Thống kê chưa đầy đủ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của khối này đạt khoảng 22.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ kênh đại lý vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 13.000 tỷ đồng, tiếp đến là bancassurance với hơn 7.800 tỷ đồng, còn lại là các kênh khác.
Manulife tiếp tục là hãng bảo hiểm dẫn đầu thị trường về doanh thu phí khai thác mới trong 6 tháng đầu năm 2021 với gần 5.000 tỷ đồng. Với Dai-ichi Life, sự tăng trưởng mạnh mẽ từ kênh bancassurance mang lại cho nhà bảo hiểm này gần 3.000 tỷ đồng và vượt qua Prudential để chiếm vị trí thứ 2 trong khối các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có vốn nước ngoài về doanh thu phí khai thác mới. Ở nhóm dưới, thị trường ghi nhận sự bứt phá của FWD và Sun Life khi các kênh hợp tác mới về bancassurance bắt đầu đẩy mạnh khai thác, giúp doanh thu phí khai thác mới trong nửa đầu năm 2021 của 2 doanh nghiệp cùng đạt con số hơn 1.000 tỷ đồng…
Những sản phẩm đã và đang được các doanh nghiệp nhân thọ đẩy mạnh là bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm liên kết đơn vị với doanh thu phí mới tính đến tháng 5/2021 (chưa có số chính thức đến tháng 6/2021 - PV) tăng tương ứng hơn 1.000% và 300% so với cùng kỳ năm trước.
Lãnh đạo một công ty bảo hiểm cho biết, nhìn vào số liệu 6 tháng đầu năm 2021 có thể thấy, doanh thu phí khai thác mới tháng 6 của hầu hết công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn ghi nhận sự tăng trưởng, nhưng so với mức tăng của tháng 3 là tháng cuối quý I thì mức tăng của tháng cuối quý II không mấy đáng kể - một sự thay đổi đáng lo ngại vì thông thường, tháng cuối mỗi quý là thời điểm thưởng doanh số cao nên các đại lý “chạy” thi đua rất quyết liệt, tuy nhiên, ở một số công ty bảo hiểm thuộc nhóm đầu như Prudential, Manulife, Dai-ichi Life hay AIA, doanh thu tháng cuối quý II/2021 còn giảm so với tháng cuối quý I/2021.
“Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng như hiện nay, tình hình khai thác kinh doanh quý III/2021 của các công ty bảo hiểm nhân thọ được dự báo sẽ khó khả quan hơn so với quý II. Trường hợp dịnh bệnh được khống chế vào những tháng cuối quý III thì tăng trưởng doanh thu quý này cũng khó bật mạnh do khách hàng ‘ngấm’ Covid khiến sức mua giảm”, tổng giám đốc một công ty bảo hiểm thuộc tốp đầu về tốc độ tăng trưởng phí mới nhìn nhận.
Tất nhiên, không phải doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng có cái nhìn bi quan. Nhiều doanh nghiệp cho biết, nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát thì nhiều khả năng thị trường sẽ khả quan hơn trong quý cuối năm, các doanh nghiệp tiếp tục tập trung cải tiến công nghệ và tung ra nhiều chương trình bán hàng hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng trở lại…
Thực tế, trong 6 tháng qua, cùng với nỗ lực thúc đẩy bán hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã tập trung đầu tư hoàn thiện hệ sinh thái công nghệ của mình để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Đơn cử, Generali số hóa hầu hết các giao dịch bảo hiểm như gửi yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, theo dõi tình trạng hợp đồng, đóng phí, cập nhật thông tin, hoán đổi quỹ đầu tư, mua sản phẩm… thông qua GenVita - hệ sinh thái kỹ thuật số chăm sóc sức khỏe tiên phong trên thị trường. Các hãng bảo hiểm khác như Manulife, Chubb Life, Prudential… cũng đã đơn giản hóa quy trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm để khách hàng có thể ngồi tại nhà gửi yêu cầu và nhận tiền bảo hiểm trực tuyến…
Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, so với cách đây một năm, mức độ ảnh hưởng của đại dịch đến việc ra quyết định của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực có sự thay đổi, trong đó hơn 50% doanh nghiệp bảo hiểm đang từng bước thay đổi các quyết định liên quan đến chuyển đổi số, quản lý và tiếp cận khách hàng, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, giám định bồi thường…