Bảo hiểm nhóm tuy đã xuất hiện khá lâu trên thị trường, nhưng chưa thể “bùng nổ”

Bảo hiểm nhóm tuy đã xuất hiện khá lâu trên thị trường, nhưng chưa thể “bùng nổ”

Bảo hiểm nhân thọ tìm cơ hội mới cho bảo hiểm nhóm

(ĐTCK) Dù doanh thu vẫn còn khá khiêm tốn và cũng không phải là phân khúc được ưu tiên đẩy mạnh, song bảo hiểm nhóm cho khách hàng doanh nghiệp vẫn đang được hầu hết các công ty bảo hiểm nhân thọ duy trì.

Tăng trưởng doanh thu phí suy giảm

Khác với mảng bảo hiểm nhân thọ dành cho cá nhân, mức phí của bảo hiểm nhân thọ nhóm được tính toán dựa vào các đặc tính rủi ro của toàn nhóm như tuổi và nghề nghiệp/giới tính. Mức phí đối với sản phẩm bảo hiểm này chỉ chiếm một vài phần trăm tổng quỹ lương hàng năm của doanh nghiệp. Ở Việt Nam, bảo hiểm nhóm tuy đã xuất hiện khá lâu, nhưng chưa thể “bùng nổ”.

Trên thị trường, một số doanh nghiệp bảo hiểm đạt khởi đầu khá tốt với bảo hiểm nhóm như Generali, PVI Sunlife (nay là Sun Life)... Theo đó, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác như Dai-ichi Life, Manulife, Chubb… cũng đang triển khai mảng bảo hiểm này với kỳ vọng đạt kết quả khả quan trong tương lai gần.

Generali Việt Nam cho biết, Công ty hiện đang có một lượng khá lớn khách hàng doanh nghiệp trong và ngoài nước mua bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên của mình. Theo giới quan sát, Generali Việt Nam có những lợi thế nhất định trong việc triển khai bảo hiểm nhóm là nhờ thế mạnh của Tập đoàn mẹ Generali trong việc phát triển phân khúc này.

Sun Life thời còn liên doanh với đối tác PVI cũng là một trong những hãng bảo hiểm bán bảo hiểm nhóm tương đối tốt trên thị trường. Tuy nhiên, khác với Generali Việt Nam, Sun Life chủ yếu bán sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Chiến lược bán hàng của hãng bảo hiểm này khi mới vào thị trường Việt Nam là tập trung phục vụ khách hàng là các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn…

Thế mạnh về bảo hiểm hưu trí bán cho doanh nghiệp từng là một trong những yếu tố nhanh chóng đưa Sun Life lên vị trí thứ 6 thị trường về doanh thu phí khai thác mới 2-3 năm trước đây. Tuy nhiên, sau khi thay đổi chiến lược và trở thành công ty 100% vốn ngoại, việc phát triển bảo hiểm nhóm nhờ lợi thế đối tác chiến lược không còn là thế mạnh của hãng bảo hiểm này.

Cơ hội từ những nhân tố mới

Theo các chuyên gia trong ngành, doanh thu phí bảo hiểm nhóm hụt hơi một phần là do việc triển khai các sản phẩm bảo hiểm có liên quan như bảo hiểm tiết kiệm đầu tư, bảo hiểm hưu trí không thuận lợi.

Bên cạnh làm phát sinh thêm chí phí khiến doanh nghiệp không mặn mà mua thêm bảo hiểm cho nhân viên…, việc doanh nghiệp bảo hiểm thay đổi chiến lược kinh doanh cũng là nguyên nhân khiến doanh thu bảo hiểm nhóm của toàn thị trường không còn tăng trưởng mạnh như trước đây.

Trên thực tế, sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh của những hãng bảo hiểm vốn có "sở trường" về bảo hiểm nhóm như Sun Life Việt Nam đã khiến tăng trưởng chung của mảng này sụt giảm đáng kể thời gian qua.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, doanh thu phí của phân khúc bảo hiểm nhóm hiện chỉ chiếm khoảng trên dưới 10% doanh thu phí toàn khối nhân thọ (trong đó, chỉ một số doanh nghiệp bảo hiểm có thế mạnh về mảng này là có đóng góp quan trọng nhất).

Theo một số nhận định, phân khúc này có thể sẽ sôi động hơn trong thời gian tới khi có sự tham dự của một số nhân tố mới như MB Ageas Life hay BIDV Metlife…

Giới chuyên gia nhìn nhận, MB Ageas Life có khá nhiều lợi thế để phát triển phân khúc bảo hiểm nhóm. Được biết, hãng bảo hiểm này đang phối hợp với các đối tác để triển khai nhiều chương trình bảo hiểm cho cán bộ, công nhân viên của các doanh nghiệp đối tác. Vào cuối tháng 5/2018, MB Ageas Life đã ký thỏa thuận hợp tác về cung cấp sản phẩm và dịch vụ giữa MB Ageas Life và Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS).

Theo đại diện MB Ageas Life, việc bắt tay với MBS không chỉ là mối liên kết nhằm đưa các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của MB Ageas Life đến với cán bộ, nhân viên của MBS, mà còn là hoạt động hợp tác nhằm thực hiện bán chéo sản phẩm giữa hai bên.

Đối với BIDV Metlife, hãng bảo hiểm này cho biết, trong chiến lược phát triển những năm tới, việc mở rộng bán bảo hiểm sang phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được tính đến và tất cả đều được phát triển dựa trên nền tảng số hóa.

Theo ông Gaurav Sharma, Tổng giám đốc BIDV Metlife, song song với việc tập trung phát triển phân khúc bảo hiểm cá nhân qua hệ thống bancassurance với Ngân hàng mẹ BIDV và các đối tác ngân hàng khác, BIDV Metlife cũng sẽ phát triển mảng bảo hiểm nhóm đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Doanh thu của phân khúc bảo hiểm nhóm trong thời gian đầu triển khai dự kiến chiếm khoảng 10%/tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn hệ thống”, ông Gaurav Sharma chia sẻ.

Tin bài liên quan