Tăng trưởng doanh thu phí của khối nhân thọ 8 tháng qua giảm thấp hơn so với các tháng trước đó

Tăng trưởng doanh thu phí của khối nhân thọ 8 tháng qua giảm thấp hơn so với các tháng trước đó

Bảo hiểm nhân thọ hãm đà rơi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Dù chưa tăng trưởng trở lại, nhưng tốc độ giảm doanh thu của khối bảo hiểm nhân thọ đang chậm lại.

Khó khăn chưa qua

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường nhân thọ 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 15.924 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Bảo Việt Nhân thọ với 2.616 tỷ đồng, tiếp theo là Prudential với 2.502 tỷ đồng, Dai-ichi Life với 2.423 tỷ đồng, Manulife với 1.648 tỷ đồng và FWD với 999 tỷ đồng.

Do doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới chưa tăng trưởng trở lại nên tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường nhân thọ trong 8 tháng qua ước đạt 93.777 tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Thống kê của IAV những tháng trước đó cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm là 70.493 tỷ đồng, giảm 9% và 7 tháng đầu năm là 81.797 giảm 8,5%. Như vậy, có thể thấy, dù chưa tăng trưởng trở lại, nhưng tốc độ giảm doanh thu của khối này đang chậm lại.

Liên quan tới chi trả tiền bảo hiểm, theo IAV, trong 8 tháng đầu năm 2024, các công ty bảo hiểm ước chi trả 37.066 tỷ đồng, giảm 3,2% với cùng kỳ năm trước.

Trong rổ sản phẩm đang được các doanh nghiệp đưa ra thị trường, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 56,7%/tổng doanh thu; tiếp theo là sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp với 16,3%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị với 12,5%; sản phẩm bán kèm với 12,2%. Các sản phẩm bảo hiểm còn lại (sản phẩm bảo hiểm trọn đời, sản phẩm bảo hiểm tử kỳ, sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ, sản phẩm bảo hiểm hưu trí, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, sản phẩm bảo hiểm sinh kỳ) chiếm tỷ trọng 2,2%.

Cũng theo IAV, số lượng hợp đồng khai thác mới trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt 1.009.949 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,9% và giảm 26,6% (bao gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 51,2% và giảm 14%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 6,8% và giảm 64,9%); sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 30,6% và giảm 10,1%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 5,7% và tăng 398,9%. Các sản phẩm bảo hiểm còn lại (sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, sản phẩm bảo hiểm hưu trí, sản phẩm bảo hiểm trọn đời) chiếm tỷ trọng 5,8% và giảm 37,2%.

Số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) là 11.718.380 hợp đồng, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Về cơ cấu số lượng hợp đồng theo sản phẩm, sản phẩm được ưa chuộng và chiếm tỉ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (56,8%) và sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (24,4%).

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một công ty nhân thọ cho biết, việc khai thác các hợp đồng bảo hiểm mới vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều yếu tố, từ tình hình kinh tế vĩ mô tới việc thực hiện các quy định mới cần có “độ trễ” để các khách hàng và đại lý bảo hiểm thích nghi, nhất là quy định về tư vấn bán bảo hiểm bắt buộc phải ghi âm đối với các sản phẩm đầu tư, đòi hỏi các công ty bảo hiểm phải đầu tư về công nghệ mới có thể để triển khai tốt quy định mới. Ngoài ra, quy trình mới yêu cầu buổi tư vấn mất nhiều thời gian và thực hiện nhiều bước hơn, nhưng đổi lại sẽ giúp khách hàng và đại lý bảo hiểm tuân thủ quy định, thực hiện đầy đủ việc đọc và xác nhận thông tin.

Thời hạn mà các công ty bảo hiểm phải đảm bảo tuân thủ quy định nêu trên chậm nhất sau 1 năm kể từ ngày 2/11/2023, tức là bắt đầu từ tháng 11 tới. Tuy nhiên, một số công ty bảo hiểm đã thực hiện sớm hơn, trước thời hạn quy định.

“Việc áp dụng quy định mới về ghi âm, ghi hình khiến cả đại lý bảo hiểm và khách hàng e ngại, doanh thu khai thác vì thế cũng bị ảnh hưởng”, vị đại diện trên nói.

