Đại lý bảo hiểm tâm huyết với nghề, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ vẫn khai thác tốt thị trường

Đại lý bảo hiểm tâm huyết với nghề, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ vẫn khai thác tốt thị trường

Bảo hiểm nhân thọ tìm lực đẩy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2024 được dự báo tiếp tục là năm khó khăn đối với khối bảo hiểm nhân thọ khi nền kinh tế còn ẩn chứa nhiều yếu tố khó lường, rủi ro lạm phát tăng vẫn hiện hữu…, đặc biệt là việc khó tuyển đại lý mới, cho dù lực lượng này đang giảm nhanh.

Thách thức vẫn lớn

Đi qua năm 2023 với không chỉ nỗi buồn tăng trưởng âm, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bước sang năm 2024 với nhiều bộn bề, thách thức trong việc tìm giải pháp thúc đẩy thị trường, cùng với nỗi lo lớn hơn là lực lượng đại lý đang rơi rụng và khó tuyển mới. Việc tuyển mới khó khăn xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan: Bảo hiểm ngày càng khó bán nên khó thu hút nhân sự, quy định mới trong việc thi tuyển đại lý bị siết chặt hơn, số lượng điểm thi và kỳ thi ít hơn…

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, thời gian qua, nhiều người dân bị sụt giảm thu nhập do kinh tế khó khăn nên việc khai thác mới và thu phí tái tục đều gặp khó. Số lượng đại lý bảo hiểm rời khỏi ngành khá nhiều. Một số công ty mở ra các kênh mới nhưng kết quả tuyển dụng mới không cao. Việc dịch chuyển nhân sự qua lại giữa các công ty bảo hiểm vẫn diễn ra nhưng không còn “tạo sóng” như trước do nhiều người có tâm lý giữ ổn định công việc trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động khó lường…

Dù giai đoạn khủng hoảng truyền thông đã đi qua, nhưng nếu suy thoái kinh tế còn kéo dài sẽ khiến ngành bảo hiểm càng thêm khó. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, ngay cả trong điều kiện nền kinh tế khởi sắc hơn, cũng phải từ giữa năm hoặc thậm chí là cuối năm 2024 thì thị trường nhân thọ mới có chuyển biến.

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam mới đây, Ngân hàng HSBC đánh giá, lạm phát vẫn là vấn đề đáng lưu tâm đối với nền kinh tế toàn cầu. Điều may mắn là lạm phát của Việt Nam vẫn nằm trong tầm kiểm soát, bình quân ở mức 3,3% trong năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức trần lạm phát 4,5%. HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong năm 2024, vào khoảng 3,4% - so với mục tiêu lạm phát mới là 4-4,5%.

Theo HSBC, mặc dù đang được kiểm soát tốt, nhưng rủi ro lạm phát tăng vẫn hiện hữu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam khá nhạy cảm đối với những mặt hàng năng lượng và thực phẩm vốn có tỷ trọng khá lớn trong rổ tính toán lạm phát. Thêm nữa, chi phí y tế gia tăng cũng là vấn đề cần lưu tâm sau khi Việt Nam tiếp tục áp dụng điều chỉnh giá dịch vụ y tế toàn quốc sau mỗi giai đoạn 4 năm.

Dù vậy, HSBC cũng cho rằng, năm 2024 sẽ mở ra nhiều hy vọng hơn cho Việt Nam, yếu tố quan trọng nhất là năng lực bổ sung trong thương mại từ các dòng vốn FDI ổn định mang lại niềm hy vọng cho các lĩnh vực khác khi chu kỳ thương mại đổi chiều. Một trọng tâm chính sách của Việt Nam là tác động của thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% - nhằm phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế - đối với triển vọng thu hút FDI, một hoạt động Việt Nam thể hiện sự vượt trội so với các nước khác trong khu vực. Theo đó, HSBC kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ quay trở lại mức 6% trong năm 2024, từ đó dần lấy lại xu hướng tăng trưởng cao như giai đoạn trước.

Đâu là lực đẩy?

