Bảo hiểm sức khỏe là dòng sản phẩm được phát triển mạnh trong mùa dịch. Ảnh: Dũng Minh

Bảo hiểm sức khỏe là dòng sản phẩm được phát triển mạnh trong mùa dịch. Ảnh: Dũng Minh

Bảo hiểm nhân thọ vẫn vững trong dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc 8 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt khoảng 96.500 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020.

Lực đẩy của các sản phẩm đầu tư, sức khỏe

Đóng góp lớn vào mức tăng trưởng doanh thu khả quan trong 8 tháng qua của khối nhân thọ là các nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư. Trong đó, theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp, sản phẩm liên kết đơn vị tiếp tục tăng trưởng rất cao 128%, với tỷ trọng trong tổng doanh thu phí gần 13%, tương đương hơn 12.400 tỷ đồng; còn bảo hiểm liên kết chung đạt hơn 52.200 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 54% trong tổng doanh thu.

Do đây đều là những sản phẩm vừa có tính bảo hiểm, vừa có tính đầu tư (phần phí dành cho đầu tư thường nhiều hơn) nên dễ dàng thu hút được khách hàng mới tham gia khi thị trường chứng khoán diễn biến sôi động trong thời gian qua. Hai sản phẩm này được nhìn nhận sẽ tiếp tục là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng của ngành nhân thọ trong thời gian tới.

Cùng với bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm sức khỏe cũng là dòng sản phẩm được các công ty bảo hiểm phát triển mạnh, trở thành dòng sản phẩm có tốc độ tăng trưởng đột phá từ đầu năm đến nay, cho dù tỷ trọng trong tổng doanh thu còn rất khiêm tốn so với dòng sản phẩm chính là bảo hiểm liên kết đầu tư (chiếm 63% trong tổng doanh thu).

Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp, 8 tháng đầu năm 2021, bảo hiểm sức khỏe đạt hơn 383 tỷ đồng, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm này thời gian qua được hầu hết công ty bảo hiểm nhân thọ triển khai bán rộng rãi trên các kênh thương mại điện tử cũng như trên website chính thức của công ty.

Báo cáo vừa được Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố cho thấy, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhận thức của người dân về bảo hiểm càng được cải thiện, thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành bảo hiểm nói chung và lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ nói riêng. Việc người dân ngày càng quan tâm đến sức khỏe của mình và sẵn sàng mua bảo hiểm sức khỏe khiến sức mua sản phẩm này tăng cao.

Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ vào chuỗi giá trị của ngành bảo hiểm cũng là động lực giúp khối nhân thọ giữ được tốc độ tăng trưởng cao ngay trong mùa dịch. Kể từ khi Covid-19 xuất hiện, một lượng lớn khách hàng đã chuyển sang sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số và dần quen với các dịch vụ này.

Tất nhiên, cần thêm nhiều thời gian để có thể thay thế các kênh truyền thống, nhưng cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, các kênh phân phối và dịch vụ kỹ thuật số (digital) sẽ trở thành kênh bán hàng quan trọng không thể thiếu bởi đem lại sự thuận tiện cho khách hàng.

Sẽ có nhiều sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu tiếp tục được triển khai bán trên các kênh thương mại điện tử, trong khi với những sản phẩm có tính phức tạp thì các kênh truyền thống như đại lý bảo hiểm (agency) sẽ vẫn được khách hàng ưu tiên lựa chọn.

Khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra rằng, từ khi đại dịch bùng phát, doanh thu từ kênh digital cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ với mức tăng trưởng 69,2% - vượt kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance) với tăng trưởng 66,7%. Trong khi đó, doanh thu từ kênh agency đã chững lại với mức tăng trưởng 46,7%. Số liệu thống kê cho thấy, so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát, doanh thu phí mới từ kênh bancassurance đã gần bằng kênh agency.

Những điểm sáng tăng trưởng

Số liệu công bố từ Bộ Tài chính cho thấy, kết thúc nửa đầu năm 2021, Manulife Việt Nam đã vượt qua Prudential Việt Nam để chiếm vị trí thứ 2 thị phần về tổng doanh thu phí bảo hiểm, đứng sau công ty dẫn đầu là Bảo Việt Nhân thọ.

