Dai-ichi Life tăng tốc
2 tháng đầu năm 2018, Bảo Việt Nhân thọ vẫn đang vững vàng ở vị trí thứ nhất về tổng doanh thu, cũng như doanh thu khai thác phí mới với hơn 20% thị phần. Trong khi đó, dù vẫn giữ vị trí thứ hai về thị phần tổng doanh thu, nhưng thị phần khai thác mới của Prudential đã đứng sau Dai-ichi Life Việt Nam.
Có nhiều nguyên nhân khiến doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của Prudential giảm sút, trong đó ngoài việc hợp đồng bán mới tăng thấp, thì đây cũng là thời điểm hãng bảo hiểm này (cũng như một số hãng bảo hiểm vào thị trường thời kỳ đầu tiên) có nhiều hợp đồng đáo hạn.
Với Dai-ichi Life Việt Nam, nhà bảo hiểm này đang tạm vươn lên vị trí thứ hai về thị phần khai thác mới với khoảng 15% thị phần, theo số liệu ước tính của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính trong 2 tháng đầu năm 2018.
Còn theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, kết thúc quý I/2018, Dai-ichi Life Việt Nam đạt gần 2.000 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 54% so với cùng kỳ 2017. Doanh thu khai thác mới cũng tăng trưởng trên 50%. Trong đó, đại lý tiếp tục là kênh phân phối chủ lực, chiếm 85% tỷ trọng doanh thu khai thác mới toàn Công ty, phần còn lại đến từ kênh phân phối mở rộng (AD – Alternative Distribution).
Những doanh nghiệp bảo hiểm còn lại trong Top 5 thị phần lớn nhất thị trường là Manulife và AIA đều nắm giữ trên 10% thị phần vể cả tổng doanh thu và doanh thu khai thác mới.
Tại nhóm doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần nhỏ hơn, tốc độ tăng trưởng doanh thu khai thác mới 2 tháng đầu năm 2018 có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2017 do thay đổi cơ cấu sản phẩm cũng như kênh phân phối…, nhưng sự biến động về thị phần không lớn.
Bảo hiểm liên kết đầu tư tiếp tục là sản phẩm chủ đạo
Thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho thấy, 2 tháng đầu năm 2018, số lượng hợp đồng có hiệu lực (hợp đồng chính) đạt hơn 7.683 hợp đồng,tăng 12,87% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 9.316 tỷ đồng tăng 33,34% so với cùng kỳ.
Cùng với những thay đổi về thị phần doanh thu phí bảo hiểm, đối với các nghiệp vụ bảo hiểm đang bán trên thị trường, theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, trong 2 tháng đầu năm, các nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp và bảo hiểm liên kết chung vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu phí khai thác mới.
Trong đó, bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng hơn 48%, bảo hiểm hỗn hợp chiếm khoảng 28%, bảo hiểm tử kỳ là 3,4%, bảo hiểm hưu trí là hơn 1% và các nghiệp vụ còn lại (bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm sức khỏe - sản phẩm chính) chiếm tỷ trọng gần 7%.
Doanh thu phí bảo hiểm bổ trợ chiếm tỷ trọng hơn 11%. So với cùng kỳ năm 2017, doanh thu khai thác mới của các nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư tăng 45%, bảo hiểm hỗn hợp tăng 8,45%, bảo hiểm tử kỳ tăng 152,3%...
Theo các chuyên gia trong ngành, các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư hiện đều được các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trên thị trường triển khai và sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây là sản phẩm không phải đại lý nào cũng bán được.
Theo quy định, đại lý phải được doanh nghiệp bảo hiểm đào tạo và chứng nhận hoàn thành khóa học về sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, ngoài ra còn phải đáp ứng một số điều kiện như phải có ít nhất 3 tháng kinh nghiệm hoạt động đại lý bảo hiểm, hoặc đã có ít nhất 1 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hoặc tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên trong lĩnh vực này…
Những quy định trên đang khiến doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gặp một số khó khăn trong việc triển khai các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Để thuận lợi hơn, các doanh nghiệp đã đề xuất cơ quan quản lý bỏ quy định đại lý bảo hiểm phải có 3 tháng kinh nghiệm mới được bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.