Với ngành bảo hiểm nhân thọ, dù thời gian qua gặp nhiều thăng trầm, nhưng theo số liệu của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2023, tổng tài sản toàn thị trường vẫn đạt hơn 900.000 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với năm 2023; đầu tư trở lại nền kinh tế đạt trên 760.000 tỷ đồng, tăng gần 13%; tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 230.000 tỷ đồng…

Hành lang pháp lý đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm tiếp tục được hoàn thiện. Theo đó, sau hơn 20 năm, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã được Quốc hội thông qua năm 2022 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, cùng với đó là một loạt văn bản hướng dẫn Luật đã được ban hành trong năm qua.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho ngành bảo hiểm, trong đó đã số hóa tất cả các loại báo cáo của doanh nghiệp gửi lên Bộ Tài chính. Dù vậy, đây mới là bước đầu trong kế hoạch và theo lãnh đạo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục tập trung xây dựng một hệ thống chung cho thị trường bảo hiểm, bao gồm nhiều thông tin, chỉ tiêu báo cáo hơn nữa để phục vụ cho công tác quản lý, giám sát, phòng chống trục lợi, chống rửa tiền… và cái quan trọng nhất khi có hệ thống chung là phục vụ mục tiêu tính phí bảo hiểm.

Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, dù tuyển dụng gặp khó khăn, nhưng thực tế là tại nhiều doanh nghiệp, những đại lý tâm huyết với nghề, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ vẫn khai thác tốt thị trường.

“Dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng doanh thu phí bảo hiểm mới tại công ty chúng tôi vẫn tăng trưởng hơn 10% trong năm 2023. Đây là một tín hiệu tích cực, hy vọng là thị trường sẽ phục hồi tốt trong năm 2024 cũng như những năm tới”, nguồn tin từ một doanh nghiệp nhân thọ nằm trong nhóm Top 10 doanh thu phí cao nhất thị trường cho hay.

Chia sẻ với truyền thông, đại diện Chubb Life Việt Nam cho biết, Tập đoàn Chubb đã phân tích kỹ tình hình và đánh giá rất cao các cơ hội đang mở ra tại Việt Nam. Thực tế, không chỉ Chubb, mà các tập đoàn tài chính bảo hiểm quốc tế lớn đều đang nhìn thấy và rất tin tưởng vào tiềm năng của thị trường bảo hiểm Việt Nam, nên còn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư.

Được biết, Chubb Life Việt Nam đang chuẩn bị những bước cuối cùng để ra mắt một kênh phân phối theo mô hình vận hành kinh doanh mới, lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam ngay trong tháng 1 này. Mục tiêu của hãng bảo hiểm này là hướng đến tiếp cận và đáp ứng tốt nhất nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Còn ông Bae Seung Jun, Tổng giám đốc Shinhan Life Việt Nam đánh giá, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi lớn, đặc biệt là Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030 mới được Chính phủ phê duyệt, sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian tới.

“Dấu mốc quan trọng của Shinhan Life Việt Nam trong năm 2024 là sự kiện ra mắt kênh phân phối mới - kênh FC (đại lý bảo hiểm cá nhân). Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là kênh phân phối hiệu quả, giúp giới thiệu các sản phẩm chất lượng đến nhiều khách hàng hơn và thúc đẩy Shinhan Life phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới”, ông Bae Seung Jun nói.

Đồng quan điểm, lãnh đạo Generali Việt Nam cũng cho rằng, dù tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhưng Việt Nam vẫn là một thị trường đầy tiềm năng vì tỷ lệ người dân được bảo vệ bằng hợp đồng bảo hiểm còn rất khiêm tốn. Do đó, hãng bảo hiểm từ Ý tiếp tục cam kết đầu tư dài hạn vào thị trường Việt Nam để gia tăng số lượng khách hàng được bảo vệ bằng những giải pháp tài chính phù hợp, mang đến một tương lai an toàn cho khách hàng.

Theo vị này, năm 2024 là năm quan trọng để Generali Việt Nam tiếp tục thực hiện chiến lược “Người bạn trọn đời - Thúc đẩy tăng trưởng” và chuẩn bị công bố chiến lược mới của Tập đoàn giai đoạn 2025-2017.

“Trong năm nay, Generali Việt Nam sẽ ưu tiên tối đa nguồn lực cho các kênh phân phối, áp dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm của khách hàng và đội ngũ kinh doanh, phát triển các sản phẩm mới phù hợp nhu cầu của đa dạng phân khúc khách hàng, cũng như thích ứng với chu kỳ mới của thị trường”, vị này chia sẻ thêm.

Tin bài liên quan