Tuổi thọ trung bình tăng lên và số lượng trẻ em sinh ra giảm khiến dân số trở nên già đi đang là xu hướng trên thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Theo báo cáo rà soát năm 2021 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cả nước có 11,99 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số và dự báo trong 16-18 năm tới, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già.
Cũng như nhiều quốc gia chuẩn bị bước vào thời kỳ già hóa dân số khác, Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức từ việc đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi. Xã hội già hóa cũng đặt ra nhu cầu lớn hơn đối với các hệ thống chăm sóc y tế và hưu trí của Nhà nước (và tư nhân).
Một báo cáo của Swiss Re về chi trả cho người lớn tuổi cho thấy, số tiền cần chi tiêu để trang trải cho cuộc sống người trên 65 tuổi thường thông qua 3 nguồn là phúc lợi xã hội, tiết kiệm và bảo hiểm. Mặc dù ở các thị trường khác nhau thì cơ cấu những nguồn này không giống nhau, song điểm chung là bảo hiểm mới chỉ đóng góp khoảng 5% tổng chi tiêu.
Do đó, việc bổ sung nguồn vốn nhằm lấp đầy khoảng trống này có thể tạo ra những cơ hội mới cho ngành bảo hiểm nếu tìm được các giải pháp phù hợp và hấp dẫn. Tuy nhiên, ngành bảo hiểm cần có cách tư duy khác đối với bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
Thực tế, các hãng bảo hiểm Nhật Bản đã thành công trong việc nâng cao thị phần sản phẩm bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, trong khi các thị trường lân cận khác cũng đang tính đến việc đưa ra những sản phẩm bảo hiểm đáp ứng nhu cầu cao cấp hơn cho phân khúc khách hàng này.
“Thật tuyệt là chúng ta đang sống lâu hơn, nhưng những năm sống lâu thêm đó có thể không thú vị như mong đợi vì càng lớn tuổi, chúng ta càng có nguy cơ bị ốm đau. Lúc đó chúng ta sẽ cần người chăm sóc, vậy ai sẽ làm điều đó? Và chúng ta cần đảm bảo rằng mình đã tiết kiệm đủ từ những năm làm việc để cho những năm nghỉ hưu an nhàn”, đại diện một hãng bảo hiểm đặt vấn đề, đồng thời cho rằng, các hãng bảo hiểm cần nghiên cứu và phát triển những sản phẩm bảo hiểm nhằm đáp ứng nhu cầu lập kế hoạch tự chủ tài chính khi về già của cả khách hàng hiện hữu lẫn trong tương lai.
Hiện tại, hầu hết công ty bảo hiểm đã và đang phát triển các sản phẩm liên kết đầu tư, nhưng chưa thực chú tâm tới việc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm hưu trí. Những trở ngại về chính sách thuế, định giá và yêu cầu về khả năng thanh toán... trong việc cung cấp các sản phẩm hưu trí, theo các doanh nghiệp bảo hiểm, có thể được giải quyết nếu các cơ quan chức năng nhìn nhận đúng và quyết tâm đương đầu với tình trạng già hóa dân số.
Trong một diễn biến khác, để đưa ra một chiến lược phát triển toàn diện và xây dựng các sản phẩm bảo hiểm phù hợp hơn với nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp bảo hiểm đang đề xuất nghiên cứu và xây dựng bảng tỷ lệ tử vong cho ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam - một trong những giả định cơ bản nhất được sử dụng trong kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm sức khỏe để tính toán phí bảo hiểm, lợi nhuận, trích lập dự phòng...
Trên thực tế, sau 26 năm triển khai bảo hiểm nhân thọ, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được bảng tỷ lệ tử vong, mà sử dụng bảng tỷ lệ tử vong CSO 1980 của Mỹ để làm cơ sở cho tính toán dự phòng tối thiểu theo quy định trong bảo hiểm nhân thọ (Thông tư 50/2017/TT-BTC) .
Theo các doanh nghiệp, việc sử dụng bảng tỷ lệ tử vong được xây dựng trên cơ sở khách hàng của thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt trong công tác định phí, thẩm định rủi ro. Đó cũng là cơ sở cho việc cập nhật các bảng tỷ lệ tử vong trong tương lai cho phép đánh giá sự thay đổi tỷ lệ tử vong trên thị trường.