Bảo hiểm nhân thọ thêm sôi động

Bảo hiểm nhân thọ thêm sôi động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc Shinhan Life chính thức đi vào hoạt động, Generali ra mắt bộ hợp đồng bảo hiểm với nhiều điểm cải tiến, Sun Life và Manulife đều triển khai những hợp đồng độc quyền bancassurance mới… hứa hẹn sẽ góp thêm phần sôi động cho thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt năm 2022.

Hứa hẹn những trải nghiệm thú vị

Việc gia nhập thị trường Việt Nam đúng thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất đã gây không ít khó khăn cho quá trình chuẩn bị, song “tân binh” Shinhan Life cũng đã hoàn tất mọi thủ tục để chính thức ra mắt vào đầu năm 2022.

Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm và tài chính từ công ty mẹ Shinhan Life Hàn Quốc, hãng bảo hiểm này tự tin sẽ mang lại những trải nghiệm mới mẻ và thú vị cho khách hàng tại Việt Nam với những sản phẩm, kênh phân phối và dịch vụ khác biệt.

Ông Lee Eui Chul, Tổng giám đốc Shinhan Life Việt Nam cho biết, trong thời gian đầu hoạt động, Công ty sẽ tập trung phát triển những sản phẩm bảo hiểm sức khỏe độc lập dành cho trẻ em, trong đó có bảo hiểm bệnh bạch cầu miễn phí trên nền tảng kỹ thuật số. Giai đoạn tiếp theo, Shinhan Life Việt Nam sẽ thiết lập kênh phân phối sản phẩm qua các kênh telemarketing và kỹ thuật số để sớm đạt được lợi thế về loại hình bảo hiểm bảo vệ.

“Chúng tôi sẽ cung cấp những giá trị mới cho khách hàng Việt Nam, cung cấp các sản phẩm bảo vệ với giá cả phải chăng cùng các kênh bán hàng có thể tiếp cận một cách dễ dàng và nhanh chóng”, ông Lee Eui Chul nhấn mạnh. Được biết, Shinhan Life Việt Nam là công ty con đầu tiên ở nước ngoài của hãng bảo hiểm đến từ Hàn Quốc này.

Cùng với “làn gió mới” Shinhan Life, ngay thời điểm đầu năm 2022, một hãng bảo hiểm khác là Generali Việt Nam cũng đưa ra bộ hợp đồng bảo hiểm với nhiều tính năng đột phá cả về nội dung, thiết kế và trải nghiệm khách hàng. Đây là phiên bản tích hợp giữa hợp đồng giấy và hợp đồng điện tử, giúp khách hàng dễ dàng truy cập thông tin trực tuyến, cũng như thực hiện các dịch vụ liên quan thông qua hệ sinh thái kỹ thuật số GenVita.

Trước đó, tận dụng thế mạnh vốn có về công nghệ, Generali Việt Nam đã hoàn tất việc chuyển đổi toàn bộ hoạt động vận hành, dịch vụ chăm sóc khách hàng sang môi trường trực tuyến. Generali cũng là công ty bảo hiểm tiên phong bỏ quy định nộp chứng từ gốc cho khách hàng, chấp thuận giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho dịch vụ khám chữa bệnh từ xa và khám chữa bệnh tại nhà…

Nhân tố tạo sự bùng nổ

Ngay thời điểm đầu năm 2022, “đại gia” mới nổi Sun Life Việt đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 14.380 tỷ đồng lên 16.480 tỷ đồng. Với số vốn tăng thêm lần này, Sun Life Việt Nam trở thành 1 trong 3 công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn điều lệ lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo ông Luc Nhon Ly, Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam, nguồn lực tài chính vững vàng sẽ tạo nền tảng để Công ty đầu tư hiệu quả hơn vào yếu tố con người, các giải pháp sáng tạo về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ… nhằm nâng tầm trải nghiệm khách hàng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Thực tế, doanh thu phí mới của Sun Life Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, khi từ vị trí thứ 13 vào cuối năm 2020 vươn lên vị trí thứ 7 vào cuối năm 2021. Số lượng khách hàng của Sun Life Việt Nam cũng gia tăng nhanh chóng với mức tăng gần 2 lần chỉ trong năm 2021.

Trong một diễn biến khác, một thương vụ bancassurance lớn hứa hẹn sẽ thay đổi cục diện thị trường, đó là việc Manulife và VietinBank chính thức triển khai kế hoạch kinh doanh theo thỏa thuận hợp tác độc quyền kéo dài 16 năm, đánh dấu một khởi đầu mới cho 2 tổ chức tài chính hàng đầu Việt Nam này.

Theo ông Sang Lee, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam, với thế mạnh trong việc tạo ra những giải pháp bảo hiểm toàn diện, kết hợp với mạng lưới khách hàng rộng lớn của VietinBank và khả năng số hóa vượt trội của hai bên, Manulife có nhiều lợi thế trong việc đáp ứng nhu cầu bảo hiểm ngày một tăng cao của người dân, từ đó nâng cao tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Được biết, Manulife Việt Nam hiện là công ty bảo hiểm nhân thọ dẫn đầu thị trường về phí bảo hiểm thực thu năm đầu tiên (FYP) trên tổng các kênh phân phối trong năm 2021.

Theo các chuyên gia trong ngành, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi và thiết lập những “luật chơi” mới, vì thế mọi thành viên đều mong muốn mình trở thành “lá cờ đầu”, là người cầm trịch thông qua các chiến lược phát triển khác biệt. Bên cạnh đó, thời gian qua, người tiêu dùng Việt Nam đã có những thay đổi quan trọng trong nhận thức, nhu cầu và hành vi tiêu dùng, đặc biệt về các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến sức khỏe, tạo kỳ vọng về sự bứt phá mạnh mẽ hơn cho thị trường nhân thọ.

“Tầm quan trọng của bảo hiểm nhân thọ đã được nhận thức rõ hơn, từ đó tỷ lệ tham gia bảo hiểm của người dân Việt Nam sẽ được cải thiện so với các nước trong khu vực”, ông Lee Eui Chul nhìn nhận.

Tin bài liên quan