“Các tháng cuối quý, doanh thu thường cao hơn các tháng đầu quý, do các công ty có chương trình thi đua theo quý”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho biết. Theo vị này, không chỉ doanh thu phí bảo hiểm tháng 10, mà có thể tháng 11/2018 cũng không cao. Tuy nhiên, cuối năm, các công ty bảo hiểm hay có chương trình thưởng và các chương trình thi đua khác, nên tháng 12 thường là tháng có doanh số cao nhất.
Theo số liệu tổng hợp sơ bộ mà phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán có được, doanh thu phí mới của khối bảo hiểm nhân thọ trong tháng 10/2018 giảm khoảng 9%. Thực tế, thị trường đã có dấu hiệu suy giảm doanh thu trong vài tháng gần đây, kể cả một số doanh nghiệp có doanh thu phí mới thường xuyên dẫn đầu như Dai-ichi Life Việt Nam cũng suy giảm doanh thu trong tháng 9 và 10/2018. Do đó, doanh thu khai thác phí bảo hiểm mới cả năm 2018 của toàn thị trường được nhận định sẽ tăng trưởng dưới 30%, thấp hơn so với dự báo trước đó.
Tăng trưởng “nóng” và hệ lụy hợp đồng bảo hiểm “ảo” (do đại lý bảo hiểm ngụy tạo ra) là nỗi lo của không ít doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Do đó, tháng cuối năm thường là tháng có doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới cao nhất, nhưng sự bền vững của những hợp đồng bảo hiểm mới khai thác cũng được quan tâm nhất.
“Chất lượng hợp đồng và chất lượng đại lý vẫn đang là vấn đề lớn nhất của thị trường”, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhận xét.
Chính vì thế, trong nhiều chiến lược phát triển khai thác thị trường, khắc phục những điểm yếu hiện tại, thì việc tập trung khai thác đối tượng khách hàng hiểu biết về bảo hiểm nhân thọ, có thu nhập ổn định vẫn là một trong những mục tiêu quan trọng của các công ty bảo hiểm. Bởi lẽ, chiến lược này sẽ mang lại cho các công ty bảo hiểm sự tăng trưởng ổn định và chất lượng.
Theo CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ, khách hàng hiện đại hiểu rõ nhu cầu của mình và có những yêu cầu cao hơn với các giải pháp tài chính. Họ muốn thông tin phải luôn sẵn có 24/7. Họ đã quen sử dụng nhiều ứng dụng khác nhau trên những chiếc điện thoại thông minh.
Vì thế, các công ty bảo hiểm cũng phải thay đổi cách tiếp cận những khách hàng hiện đại này bằng các sản phẩm và giải pháp sáng tạo. Ngoài ra, với quá trình đô thị hóa, nhu cầu của người Việt đang có sự dịch chuyển, nhất là tại các thành phố, từ nhu cầu để dành, tiết kiệm, sang tích lũy, đầu tư.
Trong bối cảnh đó, Hanwha Life vừa triển khai giải Thể thao điện tử Thử thách e-sport toàn cầu Hanwha Life (Hanwha Life Esports Global Challenge) - bộ môn Liên minh huyền thoại, vòng chung kết chọn Top 10 được tổ chức tại Sân vận động GG Stadium (TP.HCM), với sự tham gia của đông đảo các game thủ chuyên và không chuyên của Việt Nam. Đây là hướng tiếp cận và quảng bá mới để hãng bảo hiểm này có thể làm quen và thu hút được sự chú ý của giới trẻ, những người đã quen thuộc với các thiết bị kỹ thuật số.
“Chúng tôi cho rằng, việc tiếp cận khách hàng thông qua nền tảng kỹ thuật số đa dạng là động lực cơ bản của các công ty tín dụng trong tương lai. Giới trẻ rất quen thuộc với nền tảng công nghệ kỹ thuật số, họ sẽ đánh giá cao việc đẩy mạnh hình ảnh trẻ trung và tăng cuờng chiến lược kỹ thuật số của Hanwha Life”, đại diện Hanwha Life chia sẻ.
Với Generali, tập đoàn này sẽ công bố kế hoạch chiến lược 2019 - 2021 trong Hội nghị các nhà đầu tư diễn ra vào ngày 21/11 tới tại Milan, Ý.
“Đây là chiến lược 3 năm của Generali, tiếp tục chú trọng vào sự tăng trưởng, chuyển đổi và tạo ra những giá trị bền vững cho tất cả các đối tác liên quan”, đại diện Generali nói.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận ròng của Generali đạt gần 2 tỷ Euro (tương đương 2,2 tỷ USD), tăng trưởng xấp xỉ 27%, nhờ sự cải tiến trong các lĩnh vực hoạt động kinh doanh.