Lần đầu tiên tại thị trường bảo hiểm Việt Nam xuất hiện một mô hình tiếp cận khách hàng theo kiểu “pop-up store” - những cửa hàng chỉ xuất hiện tạm thời trong một thời gian rất ngắn (vài ngày hoặc vài tuần), thường được đặt tại các khu vực đông người như trung tâm thương mại, quảng trường...
Đại diện Prudential Việt Nam, công ty bảo hiểm vừa chính thức khai trương mô hình này nói rằng, tuy mang tính “thời vụ”, nhưng pop-up store luôn tạo được hiệu ứng và sự quan tâm đặc biệt ở mỗi địa điểm nó xuất hiện, bởi hướng tiếp cận độc đáo và mô hình mới lạ, không trộn lẫn.
Trao đổi với Báo Đầu tư chứng khoán ông Phương Tiến Minh, Phó tổng giám đốc Maketing Prudential Việt Nam khẳng định, mô hình này không phải để bán hàng và không mang tính thương mại, mà tập trung vào hoạt động tư vấn để khách hàng hiểu hơn về bảo hiểm nhân thọ.
“Ngay từ đầu khi xây dựng chương trình này, chúng tôi đã không đặt nặng vấn đề bán hàng và chấp nhận doanh thu khai thác mới có thể bị ảnh hưởng, bởi chúng tôi muốn thay đổi cách bán bảo hiểm. Phải tư vấn để khách hàng thực sự hiểu về lợi ích của bảo hiểm, cũng như quyền lợi của mỗi sản phẩm mới bán và quan trọng hơn, mô hình này cũng là cách để tìm hiểu nhu cầu của các khách hàng đối với bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là những khách trẻ”, ông Minh cho biết.
Được biết, tại thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam hiện nay, số lượng khách hàng đã được bảo vệ bởi bảo hiểm đa số là những khách hàng từ 35-40 tuổi trở lên, rất ít khách hàng từ 25-30 tuổi đã sở hữu hợp đồng bảo hiểm.
“Giải pháp tài chính như mua bảo hiểm chưa đủ phù hợp cho những khách hàng trẻ tuổi. Điều này cũng dễ hiểu vì đại đa số nhà tư vấn/đại lý bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động tại thị trường Việt Nam đều ở độ tuổi trên 35. Chính vì thế, cùng với việc thay đổi cách tiếp cận, thì việc trẻ hóa đội ngũ tư vấn viên cũng là điều cần thiết để các công ty bảo hiểm có thể đến gần hơn nhóm khách hàng đầy tiềm năng này”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.
Một tên tuổi khác trong lĩnh vực bảo hiểm là Tập đoàn Generali cũng đang áp dụng những chiến lược tiếp cận khách hàng mới, khi quyết định tập trung vào thị trường bảo hiểm bán lẻ.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, Generali sẽ định vị thương hiệu khác biệt dựa trên các sản phẩm đơn giản và sáng tạo, cũng như dịch vụ vượt trội. Trong đó, chú trọng đặc biệt về trải nghiệm của khách hàng, từ giai đoạn tìm kiếm thông tin cho đến gia hạn hợp đồng.
Hiện tại, Generali bắt đầu khởi động chương trình “Net Promoter Score” - chỉ số đo lường mức độ hài lòng của khách hàng trên phạm vi toàn Tập đoàn, trong đó có thị trường Việt Nam, nhằm xây dựng các quy trình mới và thiết lập các biện pháp xử lý nhanh, với sự tham gia của các tổng giám đốc công ty thành viên…
Cùng với những chiến dịch khảo sát nhu cầu, thói quen tiêu dùng của khách hàng để thay đổi cách tiếp cận, cũng như hướng đến các đối tượng khách hàng mới, thì việc đẩy mạnh các kênh bán bảo hiểm tận dụng tối đa ưu thế của công nghệ cũng được các hãng bảo hiểm áp dụng.
Đơn cử, đối với kênh bancassurance, nhiều công ty bảo hiểm và ngân hàng đều đang mở hết tốc lực để có những cát “bắt tay” độc quyền dài hạn. Chia sẻ về thương vụ hợp tác độc quyền 20 năm với Sacombank, ông Takashi Fujii, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Dai-ichi Life International khu vực châu Á - Thái Bình Dương kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành viên Dai-ichi Life Việt Nam khẳng định, đây là thương vụ hợp tác mang tính lịch sử về nhiều ý nghĩa.
“Thứ nhất, sự hợp tác này sẽ là một hành trình dài đòi hỏi nỗ lực và sự hợp tác chặt chẽ của cả 2 phía bảo hiểm cũng như ngân hàng. Thứ hai, chúng tôi rất kỳ vọng mô hình hợp tác này sẽ trở thành mô hình chuẩn mực bền vững, nhằm mang lại các tiện ích và sự hài lòng tối đa cho khách hàng, góp phần giúp kênh bancassurance tăng trưởng hiệu quả trên thị trường bảo hiểm Việt Nam”, ông Takashi Fujii nói.