Tăng trách nhiệm, giới hạn mức thưởng đại lý bảo hiểm

Với bối cảnh hiện tại, thị trường nhân thọ Việt Nam chưa thể tăng trưởng trở lại trong năm nay và có thể cả năm sau. Ngành bảo hiểm nhân thọ phải đi chậm lại nhưng sẽ chắc hơn, chuyên nghiệp hơn, theo đúng xu thế phát triển.

Đối với quy định liên quan đến đại lý bảo hiểm tại Khoản 4, Điều 129 - Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Thông tư số 67/2023/TT-BTC ngày 2/11/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật này có sửa đổi, bổ sung so với quy định hiện hành theo hướng tăng hoa hồng đại lý bảo hiểm nghiệp vụ bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hỗn hợp; đồng thời giảm tỷ lệ hoa hồng năm thứ nhất của nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư (bao gồm bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị) xuống mức 30%, tức giảm 10% so với trước.

Cũng theo Thông tư 67/2023, tại Khoản 2, Điều 52 quy định các khoản thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm và các quyền lợi khác theo thỏa thuận tại các hợp đồng đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được thực hiện như sau:

Đối với các đại lý thực hiện khai thác mới: Tổng các khoản thưởng, hỗ trợ và các quyền lợi khác trong mỗi năm tài chính không vượt quá tổng giá trị của 20% phí bảo hiểm thực tế của các hợp đồng bảo hiểm từ 1 năm trở xuống và 1 năm tái tục hàng năm và 30% phí bảo hiểm khai thác năm đầu thực tế thu được đối với hợp đồng bảo hiểm trên 1 năm.

Đối với các đại lý thực hiện chăm sóc các hợp đồng bảo hiểm tái tục trên 1 năm: Tổng các khoản thưởng, hỗ trợ và các quyền lợi khác trong mỗi năm tài chính không vượt quá 7% phí bảo hiểm tái tục thực tế thu được trong năm.

Do đó, các công ty bảo hiểm nhân thọ đang chi trả các khoản thưởng, hỗ trợ và các quyền lợi khác cho đại lý bảo hiểm cao hơn tỷ lệ trên phải rà soát, xây dựng lộ trình, phương án giảm tỷ lệ chi trả các khoản trên theo từng năm tài chính và hoàn thành phương án chậm nhất đến hết ngày 31/12/2025.

Khoản 2, Điều 53 của thông tư này cũng nêu rõ, khi cung cấp sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, đại lý bảo hiểm cá nhân hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải ghi âm một số nội dung liên quan tới việc tư vấn sản phẩm bảo hiểm tại thời điểm bên mua bảo hiểm ký bản yêu cầu bảo hiểm... Quy định định này sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 11/2024.

Trong 2 năm qua, ngành bảo hiểm nhân thọ đối diện với nhiều thay đổi. Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực từ đầu năm 2023 và Thông tư 67/2023 có hiệu lực từ cuối năm 2023 đều đưa ra quy định chặt chẽ hơn, chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm hơn. Các ngân hàng bị cấm bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau giải ngân 60 ngày, các kỳ thi đối với sản phẩm liên kết đơn vị được tổ chức chặt chẽ hơn, cộng với công tác tuyển dụng đại lý mới khắt khe hơn… nên tỷ lệ đỗ không nhiều, từ đó ảnh hưởng việc khai thác mới.

Dù các công ty bảo hiểm cũng như lãnh đạo ngành này đều nhìn nhận rằng, thị trường bảo hiểm nhân thọ thời gian qua đã phát triển quá “nóng” và cần thanh lọc để đi đúng hướng, song những quy định thắt chặt hơn từ khâu tuyển dụng tới khâu tư vấn bán bảo hiểm... không chỉ buộc các nhà bảo hiểm phải thay đổi, mà cả đội ngũ đại lý/tư vấn bảo hiểm phải chuyên nghiệp, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ và yêu nghề mới có thể trụ lại.

“Với bối cảnh hiện tại, thị trường nhân thọ Việt Nam chưa thể tăng trưởng trở lại trong năm nay và có thể cả năm sau. Ngành bảo hiểm nhân thọ phải đi chậm lại nhưng sẽ chắc hơn, chuyên nghiệp hơn, theo đúng xu thế phát triển”, lãnh đạo một công ty bảo hiểm trong tốp 5 nhìn nhận.

Tin bài liên quan