Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng

Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng

Bảo hiểm nhân thọ thêm yếu tố cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Thị trường bảo hiểm nhân thọ sắp tới có thể sẽ có thêm thành viên mới khi Techcombank có động thái đầu tiên trong việc hiện thực hóa chủ trương góp vốn thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ.

Sắp có thêm một thương hiệu mới?

Cuối tháng 1/2025, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán TCB) đã phê duyệt ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về 2 vấn đề: Thứ nhất, phê duyệt góp vốn thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ là công ty con của Techcombank; thứ hai, phê duyệt mua lại cổ phần để Công ty cổ phần Bảo hiểm phi nhân thọ Kỹ thương (TCGIns) trở thành công ty con của Techcombank.

Trước đó, vào tháng 10/2024, ngay sau khi chấm dứt quan hệ đối tác bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng độc quyền với Manulife Việt Nam, Techcombank đã tổ chức lễ ra mắt TCGIns. Đây là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thứ 31 tại Việt Nam, vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó Techcombank đóng góp 11%.

Theo đại diện ngân hàng này, thông qua việc góp vốn thành lập công ty, Techcombank tiếp tục mở rộng hệ sinh thái tài chính toàn diện, đóng góp vào sự phát triển năng động của ngành bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam và gia tăng lợi ích cho khách hàng…

Sau khi công bố chấm dứt mối quan hệ đối tác độc quyền với Manulife, lãnh đạo Techcombank từng nhấn mạnh việc ngân hàng này muốn tham gia sâu hơn vào quá trình sản xuất sản phẩm bảo hiểm, chứ không chỉ là đại lý phân phối.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào cuối tháng 10/2024, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ, Techcombank thông tin, 80% khách hàng của Techcombank đang rất quan tâm đến bảo hiểm nhân thọ, nên đây vẫn là mảng trọng tâm của Ngân hàng. Có nhiều đối tác quan tâm và Techcombank sẽ tập trung xác định mô hình hợp tác với đối tác phù hợp trong thời gian tới.

Báo cáo tài chính năm 2024 của Techcombank cho thấy, năm 2024, doanh thu từ phí dịch vụ bảo hiểm đạt 605,7 tỷ đồng, giảm 9,2% so với năm 2023. Sau khi ngừng hợp tác với Manulife Việt Nam, việc bán chéo sản phẩm bảo hiểm của Techcombank được thực hiện qua 2 đối tác là TC Advisors và AIA Việt Nam.

Được biết, cách đây nhiều năm, Techcombank từng lên kế hoạch lập công ty bảo hiểm nhân thọ với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do ngân hàng này nắm 100% vốn. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, kế hoạch không thành.

Như vậy, nếu kế hoạch trên của Techcombank được thực hiện, khối bảo hiểm nhân thọ sẽ có thêm một thương hiệu mới, đồng thời có thêm một ngân hàng lớn dần hoàn thiện hệ sinh thái tài chính - bảo hiểm của mình.

Hiện tại, BIDV và MB là 2 ngân hàng đều sở hữu công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, đó là Bảo hiểm BIDV (BIC) và Bảo hiểm Quân đội (MIC), đồng thời tham gia góp vốn ở công ty bảo hiểm nhân thọ, đó là BIDV Metlife (là liên doanh giữa Công ty TNHH MetLife, thuộc Tập đoàn MetLife - Mỹ, BIDV và BIC) và MB Ageas Life (là liên doanh giữa MB, Tập đoàn Ageas - Bỉ và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Muang Thai - Thái Lan).

Tăng vốn cũng là tăng niềm tin vào thị trường

Chỉ khi tỷ lệ duy trì hợp đồng cao bền vững thì mới giúp các công ty bảo hiểm nhân thọ ghi nhận lợi nhuận ổn định.

