Dư địa khai thác thị trường bảo hiểm nhân thọ còn rất lớn

Dư địa khai thác thị trường bảo hiểm nhân thọ còn rất lớn

Bảo hiểm nhân thọ đầu tư để thay đổi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các dự án đầu tư “khủng”, chiến lược mở rộng thị trường, đa dạng hóa kênh phân phối, nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm khách hàng… được xem là động thái tạo động lực mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, hướng tới tăng trưởng trở lại trong tương lai gần.

Công nghệ tiếp tục là công cụ “cách mạng hóa”

Tập đoàn Bảo hiểm FWD thông báo mở rộng quan hệ hợp tác với Microsoft thông qua một thoả thuận có thời hạn 4 năm, cung cấp quyền truy cập những sáng kiến trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh mới nhất, đồng thời tiếp tục hỗ trợ chiến lược công nghệ đám mây đang là ưu tiên tại đây.

Theo đó, FWD sẽ đẩy mạnh ứng dụng các sáng kiến AI tạo sinh thông qua dịch vụ Azure OpenAI và các đổi mới sáng tạo khác dành cho doanh nghiệp của Microsoft. FWD kỳ vọng việc này sẽ mang lại nhiều lợi ích nhờ mạng lưới riêng, khả năng giám sát và bảo mật của nền tảng đám mây Microsoft Azure cũng như các mô hình AI hiện đại. FWD là một trong những doanh nghiệp sớm ứng dụng Copilot cho Microsoft 365 - một trợ lý AI hỗ trợ công việc hàng ngày của nhân viên bảo hiểm.

Ông Ryan Kim - Phó tổng giám đốc Kỹ thuật số Tập đoàn FWD cho biết, đổi mới kỹ thuật số luôn là trọng tâm trong tầm nhìn thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm của FWD. Đây là sự kết hợp giữa tinh thần tiên phong của FWD ở châu Á với một số thị trường bảo hiểm đang phát triển nhanh nhất thế giới, với quy mô toàn cầu và năng lực của Microsoft về công nghệ và AI.

Được biết, Tập đoàn FWD bắt đầu hành trình ứng dụng AI vào năm 2019 và hiện có gần 200 mô hình AI được ứng dụng trên toàn bộ hoạt động của Tập đoàn, với hơn 600 trường hợp sử dụng AI được triển khai thực tế.

Nghiên cứu mới đây của Igloo - công ty công nghệ bảo hiểm toàn diện đầu tiên tại Singapore - đưa ra nhận định, xu hướng chủ đạo trong năm 2024 là tiếp tục thúc đẩy hiệu quả hoạt động của chuỗi giá trị bảo hiểm, đẩy nhanh đà tăng trưởng của bảo hiểm nhúng và tính cá nhân hóa. Trong đó, AI đang nhanh chóng trở thành nền tảng của ngành bảo hiểm, cách mạng hóa quá trình phân tích và thẩm định rủi ro của các doanh nghiệp.

Theo Igloo, các hãng bảo hiểm sẽ tiếp tục tận dụng ưu thế của AI để có được những hiểu biết sâu sắc hơn về hành vi, xu hướng của khách hàng, cũng như các rủi ro mới. Bằng cách khai thác sức mạnh của AI, các công ty bảo hiểm có thể cải thiện các mô hình đánh giá rủi ro, giúp cho việc định giá trở nên chính xác hơn, cũng như ứng phó tốt hơn với những biến động của thị trường. Ngoài ra, tầm ảnh hưởng to lớn của blockchain trong lĩnh vực bảo hiểm cho thấy vai trò then chốt của công nghệ này trong việc đơn giản hóa quá trình xử lý yêu cầu bồi thường. Bản chất phi tập trung và tính minh bạch của blockchain đảm bảo các giao dịch được diễn ra hiệu quả, tránh gian lận, đẩy nhanh quá trình giải quyết khiếu nại và giảm chi phí vận hành. Xu hướng này sẽ tiếp tục cách mạng hóa ngành bảo hiểm bằng cách nâng cao độ chính xác, tin cậy và hiệu quả hoạt động...

Cũng nằm trong dòng chảy thúc đẩy hiệu quả hoạt động của chuỗi giá trị bảo hiểm nhờ các ứng dụng công nghệ, sau thời gian triển khai thí điểm thành công, Manulife Việt Nam đã chính thức công bố áp dụng quy trình xác thực thông tin và giám sát phát hành hợp đồng M-Pro cho mọi khách hàng tham gia bảo hiểm kể từ năm 2024.

M-Pro cho phép Manulife Việt Nam đánh giá độc lập nội dung tư vấn của đại lý thuộc tất cả các kênh phân phối trước khi phát hành hợp đồng, đảm bảo 100% khách hàng được tư vấn đầy đủ và chính xác. Khách hàng sẽ định danh điện tử bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt và xác nhận các thông tin cá nhân đã cung cấp và nội dung đại lý bảo hiểm đã tư vấn cho khách hàng. Đây là điểm khác biệt nổi bật trong quy trình mới của Manulife Việt Nam so với các công ty bảo hiểm nhân thọ khác trên thị trường hiện nay.

