Vai trò của bảo hiểm nhân thọ ngày một rõ nét hơn trong cuộc sống hiện đại.

Vai trò của bảo hiểm nhân thọ ngày một rõ nét hơn trong cuộc sống hiện đại.

Bảo hiểm nhân thọ tận dụng... thời cơ!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh thu bảo hiểm nhân thọ vẫn tiếp tục giảm, nhưng với nhiều doanh nghiệp, đây là “thời cơ” để làm lại.

Tiếp tục mở rộng thị trường và chuẩn hóa quy trình

Số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, 9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường nhân thọ ước đạt 106.504 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 56,4%; bảo hiểm hỗn hợp là 16,3%; bảo hiểm liên kết đơn vị là 12,7%; sản phẩm bán kèm là 12,4%; các sản phẩm bảo hiểm còn lại (bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm sinh kỳ) là 2,2%.

Chia sẻ với truyền thông mới đây, ông Bae Seung Jun - Tổng giám đốc Shinhan Life Việt Nam nhìn nhận rằng, tình hình thị trường khó khăn như hiện nay cũng là dịp để các doanh nghiệp tập trung vào khôi phục niềm tin của khách hàng đối với bảo hiểm nhân thọ, đồng thời xây dựng, hoàn thiện quy trình bán hàng. Mỗi công ty bảo hiểm đang tái cấu trúc và sắp xếp lại các quy định và hệ thống nội bộ, nỗ lực chuyển từ tăng trưởng số lượng sang tăng trưởng chất lượng.

Tại Generali Việt Nam, vào trung tuần tháng 10/2024, nhà bảo hiểm này đã tổ chức sự kiện chào mừng cột mốc 100 văn phòng, đánh dấu nỗ lực gia tăng sự hiện diện khắp toàn quốc, khẳng định cam kết phát triển bền vững tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, Generali Việt Nam cũng liên tục đầu tư công nghệ để tự động hóa các quy trình.

Hiện tại, việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm tại Generali Việt Nam được thực hiện 100% trực tuyến, khách hàng chỉ mất 2 phút để nộp yêu cầu, 30 phút để nhận phản hồi và nhận quyền lợi bảo hiểm chỉ trong 48 giờ sau khi được chấp thuận chi trả.

Đến nay, hơn 95% yêu cầu quyền lợi bảo hiểm của Generali Việt Nam được giải quyết trong 3 ngày làm việc nhờ những cải tiến trong số hóa quy trình chi trả bảo hiểm.

Trong khi đó, nối tiếp Nghệ An, Thanh Hóa và Đà Nẵng, Manulife Việt Nam vừa nâng cấp văn phòng giao dịch tại TP. Hải Phòng với thiết kế hiện đại, tiện nghi. Động thái nâng cấp đồng loạt các văn phòng giao dịch tại nhiều địa phương là một phần trong chiến lược “Lấy khách hàng làm trọng tâm” mà Manulife Việt Nam đang thực hiện.

Nửa đầu năm 2024, Manulife Việt Nam đã có những cải tiến nổi bật như ra mắt ứng dụng Manulife Vietnam giúp khách hàng dễ dàng quản lý và tra cứu thông tin hợp đồng bảo hiểm trên các thiết bị di động; triển khai quy trình xác thực và giám sát phát hành hợp đồng bảo hiểm M-Pro giúp khách hàng “hiểu đúng, mua đủ”; nâng cấp quy trình thanh toán quyền lợi bảo hiểm trực tuyến lên phiên bản eClaims 3.0 giúp rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng chỉ còn 1,1 ngày…

Cùng với việc nâng cấp, đơn giản hóa quy trình bán bảo hiểm, việc tiếp tục mở rộng thị trường để gia tăng thị phần là chiến lược rõ nét nhất mà tất cả các công ty bảo hiểm nhân thọ đang thực hiện.

Chẳng hạn, cũng như Generali hay Manulife, hãng bảo hiểm Chubb Life vừa khai trương thêm 2 văn phòng mới của Kênh đối tác kinh doanh Infinity tại quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ và huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Đây là kênh phân phối mới được Chubb Life chính thức cho ra mắt từ đầu năm 2024.

