Vẫn tăng nhưng khó chạm “đỉnh” những năm trước
Theo số liệu ước tính sơ bộ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), 4 tháng đầu năm nay, tổng số hợp đồng khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 813.677, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; phí bảo hiểm khai thác mới đạt trên 10.000 tỷ đồng, tăng 7,69%.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm của khối nhân thọ trong 4 tháng đạt 33.475 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2019.
Thực tế, với ngành bảo hiểm, sự suy giảm của nền kinh tế do dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư nhiều hơn là hoạt động khai thác bảo hiểm. Bởi chứng khoán, lãi suất trái phiếu và tiền gửi ngân hàng đều đi xuống khiến hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp này giảm sút.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán về nguyên nhân giảm tốc của thị trường bảo hiểm, ông Ngô Trung Dũng, Tổng thư ký IAV nhìn nhận, nếu không có dịch Covid-19 thì thực tế thị trường bảo hiểm nhân thọ cũng đã có dấu hiệu giảm tốc.
“Tốc độ tăng trưởng của ngành sẽ khó có thể chạm mốc tăng trưởng 30% của thời kỳ trước đây. Ðây cũng là quy luật phát triển tự nhiên, thị trường nào tăng mãi cũng phải đến lúc có sự điều chỉnh”, ông Dũng nhìn nhận.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam 5 năm qua theo thống kê của Bộ Tài chính liên tiếp duy trì tốc độ tăng trưởng từ 25 - 30%/năm. Ðây là tốc độ tăng trưởng khá cao so với nhiều thị trường.
Nhìn sang thị trường các nước khác trong khu vực, tốc độ tăng trưởng phí của ngành bảo hiểm nhân thọ cũng chỉ đạt ở mức 2 - 3%/năm, cao nhất như các thị trường ở Ðông Nam Á cũng chỉ 6 - 7%.
Ở những thị trường bảo hiểm nhân thọ đã phát triển thì doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới thậm chí còn tăng trưởng âm.
Còn dư địa để phát triển bền vững
Thực tế, sự giảm tốc của thị trường bảo hiểm nhân thọ đã bắt đầu từ cuối năm 2018 với hàng loạt điều chỉnh của những doanh nghiệp “đầu tàu” có thị phần lớn và có ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của thị trường.
Cụ thể, Dai-ichi Life Việt Nam đã bắt đầu có sự điều chỉnh tốc độ tăng trưởng theo chiều hướng bớt “nóng” từ tháng cuối của quý II/2018.
Cùng với Dai-ichi Life Việt Nam, thị trường thời điểm năm 2018 và 2019 cũng nhận thấy sự điều chỉnh của một số doanh nghiệp có thị phần lớn khác như Bảo Việt hay Prudential…
Sự điều chỉnh của hãng bảo hiểm đang chiếm thị phần nhóm đầu thị trường với tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới hơn 50% như Dai-ichi Life Việt Nam trong những năm qua được nhìn nhận đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của toàn thị trường năm 2019.
Kết thúc năm 2019, theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, doanh thu phí bảo hiểm của toàn ngành bảo hiểm nhân thọ ước đạt 107.793 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2018. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí của khối này đạt 32,8% so với năm 2017.
“Chúng tôi đang điều chỉnh chiến lược tăng trưởng để có một số chỉnh sửa về chính sách. Chúng tôi tạm dừng một bước để tiến xa hơn”, lãnh đạo cấp cao của hãng bảo hiểm nhân thọ đến từ Nhật Bản từng chia sẻ với Ðầu tư Chứng khoán.
Dù đã bắt đầu bước vào giai đoạn “giảm tốc” so với thời kỳ trước, nhưng theo ông Dũng, để đạt đến điểm bão hòa như các nước đã phát triển thì thị trường bảo hiểm Việt Nam còn lâu mới đạt tới, bởi tỷ lệ người dân có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vẫn còn rất thấp.
Tính đến hết tháng 4/2020, thị trường đang có khoảng hơn 10 triệu hợp đồng còn hiệu lực, trong đó có những người có 2 - 3 hợp đồng nên so với tổng dân số gần 100 triệu người thì tỷ lệ người dân có bảo hiểm nhân thọ vẫn rất thấp (khoảng 10%).
Trong khi đó, tầng lớp trung lưu trong xã hội cũng ngày càng tăng nhanh, đây sẽ là yếu tố tốt nhất để thúc đẩy ngành bảo hiểm nhân thọ phát triển.
Theo các chuyên gia trong ngành, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam mặc dù tăng trưởng cao, ổn định song quy mô thị trường bảo hiểm vẫn còn nhỏ so với tiềm năng.
Tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay theo thống kê của Bộ Tài chính mới chỉ đạt mức 2,9%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và thế giới (6,3%).
Về sản phẩm các doanh nghiệp trên thị trường vẫn chủ yếu tập trung khai thác mạnh bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp và bảo hiểm liên kết đầu tư. Các dòng sản phẩm bảo hiểm khác chưa được chú trọng phát triển như bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí…
“Dư địa cho thị trường phát triển còn rất nhiều, vấn đề còn lại là chiến lược khai thác của các công ty bảo hiểm nhân thọ.
Tuy nhiên, dù có đẩy mạnh khai thác thì thị trường cũng không thể giữ được mức tăng trưởng 30% như những năm trước đây”, ông Dũng nhận định.
Ðể thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam phát triển chất lượng và bền vững, ông Dũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng khoảng 10 - 20% cho thời kỳ mới sẽ là thích hợp.