động chương trình “Đường đua bùng sức sống” nằm trong chuỗi hoạt động đẩy mạnh phong cách sống khỏe của nhà bảo hiểm này với mở đầu là sự kiện ra mắt sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tích hợp chương trình chăm sóc sức khỏe (AIA Vitality) gần đây, nhằm mang lại kết quả tốt hơn về tài chính và sức khỏe tới khách hàng với mục tiêu thể lực dẻo dai, trí lực minh mẫn, tài lực vững chắc….

Cùng với việc đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng bảo hiểm, các doanh nghiệp nhân thọ còn chủ động thúc đẩy chiến lược kinh doanh trong thời kỳ mới khi Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 sửa đổi bắt đầu có hiệu lực.

Đơn cử, trong chiến lược dài hơi nhằm củng cố hơn nữa niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu Generali Việt Nam, nhà bảo hiểm này triển khai chiến lược “Bảo hiểm minh bạch” bao gồm các mục tiêu chính: Minh bạch về thông tin, sản phẩm và dịch vụ, minh bạch trong quá trình tư vấn cho khách hàng. Chiến lược này là một phần không thể thiếu của sứ mệnh trở thành “Người bạn trọn đời” của khách hàng mà Generali Việt Nam hướng đến.

Theo đó, Generali Việt Nam sẽ triển khai nhiều hạng mục cụ thể liên quan đến từng mục tiêu nêu trên trong suốt năm 2023 nhằm xây dựng niềm tin cao nhất với khách hàng của mình, đó là: Rà soát tất cả thông tin và quy trình liên quan đến sản phẩm, dịch vụ, đào tạo huấn luyện, quản lý các kênh phân phối nhằm nâng cao hiệu quả, sự chuyên nghiệp, tính minh bạch đối với khách hàng, đồng thời đảm bảo tuân thủ Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và các quy định pháp luật có liên quan; tận dụng công nghệ (ví dụ e-KYC…) để gia tăng sự tiện lợi và bảo vệ khách hàng, đồng thời đảm bảo tính tuân thủ và tăng cường sự chuyên nghiệp, minh bạch; sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu trong tất cả các thư từ, liên lạc với khách hàng…

“Chiến lược bảo hiểm minh bạch đã được Generali Việt Nam chú trọng thực hiện và đẩy mạnh quảng bá trong đội ngũ từ 2 năm nay. Với sự ra đời của Luật Kinh doanh bảo hiểm mới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hạng mục công việc trong thời gian tới”, đại diện hãng bảo hiểm này nói.

Tin bài liên quan