Bảo hiểm nhân thọ tiếp tục giảm tốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường nhân thọ quý I/2022 giảm so với cùng kỳ năm trước và đà giảm được dự báo còn tiếp diễn ít nhất là trong quý II này.

Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường nhân thọ ước đạt 38.403 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) đạt 13.229.734 hợp đồng, tăng 9,6%.

Tuy nhiên, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới quý I/2022 ước đạt 10.822 tỷ đồng, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng hợp đồng khai thác mới trong kỳ cũng giảm 20,6% so với cùng kỳ, xuống 678.351 hợp đồng (sản phẩm chính). Trong đó, ngoại trừ bảo hiểm liên kết đơn vị đạt 153.839 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 22,7% hợp đồng khai thác mới), tăng 95,4% so với cùng kỳ, còn lại các sản phẩm khác đều giảm. Cụ thể, bảo hiểm liên kết đầu tư đạt 428.641 hợp đồng (tỷ trọng 63,2%), giảm 18,8%; bảo hiểm liên kết chung đạt 274.802 hợp đồng (tỷ trọng 40,5%), giảm 38,8%; bảo hiểm tử kỳ đạt 187.501 hợp đồng (tỷ trọng 27,6%), giảm 23,8%; bảo hiểm hỗn hợp đạt 8.568 hợp đồng (tỷ trọng 1,3%), giảm 79,6%…

Tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán cũng cho thấy, trong quý I/2022, doanh thu phí mới từ kênh đại lý giảm mạnh, trong khi kênh bancassurance chỉ tăng nhẹ.

Trong năm 2020 và 2021, giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh, bảo hiểm nhân thọ vẫn là “điểm sáng” khi doanh thu khai thác mới tăng trưởng khoảng 20%/năm nhờ nhu cầu bảo vệ sức khỏe tăng cao trong mùa dịch và việc tuyển dụng đại lý chưa khó khăn như hiện tại.

Lý giải nguyên nhân doanh thu phí mới quý I/202 sụt giảm, các doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, ngoài sức mua của người dân giảm do ảnh hưởng dịch, còn xuất phát từ việc tuyển dụng đại lý bảo hiểm mới gặp nhiều khó khăn trước sức hút từ những ngành nghề khác như bất động sản, chứng khoán, du lịch - dịch vụ… phục hồi sau dịch. Bên cạnh đó, dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp bắt đầu điều chỉnh chiến lược hoạt động theo hướng giảm chi tiêu ngân sách, tập trung nâng cao năng suất đại lý hiện hữu, thay vì chạy theo số lượng như trước đây.

Thống kê cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2019 và bình quân giai đoạn 2015-2019 (5 năm) tăng trưởng lần lượt 25% và 30,7%/năm, con số này giảm dần trong năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 là 19,6% và 27,4%/năm; năm 2021 và giai đoạn 2017-2021 là 21,7% và 25,6%/năm.

Theo các chuyên gia trong ngành, là thị trường đang phát triển nên thị trường bảo hiểm Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tuyển dụng đại lý mới, với khoảng 40% doanh thu phí bảo hiểm đến từ đại lý mới gia nhập trong 3 tháng đầu tiên, nên khi tuyển dụng giảm thì doanh thu phí mới sẽ tăng trưởng chậm lại. Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, phí tái tục là nguồn sống của hôm nay, còn phí khai thác mới là nguồn sống của tương lai, bởi phải có khai thác mới thì mới có tái tục.

Hiện tại, vẫn còn khá sớm để đưa ra dự báo về tăng trưởng phí mới cả năm 2022 và sự sụt giảm trong quý đầu năm chưa ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn khối, nhưng trong bối cảnh đà giảm phí mới được cho là còn tiếp diễn ít nhất là trong quý II/2022 có thể khiến tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng chậm lại, thậm chí sụt giảm mạnh. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu thị trường bảo hiểm nhân thọ bước vào giai đoạn điều chỉnh giảm với tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu phí xuống dưới mức 20%/năm?

Thực tế, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí của thị trường nhân thọ có dấu hiệu chậm lại những năm gần đây. Thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2019 và bình quân giai đoạn 2015-2019 (5 năm) tăng trưởng lần lượt 25% và 30,7%/năm, con số này trong năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 là 19,6% và 27,4%/năm; năm 2021 và giai đoạn 2017-2021 là 21,7% và 25,6%/năm.

Mặc dù trong xu hướng giảm tốc, song nhiều thành viên thị trường cho rằng, ngay cả khi tăng trưởng tổng doanh thu phí ở mức dưới 20%/năm, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn hấp dẫn. Cùng với đó, 2022 là năm các nhà bảo hiểm sẽ đẩy mạnh hơn chiến lược mở rộng kênh đại lý toàn thời gian, tăng cường tìm kiếm hợp tác với các sàn thương mại điện tử… nhằm xây dựng các kênh phân phối mới, cải thiện doanh thu.

“Việt Nam vẫn đang là thị trường mới nổi nên dư địa phát triển còn nhiều. Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có giải pháp thúc đẩy doanh thu phí mới tăng trưởng trở lại. Tất nhiên, ở giai đoạn này, phần lớn doanh nghiệp sẽ chú trọng vào chất lượng tăng trưởng hơn là thúc đẩy doanh thu”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận.

Tin bài liên quan