Mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và trở thành thói quen của số đông người tiêu dùng, đặc biệt là những khách hàng trẻ ở khu vực thành thị.
Do đó, một số công ty bảo hiểm cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng này bằng việc triển khai bán bảo hiểm hoàn toàn trực tuyến với các sản phẩm đơn giản nhất, mệnh giá thấp… như một số sản phẩm thuộc dòng bảo hiểm sức khỏe.
Sau FWD, Manulife, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có thêm một hãng bảo hiểm là Prudential thông báo chính thức triển khai bán bảo hiểm ung thư đăng ký hoàn toàn trực tuyến.
Mới đây nhất, khi ra mắt sản phẩm bảo hiểm ung thư “VITA - Lá chắn vàng” bảo hiểm trước tất cả các loại bệnh ung thư và được hoàn lại 100% phí nếu không mắc bệnh, hãng bảo hiểm đến từ nước Ý là Generali quyết định bán sản phẩm này qua cả kênh giao dịch trực tuyến tại trang GenVita.vn và dự tính sẽ sớm triển khai bán sản phẩm này trên các trang thương mại điện tử uy tín khác.
Được biết, một số hãng bảo hiểm khác như MB Ageas Life hay MAP Life cũng đang gấp rút chuẩn bị để sớm ra mắt các sản phẩm bảo hiểm mới bán qua kênh trực tuyến.
Hiện, doanh thu phí mới đến từ kênh bán bảo hiểm trực tuyến hiện còn rất khiêm tốn. Theo số liệu ước tính của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, tính đến tháng 7/2018, doanh thu phí mới từ kênh này chỉ chiếm chưa đến 3%/tổng doanh thu phí mới.
Thị trường có thể sẽ có thêm nhiều hãng bảo hiểm nữa thâm nhập hình thức bán bảo hiểm “thời thượng” này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, hình thức bán sản phẩm bảo hiểm trực tuyến (online) là một xu hướng mới đáp ứng nhiều hơn về mặt thị hiếu và thói quen mua sắm của người dùng (Việt Nam có hơn 50 triệu người sử dụng internet).
Kênh phân phối trực tiếp chỉ phù hợp với những sản phẩm bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm sức khỏe mang tính đơn giản.
Với đặc điểm khá phức tạp của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thì kênh truyền thống phân phối qua đại lý vẫn đóng vai trò chính yếu. Song song đó sẽ là kênh bảo hiểm qua ngân hàng, với sự đổi mới về công nghệ và cải tiến về dịch vụ sản phẩm.
Đây dự đoán sẽ là kênh phân phối tăng tốc mạnh trong tương lai, đặc biệt khi cách thức hợp tác giữa ngân hàng và bảo hiểm ngày càng được lựa chọn kỹ càng và mối quan hệ từ đối tác chiến lược thành đối tác độc quyền ngày càng nhiều.
Tăng trưởng doanh thu phí là một trong những mục tiêu quan trọng của phần lớn các ngân hàng.
Thông thường, ở các nước trong khu vực, có đến 20 - 50% doanh thu phí dịch vụ của ngân hàng được mang lại từ hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm (cả nhân thọ và phi nhân thọ).
Tại Việt Nam, con số này còn khá khiêm tốn do phần lớn các ngân hàng mới chỉ bắt đầu làm quen với bancassurance. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ngân hàng quan tâm đến nguồn thu này bắt đầu đầu tư vào bancassurance.
Doanh thu từ bancassurance khoảng 3 năm trước mới chỉ ở mức 5 - 6% tổng doanh thu mới nhưng đang và sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ tiềm năng còn rất lớn chưa được khai thác của thị trường này.
Thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm tính đến hết tháng 7/2018 cho thấy, doanh thu phí bảo hiểm mới bán qua kênh ngân hàng (bancassurance) đạt hơn 2.860 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 20% tổng doanh thu phí mới từ các kênh của thị trường bảo hiểm so với tỷ trọng 13% cả năm 2017.
Đó là lý do các công ty bảo hiểm nhân thọ, ngoài mô hình đại lý truyền thống vẫn kỳ vọng rất nhiều vào doanh thu phí mới đến từ bancassurance.
Tất nhiên, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, mô hình kênh phân phối bảo hiểm nhân thọ không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các thị trường sẽ chịu ảnh hưởng khá nhiều.
Chính vì thế, dù việc bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trên các kênh trực tuyến trong thời gian hiện tại vẫn chỉ là thăm dò thị trường, nhưng việc đầu tư cho công nghệ kỹ thuật số di động để đảm bảo nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng sẽ là vấn đề được các doanh nghiệp bảo hiểm ưu tiên.
Nhận định được đưa ra từ CEO một doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu đang thay đổi nhanh chóng của khách hàng về dịch vụ trong kỷ nguyên kỹ thuật số di động sẽ là người chiến thắng.