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2025, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 239.636 tỷ đồng (tăng 0,05% so với năm 2024). Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm trong lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 85.938 tỷ đồng (tăng 9,77%); lĩnh vực nhân thọ ước đạt 153.698 tỷ đồng (tăng 3%). Mức tăng trưởng của khối bảo hiểm nhân thọ được cho là vẫn còn khá yếu so với tiềm năng. Các doanh nghiệp nhìn nhận sự giảm tốc của nền kinh tế và nhiều yếu tố khách quan khác cả trong nước và thế giới đang tác động không mấy tích cực lên ngành này. Sức mua bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, cũng vì thế mà chưa thể sớm phục hồi như kỳ vọng. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn giữ niềm tin thị trường sẽ sớm tăng trưởng trở lại. Điều này được thể hiện thông qua các kế hoạch tăng vốn nhằm mở rộng thị trường vẫn đang được các công bảo hiểm nhân thọ thực hiện.

Mới nhất, đầu tháng 1/2025, Generali Việt Nam thông báo tăng vốn điều lệ lên hơn 8.202 tỷ đồng, qua đó khẳng định cam kết đầu tư dài hạn của Tập đoàn Generali tại Việt Nam. Một số công ty bảo hiểm nhân thọ khác cũng có kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới nhằm tiếp tục triển khai các dự án mở rộng thị trường, phát triển kênh phân phối, cũng như tăng dự phòng rủi ro theo quy định mới.

Trong một động thái khác, Chubb Life Việt Nam vừa chính thức khai trương thêm văn phòng mới của kênh Đối tác kinh doanh Infinity tại phường Thạch Quý, TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Chính thức ra mắt từ đầu năm 2024, kênh này hướng đến mục tiêu nâng cao trải nghiệm dịch vụ của khách hàng, thông qua việc liên tục mở rộng và chuẩn hóa kênh phân phối.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Tổng giám đốc Chubb Life Việt Nam, trong năm 2025, Chubb Life sẽ đẩy mạnh mở rộng kênh Đối tác kinh doanh Infinity và thông qua kênh này tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ với các khóa đào tạo và cố vấn chuyên sâu, hướng đến việc xây dựng đội ngũ chuyên gia tài chính - bảo hiểm chuyên nghiệp nhằm mang đến sự bảo vệ tài chính tối ưu cho khách hàng.

Với AIA Việt Nam, năm 2025 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi là năm thứ 25 hiện diện tại Việt Nam. Theo đại diện nhà bảo hiểm nhân thọ này, AIA sẽ tiếp tục hành trình chuyển đổi, tập trung vào chất lượng kinh doanh, thực thi sâu chiến lược khách hàng làm trung tâm với sản phẩm, quy trình vận hành và công nghệ chuyên biệt; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ đại lý với chiến lược “Đại lý ngoại hạng 3.0” thông qua việc nâng cao chất lượng tuyển dụng, đào tạo và tư vấn. Bên cạnh đó, AIA tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ sinh thái số thông qua việc ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng và nhiều chương trình, hoạt động để lan tỏa tinh thần sống khỏe.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một số doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, từ nửa cuối năm 2024 đến nay, hầu hết doanh nghiệp nhân thọ đều tập trung chuẩn bị các bước cần thiết để đảm bảo việc tuân thủ quy định mới. Cụ thể, từ ngày 1/7/2025, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe đã được Bộ Tài chính phê chuẩn trước ngày 1/7/2023 phải được chỉnh sửa để đảm bảo phù hợp với Thông tư 67/2023/TT-BTC, nên những sản phẩm không đáp ứng yêu cầu sẽ phải dừng bán.

Cùng với việc bán bảo hiểm được siết chặt hơn theo luật mới, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng hiểu rằng, việc phát triển thị trường theo xu hướng “xanh, sạch” là điều tất yếu. Do đó, ngoài nâng cấp chất lượng tư vấn, việc tuyển dụng và đào tạo thế hệ đại lý chuyên nghiệp, am hiểu về tài chính, có kỹ năng thẩm định bảo hiểm nhân thọ chuẩn và thực sự xem bảo hiểm là công việc toàn thời gian, thay vì “nghề tay trái”, cũng sẽ giúp các công ty bảo hiểm duy trì tỷ lệ hợp đồng ở mức cao. Bởi chỉ khi tỷ lệ duy trì hợp đồng cao bền vững thì mới giúp các công ty bảo hiểm nhân thọ ghi nhận lợi nhuận ổn định.

Tin bài liên quan