Các công ty bảo hiểm nhân thọ đã rất chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ khách hàng

Các công ty bảo hiểm nhân thọ đã rất chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ khách hàng

Bảo hiểm nhân thọ tham gia “cuộc chơi” bán hàng trực tuyến

(ĐTCK) Bán bảo hiểm trực tuyến dù không còn xa lạ với khối phi nhân thọ, những tên tuổi khá nổi tiếng đưa ứng dụng này tới khách hàng là PTI, BIC hay Liberty.

Tuy nhiên, trong khối nhân thọ, việc Prudential Việt Nam công bố thử nghiệm hệ thống bán bảo hiểm trực tuyến (e-commerce) với một số sản phẩm chính có thể được xem là phát pháo hiệu đầu tiên đánh vào phân khúc này.

Khác với khối phi nhân thọ, ngay từ khi bước chân vào thị trường Việt Nam, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã rất chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ khách hàng, giảm thiểu tối đa các loại giấy tờ và thủ tục phiền phức…

Ở đại đa số các công ty bảo hiểm nhân thọ hiện nay, các đại lý/tư vấn viên bảo hiểm thay vì phải in ra các điều khoản hợp đồng hay các bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng thì họ thao tác ngay trên máy tính cá nhân hoặc máy tính bảng… Hồ sơ của khách hàng cũng sẽ được gửi trực tiếp từ máy tính bảng của các đại lý/tư vấn bảo hiểm để các bộ phận chức năng của công ty kiểm tra…

Chẳng hạn, ở Chubb Life, với hệ thống phần mềm eSMART, khi đại diện kinh doanh tư vấn (qua ứng dụng trực tuyến trên ipad, smartphone… thì thông tin sẽ được chuyển online về cho Công ty. Phòng thẩm định và phát hành hợp đồng cũng làm việc online cho yêu cầu bảo hiểm này của khách hàng. Sau khi Công ty chấp nhận cấp hợp đồng, một bản mềm hợp đồng bảo hiểm sẽ được gửi tới email của khách hàng, còn bản cứng sẽ được ký tên/đóng dấu gửi đến khách hàng sau đó.

Trong khi đó, Manulife, AIA hay Dai-ichi Life… đã phát triển những phần mềm để khách hàng có thể kết nối và tra thông tin hợp đồng trực tuyến. Tất nhiên, các quy trình hiện đại “không giấy tờ” này mới chỉ là bước đầu để tiến tới mô hình bán bảo hiểm nhân thọ trực tuyến.

Được biết, việc đầu tư để đưa ứng dụng nền tảng công nghệ số chính là một trong những chiến lược chủ chốt và đã được Prudential Việt Nam liên tục đầu tư trong nhiều năm qua. Và việc thử nghiệm hệ thống bán bảo hiểm trực tuyến (e-commerce) trên một vài sản phẩm cơ bản đã đưa Prudential trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên mang đến lựa chọn trực tuyến về bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng tại Việt Nam. Hãng bảo hiểm này cũng kỳ vọng  ứng dụng nền tảng công nghệ số giúp rút ngắn thời gian giao dịch, với kỳ vọng tăng thêm 3% thị phần trong năm 2017.

Thực tế, tại thị trường Việt Nam, các công ty bảo hiểm nhân thọ cũ và mới ngay từ khi bước chân vào thị trường đều xác định đầu tư cho công nghệ thông tin trong kỷ nguyên kỹ thuật số là một trong những hướng đi trọng tâm.

“Bước tiến vào thị trường Việt Nam sẽ là cột mốc hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển đầy tham vọng của FWD tại thị trường Đông Nam Á. Và để hiện thực hóa những bước tiến này, FWD đã lên kế hoạch đầu tư đáng kể trong việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cải thiện những trải nghiệm và hình thức giao dịch giữa khách hàng với Công ty…”, đại diện FWD từng chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán.

Quay trở lại với câu chuyện Prudential Việt Nam công bố thử nghiệm hệ thống bán bảo hiểm trực tuyến, hãy còn quá sớm để nhìn nhận mô hình này có thành công ở thị trường Việt Nam hay không, bởi mô mình bán bảo hiểm này mới chỉ được Prudential cho chạy thử nghiệm. Nhưng thực tế, bán bảo hiểm trực tuyến cũng là câu chuyện hơn một lần được đề cập đến trên thị trường bảo hiểm trong nước thời gian qua.

Sau Prudential Việt Nam, có thể sẽ có những doanh nghiệp khác cho khách hàng tận hưởng những cảm giác mới mẻ của việc mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và tất nhiên cũng sẽ có không ít doanh nghiệp bảo hiểm còn giữ cái nhìn thận trọng với mô hình này... Dù sao, những ứng dụng mới mà các công ty bảo hiểm nhân thọ nỗ lực đưa ra thị trường cũng giúp việc tiếp cận giữa người dân với bảo hiểm nhân thọ ngày càng trở lên dễ dàng hơn.

Được biết, theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, ứng dụng công nghệ thông tin được coi là một trong những giải pháp cơ bản phát triển thị trường bảo hiểm. Cơ quan chủ quản của ngành bảo hiểm hy vọng, những giải pháp công nghệ mới được ứng dụng có thể thúc đẩy ngành này phát triển nhanh hơn với mục tiêu năm 2020 tổng doanh thu toàn ngành đạt 3 - 4% GDP. 

Tin bài liên quan