Kỳ vọng sớm tăng trưởng trở lại

Một động lực lớn là tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của người dân Việt Nam còn khiêm tốn, chỉ khoảng 11% dân số. Với dư địa khai thác còn nhiều, các doanh nghiệp bảo hiểm luôn có niềm tin rằng, thị trường sẽ sớm tăng trưởng trở lại.

Theo nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, trong năm 2024, nền kinh tế nói chung, thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, việc hành lang pháp lý hoàn thiện hơn sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh bảo hiểm trở nên tích cực hơn. Ngoài ra, một động lực lớn khác là tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của người dân Việt Nam còn khiêm tốn, chỉ khoảng 11% dân số. Với dư địa khai thác còn nhiều, các doanh nghiệp bảo hiểm luôn có niềm tin rằng, thị trường sẽ sớm tăng trưởng trở lại.

Với mục tiêu tiếp tục phát triển mạnh mẽ các kênh phân phối và mạng lưới kinh doanh, phát huy hiệu quả của mô hình GenCasa, ngay trong tháng đầu năm 2024, Generali Việt Nam đã khai trương thêm 3 tổng đại lý là Gencasa Thủ Đức 3, GenBella Đồng Nai - Biên Hòa 2 và GenBella Đà Nẵng - Cẩm Lệ 3.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam mới đây, Ban lãnh đạo Generali quốc tế và Generali châu Á đã đến thăm các văn phòng tổng đại lý Gencasa này và nhấn mạnh rằng, Việt Nam luôn là thị trường quan trọng của Generali.

Cùng với không ngừng phát triển mạng lưới với gần 90 tổng đại lý (GenCasa) và trung tâm dịch vụ khách hàng, phục vụ hơn 500.000 khách hàng trên toàn quốc, Generali Việt Nam cũng liên tục cải tiến quy trình hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đơn cử, hãng bảo hiểm đến từ Ý đang thực hiện dự án “B1 language - Ngôn ngữ B1” nhằm đơn giản hóa văn bản bảo hiểm bằng cách cải tiến ngôn ngữ, cách trình bày theo hướng dễ nhớ, dễ nhìn hơn, từ đó nâng cao trải nghiệm khách hàng…

Trong khi đó, ra mắt kênh FC (kênh đại lý bảo hiểm cá nhân) trong thời điểm việc tuyển dụng đại lý bảo hiểm mới gặp nhiều khó khăn, nhưng Shinhan Life Việt Nam vẫn tự tin rằng, sự khác biệt trong chiến lược tuyển dụng sẽ tạo ra sự thay đổi.

Theo ông Bae Seung Jun, Tổng giám đốc Shinhan Life Việt Nam, thời gian qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ trải qua nhiều biến động và rõ ràng, khi môi trường thay đổi, quan điểm của khách hàng về bảo hiểm nhân thọ cũng thay đổi. Từ đó, đội ngũ tư vấn bán hàng phải thích nghi và Shinhan Life Việt Nam phải điều chỉnh phương thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu mới.

Thông tin thêm, ông Bae Seung Jun cho hay, trong tình hình hiện tại, Shinhan Life Việt Nam sẽ kết hợp giữa USP (Unique Selling Proposition - kinh doanh khác biệt) và ESP (Emotional Selling Proposition - ưu thế về mặt tình cảm) để tạo nên một dấu ấn thương hiệu khác biệt trên thị trường. Trong đó, USP thể hiện trong sức mạnh tổng hợp của các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Tài chính Shinhan tại Việt Nam (One Shinhan) và thông qua việc chuyển giao bí quyết kinh doanh của Shinhan Life Hàn Quốc. Còn ESP được thể hiện thông qua đội ngũ bán hàng xuất sắc và dịch vụ hậu mãi tận tâm. Để tạo nên hình ảnh tích cực trong mắt ứng viên đại lý và khách hàng, Shinhan Life Việt Nam cam kết về chất lượng và không thỏa hiệp đánh đổi chất lượng vì bất kỳ lý do gì.

“Với chiến lược kinh doanh khác biệt, chúng tôi tin tưởng rằng, đây sẽ là điểm hấp dẫn những ứng viên muốn thử thách năng lực và phát triển sự nghiệp trong một môi trường mới, đặc biệt như Shinhan Life Việt Nam”, ông Bae Seung Jun nhấn mạnh.

Theo Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (IAV), kết thúc năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường nhân thọ ước đạt 28.179 tỷ đồng, giảm 44,5% so với năm 2022. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 157.024 tỷ đồng, giảm 11,6%.

Tin bài liên quan