Các công ty bảo hiểm nhân thọ đang nỗ lực lấy lại niềm tin khách hàng.

Các công ty bảo hiểm nhân thọ đang nỗ lực lấy lại niềm tin khách hàng.

Bảo hiểm nhân thọ, kỳ vọng "sau cơn mưa..."

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù kết thúc năm 2024 chưa được như ý, doanh thu vẫn tăng trưởng âm, nhưng với tiềm năng vốn có, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tin rằng, sau cơn mưa trời sẽ sáng!

Mục tiêu tăng trưởng dương

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.495 tỷ đồng (giảm 0,26% so với năm trước), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 78.291 tỷ đồng và lĩnh vực nhân thọ ước đạt 149.204 tỷ đồng.

Theo các doanh nghiệp, năm qua, trong khi bảo hiểm phi nhân thọ vẫn đạt mức tăng trưởng doanh thu trên hai con số, thì bảo hiểm nhân thọ chưa thoát khỏi cảnh tăng trưởng âm, dù đã rất nỗ lực. Đây cũng là nguyên nhân khiến tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành chưa thể khởi sắc như kỳ vọng.

Bộ Tài chính dự kiến, năm 2025, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 239.636 tỷ đồng (tăng 0,05% so với năm 2024), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 85.938 tỷ đồng (tăng 9,77%) và lĩnh vực nhân thọ ước đạt 153.698 tỷ đồng (tăng 3%).

Mức tăng trưởng 3% là con số vô cùng khiêm tốn so với tiềm năng của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam, nhưng sau những biến cố khiến doanh thu khai thác mới giảm mạnh trong năm qua, mục tiêu này được đánh giá là phù hợp cho năm nay.

Sau nhiều biến động, ngành bảo hiểm nhìn nhận rằng, cần tập trung vào việc gia tăng niềm tin của khách hàng. Chính vì thế, đổi mới quy trình hoạt động cũng như sản phẩm, dịch vụ để đảm bảo tính minh bạch, sự chuyên nghiệp, củng cố niềm tin khách hàng là ưu tiên hàng đầu và là yếu tố sống còn với các công ty bảo hiểm nhân thọ.

Tháng 7/2024, FWD Việt Nam đã giới thiệu quy trình tư vấn bảo hiểm mới, ghi điểm bởi tính minh bạch, đảm bảo xác thực thông tin.

Theo đó, FWD thiết lập các bước thực hiện trong quy trình tư vấn bảo hiểm chi tiết và rõ ràng, hoàn toàn trên nền tảng trực tuyến. Quy trình đòi hỏi người tư vấn tài chính phải đồng hành và hướng dẫn khách hàng thực hiện đầy đủ các bước từ lúc điền thông tin, tạo bảng minh họa quyền lợi, xác nhận thông tin, đến nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm.

Tại FWD, định danh tư vấn tài chính thông qua giọng nói là một cải tiến trong quy trình tư vấn bảo hiểm mới.

Không chỉ FWD, các công ty bảo hiểm khác cũng có những động thái tương tự. Đơn cử, Generali áp dụng tính năng ghi âm trong quy trình nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư từ tháng 11/2024. Đây là bước tiến trong hành trình nâng cao chất lượng tư vấn, nhằm bảo vệ quyền lợi của cả khách hàng và tư vấn viên, giúp chăm sóc khách hàng chu toàn hơn.

Còn tại Manulife Việt Nam, đầu năm 2024, hãng bảo hiểm này đã áp dụng quy trình giám sát và phát hành hợp đồng bảo hiểm (quy trình M-Pro).

Đây là quy trình giúp khách hàng định danh điện tử và xác nhận các thông tin cá nhân đã cung cấp trước đó, cũng như có cơ hội kiểm tra các thông tin quan trọng về hợp đồng bảo hiểm như quyền lợi, thông tin đóng phí, những lưu ý về rủi ro đầu tư...

Với quy trình này, Manulife có thể đánh giá độc lập nội dung tư vấn của đại lý thuộc tất cả các kênh phân phối trước khi phát hành hợp đồng, đảm bảo 100% khách hàng được tư vấn đầy đủ và chính xác...