8 tháng đầu năm 2021, doanh thu từ các sản phẩm liên kết đơn vị và liên kết chung đạt lần lượt 12.400 tỷ đồng và 52.200 tỷ đồng, tăng tương ứng 128% và hơn 25% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng gần 13% và 54% trong tổng doanh thu.

Về thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới, Manulife Việt Nam đã vượt qua cả Bảo Việt Nhân thọ để đứng vị trị số một thị trường. Tính đến tháng 8/2021, Manulife Việt Nam đang nắm trong tay hơn 20% thị phần doanh thu phí mới toàn thị trường, bỏ khá xa các công ty trong nhóm dẫn đầu.

Bên cạnh chuyển số nhanh chóng, một lý do khác giúp thị phần của Manulife Việt Nam luôn ổn định ở mức cao là Công ty đã có những hợp đồng độc quyền dài hạn bán chéo bảo hiểm với các ngân hàng có tệp khách hàng lớn như VietinBank, Techcombank hay SCB.

Công bố mới nhất từ Manulife Việt Nam cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2021, doanh thu khai thác mới quy năm (APE) tại SCB tăng tới 250% so với cùng kỳ năm trước và vượt 3 lần kế hoạch đề ra tại thời điểm ký kết hợp tác. Ngoài ra, chiến lược tuyển dụng đại lý linh hoạt cũng là nguyên nhân quan trọng giúp cho doanh thu phí mới của Manulife Việt Nam tăng trưởng đều đặn.

Cũng nằm trong nhóm giữ được “màu xanh” tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn là Dai-ichi Life Việt Nam, khi tính đến tháng 8/2021, thị phần doanh thu khai thác mới vươn lên đứng thứ 3 sau Manulife Việt Nam và Bảo Việt Nhân thọ.

Dai-ichi Life Việt Nam đang trở lại “đường đua” với nhiều chiến lược mới cho cả kênh bancassurance và đại lý, trong đó doanh thu từ kênh bancassurance đã xấp xỉ kênh đại lý. Theo số liệu chính thức được hãng bảo hiểm này công bố, tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2021 đạt trên 8.767 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó doanh thu phí khai thác mới đạt gần 3.307 tỷ đồng, tăng 60%. Doanh thu khai thác mới của Dai-ichi Life Việt Nam tính đến tháng 8/2021 tuy có chậm lại, nhưng vẫn nằm trong nhóm có tốc độ tăng cao nhất thị trường (trên 20%).

Trong khi đó, Prudential Việt Nam hay Bảo Việt Nhân thọ vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng phí mới hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực tế, với những doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần lớn như Manulife Việt Nam hay Dai-ichi Life Việt Nam, sự tăng - giảm thị phần đều tác động tới sự tăng trưởng chung của cả thị trường.

Ở nhóm có thị phần nhỏ hơn, các hãng bảo hiểm FWD, Sun Life, MB Ageas… vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng doanh thu phí mới trên 50% tính đến tháng 8/2021, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng chung của toàn khối.

Kể từ khi làn sóng Covid thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4/2021, các doanh nghiệp nhân thọ đã thận trọng hơn khi đánh giá triển vọng kinh doanh những tháng cuối năm nay. Thực tế, tính đến cuối tháng 8/2021, ngoài số ít công ty còn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, thì hầu hết công ty bảo hiểm nhân thọ khác đã “ngấm đòn” suy giảm vì các quy định giãn cách nghiêm ngặt ở những thị trường trọng điểm là Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khu vực phía Nam khác.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), do dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài, doanh thu bán bảo hiểm quý III/2021 nhiều khả năng sẽ chậm lại, trước khi phục hồi từ quý IV/2021 nhờ tiêm chủng diện rộng.

“Với rất nhiều giải pháp hỗ trợ mới cho đại lý cũng như khách hàng, hy vọng quý cuối năm nay doanh thu khai thác phí mới sẽ tăng trưởng tốt hơn quý III”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nói.

Tin bài liên quan