Mới đây, vào cuối tháng 10 vừa qua, FWD Việt Nam công bố Công ty cổ phần TC Advisors (TCA) đã trở thành đại lý tổ chức phân phối sản phẩm bảo hiểm cho nhà bảo hiểm này. Sự kiện cũng đánh dấu một bước tiến mới trong chiến lược phát triển đa dạng kênh phân phối, mang đến khách hàng những giải pháp bảo hiểm sáng tạo và dễ hiểu của FWD Việt Nam…

Trước đó, vào đầu tháng 10/2024, Hanwha Life Việt Nam tiếp tục tăng tổng tài sản lên mốc 20.000 tỷ đồng, tương đương tăng 9% so với cuối năm 2023. Việc liên tục gia tăng tổng tài sản cho thấy Hanwha Life Việt Nam sở hữu dòng phí thu từ khách hàng ổn định và liên tục qua các năm.

Hãng bảo hiểm đến từ Hàn Quốc này đã dồn tâm huyết phát triển đa dạng các kênh phân phối gồm kênh đại lý (bao gồm đại lý cá nhân, tổng đại lý, đại lý tổ chức), hợp tác ngân hàng, kênh phân phối trực tuyến... Trong đó, đại lý hiện là kênh kinh doanh chủ chốt, đóng góp đến 80% doanh thu phí bảo hiểm.

Bảo hiểm vẫn hiện diện trong “cơn lốc” cắt giảm chi tiêu

Thực tế, dù xu hướng cắt giảm chi tiêu chưa dừng lại, nhưng bảo hiểm vẫn luôn là một trong những nhu cầu tài chính hiện diện trong cuộc sống hiện đại.

Theo khảo sát mới đây về xu hướng tiêu dùng hiện đại của Cốc Cốc, có 16% người tiêu dùng thường xuyên sử dụng dịch vụ này, trong đó hơn 50% người được khảo sát cho biết họ tham gia bảo hiểm với mục tiêu bảo vệ tài sản, sức khỏe và bảo vệ quyền lợi của bản thân lẫn gia đình.

Qua đó, có thể thấy, việc tìm kiếm các giải pháp bảo hiểm đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe toàn diện đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều gia đình Việt.

Khảo sát cũng cho thấy, có sự khác biệt giữa giới tính và độ tuổi trong khẩu vị tiêu dùng ngành tài chính. Nữ giới thường ưa chuộng các hình thức đầu tư phổ biến như gửi tiết kiệm, bảo hiểm và mua vàng, trong khi nam giới có xu hướng lựa chọn cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và trái phiếu.

Khó khăn của thị trường là có thật, nó thể hiện trong việc tổng doanh thu khai thác phí bảo hiểm và doanh thu khai thác phí mới của khối nhân thọ vẫn tăng trưởng âm trong 9 tháng qua.

Tuy nhiên, những khảo sát về nhu cầu thị trường dịch vụ tài chính này với các chỉ số đo đếm thực tế cho thấy, nhu cầu cần và có bảo hiểm vẫn còn nhiều và nhận thức về xây dựng các kế hoạch tài chính cho tương lai của người dân đang thay đổi…

Trong nghiên cứu “Viễn cảnh mới về hưu trí: Tự tin đón nhận tương lai” mới đây của Sun Life châu Á cho thấy, tại Việt Nam, ngày càng có nhiều người mong muốn đạt được sự độc lập, an toàn tài chính cho cuộc sống khi bước vào độ tuổi lớn hơn, kế hoạch nghỉ hưu chuyển từ việc phụ thuộc vào gia đình và chế độ lương hưu nhà nước sang tiết kiệm cá nhân và đầu tư từ những sản phẩm bảo vệ và hưu trí.

Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi những bài học từ các thế hệ nghỉ hưu hiện tại, 14% người trong số họ bày tỏ sự hối tiếc về các quyết định tài chính trong quá khứ. Những lý do chính cho sự hối tiếc này bao gồm không tiết kiệm đủ (80%), không lên kế hoạch cho chi phí chăm sóc sức khỏe (50%) và không thiết lập quỹ khẩn cấp (50%).

Mặc dù vậy, sự lạc quan cũng ngày càng tăng khi 67% số người được hỏi có kế hoạch giải quyết các chi phí nghỉ hưu trong vòng 5 năm trước khi nghỉ hưu, thể hiện cam kết cải thiện kế hoạch tài chính.

Theo ông Luc Nhon Ly - Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm đang đứng trước cơ hội tạo dựng một tương lai tươi sáng và lạc quan cho thế hệ trẻ. Việc chăm sóc và đảm bảo phúc lợi cho người lớn tuổi không chỉ là trách nhiệm của cộng đồng, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp bảo hiểm định hình một cuộc sống hưu trí an toàn và khỏe mạnh cho khách hàng của mình.

Tin bài liên quan