Theo Bộ Tài chính, năm 2024, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 93.906 tỷ đồng (tăng 17,94% so với năm trước); trong đó, khối phi nhân thọ ước đạt 22.519 tỷ đồng và khối nhân thọ ước đạt 71.387 tỷ đồng. Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 850.075 tỷ đồng (tăng 13,17%); trong đó, khối phi nhân thọ ước đạt 78.141 tỷ đồng và khối nhân thọ ước đạt 771.934 tỷ đồng.

Chia sẻ tại một hội thảo về khôi phục niềm tin trong ngành bảo hiểm, bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam nhấn mạnh, ngoài quy trình bán hàng, tài liệu bán hàng cũng phải tập trung làm rất rõ ràng.

Bởi, sản phẩm bảo hiểm nếu chỉ nói cái hay mà không nói cái giới hạn thì dễ gây hiểu lầm, dẫn tới khiếu nại về sau này. Chính vì vậy, các công cụ và quy trình kiểm soát hoạt động phân phối bảo hiểm đang được các công ty bảo hiểm nỗ lực xây dựng sẽ phải hạn chế những rủi ro này.

Ông Bae Seung Jun, Tổng giám đốc Shinhan Life Việt Nam cũng cho hay, chỉ khi được tư vấn kỹ lưỡng bởi đội ngũ tư vấn tài chính có năng lực và hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm, khách hàng mới có thể yên tâm với giải pháp tài chính phù hợp nhất với nhu cầu, điều kiện tài chính của mình.

Có như vậy, bảo hiểm nhân thọ mới phát huy giá trị đích thực và chỉ khi người dân hiểu, tin tưởng vào giá trị nhân văn cốt lõi của bảo hiểm thì mới có thể thúc đẩy họ tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Lãnh đạo Shinhan Life Việt Nam nhìn nhận, trong tương lai, các công ty bảo hiểm sẽ ngày càng có sự phân chia rõ ràng từng nhóm khách hàng và kênh phân phối phù hợp để xây dựng những giải pháp tài chính tốt nhất phục vụ cho từng phân khúc khách hàng.

“Chúng tôi sẽ không phát triển về số lượng, mà tập trung vào chất lượng, tuyển dụng nhân sự cấp cao dày dặn kinh nghiệm để đào tạo một đội ngũ có nền tảng tốt”, ông Bae Seung Jun chia sẻ.

Mua tự nguyện, bán minh bạch

Theo các chuyên gia trong ngành, để kiểm soát hoạt động phân phối bảo hiểm, đặc biệt qua kênh ngân hàng, ngoài khung pháp lý, quan trọng nhất là phải tăng cường giám sát trong quá trình hoạt động.

Bởi dù đã có quy định nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua, giao kết hợp đồng bảo hiểm, nhưng trong luật không định nghĩa như thế nào “ép” và thực tế trên hợp đồng đó là thỏa thuận, tự nguyện của khách hàng...

“Chỉ khi khách hàng được mua bảo hiểm một cách tự nguyện, thông qua cách bán minh bạch và sòng phẳng, chi trả quyền lợi đàng hoàng…, niềm tin của người dân với bảo hiểm mới được khôi phục và củng cố. Còn nếu vì doanh số ở đâu đó vẫn duy trì cách bán bảo hiểm bằng mọi giá, việc khách hàng hủy hợp đồng và khiếu kiện chỉ là vấn đề thời gian mà thôi”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.

Để tăng cường rà soát, giám sát chặt chẽ hoạt động đại lý bảo hiểm của các chi nhánh tổ chức tín dụng, một giải pháp được đa số thành viên thị trường đồng tình, đó là giám sát tỷ lệ tái ký bảo hiểm năm thứ 2.

Đây chính là điểm mấu chốt để việc bán bảo hiểm qua ngân hàng rõ ràng, minh bạch hơn. Giải pháp này cũng đã được nhiều doanh nghiệp áp dụng cho kênh đại lý.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng giám đốc Chubb Life Việt Nam, thực tế, thời gian qua, các công ty bảo hiểm đều đang tập trung cải tiến sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, cũng như không ngừng phát triển đội ngũ chất lượng để đảm bảo khách hàng luôn nhận được những tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm, phù hợp nhất.

Các giải pháp này vừa nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của khách hàng, vừa giúp các công ty bảo hiểm tuân thủ nghiêm túc các quy định mới.

Tin bài liên quan