Nếu với những doanh nghiệp mới vào thị trường, thị phần vẫn là yếu tố quan trọng cần phải “đầu tư” để có, thì với các doanh nghiệp bảo hiểm đã hiện hữu tại thị trường nhiều năm, bài toán hiệu quả tài chính doanh nghiệp mới là vấn đề quan trọng hơn cả.
Đã có một thời gian việc lên xuống thị phần của từng doanh nghiệp luôn là vấn đề được quan tâm của thị trường, các doanh nghiệp luôn cạnh tranh sát sao từng phần trăm thị phần. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, để đánh giá một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có hoạt động hiệu quả hay không không chỉ nhìn vào doanh thu khai thác mới, mà còn phải dựa trên nhiều yếu tố khác như tổng doanh thu phí hay tỷ lệ duy trì hợp đồng của khách hàng…
Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã từng trải qua giai đoạn cạnh tranh gay gắt để có doanh thu khai thác mới mà có phần lơ là việc chăm sóc giữ chân khách hàng hiện hữu. Chính vì vậy, tỷ lệ khách hàng duy trì hợp đồng ở thị trường bảo hiểm nhân thọ còn non trẻ như Việt Nam vẫn ở mức thấp so với một số thị trường bảo hiểm đang phát triển trong khu vực.
Cụ thể, tỷ lệ khách hàng bỏ hợp đồng trong 5 năm đầu còn khá cao (tỷ lệ duy trì hợp đồng của khách hàng trong những năm đầu khoảng 40 - 50%). Trong khi ở một số thị trường bảo hiểm khác như Singapore, tỷ lệ này khoảng hơn 90%; một số thị trường khác trong khu vực châu Á cũng đạt đến 80%.
Giám đốc khu vực miền Nam của một công ty bảo hiểm nhân thọ chia sẻ, trong gần 10 năm kể từ khi tham gia ngành bảo hiểm, ông chưa thấy một khách hàng nào chủ động gọi cho đại lý hay công ty bảo hiểm để đặt vấn đề mua bảo hiểm cho người thân và gia đình.
Các đại lý/tư vấn bảo hiểm đều phải chủ động tiếp cận tư vấn khách hàng và hầu hết hợp đồng bảo hiểm do đại lý/tư vấn bảo hiểm mới khai thác đều có sự “ủng hộ” của người thân hay bạn bè…
Đó cũng chính là một trong những lý do khách hàng dễ quyết định bỏ hợp đồng trong những năm đầu tiên, trong khi ở các thị trường bảo hiểm đã phát triển, khách hàng mua bảo hiểm vì chính nhu cầu cần được bảo vệ cho bản thân và gia đình.
Trở lại vấn đề thị phần của các doanh nghiệp bảo hiểm, một chuyên gia trong ngành cho rằng, thị phần không thể quyết định hết hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, bởi “đầu tư” để làm tăng thị phần không quá khó, nhưng đầu tư để tạo ra lợi nhuận (hiệu quả tài chính) cho doanh nghiệp thì không dễ dàng và không phải cứ đầu tư là có hiệu quả tài chính. Ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam hiện có 17 công ty đang hoạt động, nhưng 80% tổng doanh thu phí bảo hiểm thuộc về 5 công ty nhóm đầu.
Theo thống kê của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, trong 4 tháng đầu năm 2015, thị phần doanh thu khai thác mới của nhóm dẫn đầu là Prudential (23,93%), tiếp đến là Bảo Việt Nhân thọ (23,55%), Manulife Việt Nam (9,45%), AIA Việt Nam (12,48%), Dai-ichi Life Việt Nam (10,6%)… Còn về thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm, Prudential chiếm 30,98%, Bảo Việt Nhân thọ 30,97%, Manulife Việt Nam 12%, AIA Việt Nam 9,9%, Dai-ichi Life Việt Nam 8,9%...
Thị phần của các doanh nghiệp có thể thay đổi qua lại và chênh lệch không đáng kể. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp có thị phần ngang nhau sẽ có mức lợi nhuận ngang nhau. Thực tế, doanh nghiệp muốn bứt phá hẳn lên về thị phần không khó, họ sẽ phải “đầu tư” một khoản đáng kể để đạt được doanh thu thị phần mong muốn, nhưng thời điểm hiện tại, bảo hiểm nhân thọ còn nhiều việc phải làm hơn là đẩy doanh thu.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, những doanh nghiệp đã hoạt động nhiều năm trên thị trường luôn phải cân nhắc hướng đi kế tiếp, trong đó có mục tiêu thị phần hay lợi nhuận. Và tất nhiên, đầu tư để gia tăng lợi nhuận luôn là bài toán khó hơn là đầu tư để có thêm thị phần, nhất là trong bối cảnh hiện nay, sự thay đổi trong ngành bảo hiểm trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đang diễn ra với tốc độ nhanh.