“Tôi nghĩ rằng, cơ hội phát triển ở châu Á của ngành bảo hiểm là rất lớn, đặc biệt tại các thị trường như Việt Nam, vốn là nơi có tỷ lệ tham gia bảo hiểm thấp. Các chi phí liên quan đến dịch vụ y tế chất lượng ngày càng tăng cũng như gánh nặng cho người tiêu dùng ngày càng nhiều khi họ phải nỗ lực làm việc để có được những khoản tiền tiết kiệm khi về già”, ông Anil Wadhwani, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Manulife khu vực châu Á trả lời truyền thông Việt Nam khi được hỏi có phải bảo hiểm châu Á đang ở điểm bão hòa.
Theo ông Anil Wadhwani, Manulife đang từng bước thay đổi để trở thành một tổ chức hoạt động xoay quanh trọng tâm là thấu hiểu nhu cầu khách hàng, thay vì tập trung vào vấn đề sản phẩm và quy trình, trong đó sẽ nỗ lực giải quyết các vấn đề mà khách hàng có thể gặp phải khi mua sản phẩm bảo hiểm hoặc trong quá trình họ sử dụng dịch vụ.
“Bằng cách áp dụng một nền tảng công nghệ chung cho các thị trường châu Á, chúng tôi có lợi thế về việc mở rộng và tận dụng tiềm lực của từng khu vực. Giải pháp có thể được xây dựng tại một thị trường và sau đó nhanh chóng được áp dụng vào các thị trường khác. Yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm trực tuyến là một ví dụ, việc ra mắt tại Hồng Kông vào tháng 1/2018 và sau đó một vài tháng, quy trình này được giới thiệu ở Việt Nam”, lãnh đạo Manulife khu vực châu Á nói.
Năm nay, không hẹn mà gặp, lần đầu tiên Việt Nam được lựa chọn là nơi diễn ra những cuộc họp quan trọng của các tập đoàn bảo hiểm lớn trên thế giới để bàn về chiến lược phát triển cũng như các vấn đề quản trị. Mở rộng thị trường châu Á là một phần trong chiến lược đã được bàn thảo tại hội nghị quan trọng này.
Theo ông Back Jong Kook, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Hanwha Life Việt Nam, thực tế không chỉ Hanwha Life mà nhiều tập đoàn tài chính khác đều nhận thấy rằng, tiềm năng của thị trường bảo hiểm Việt Nam còn rất lớn.
“Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nhận thức về bảo hiểm nhân thọ của người dân luôn cao hơn so với các địa phương khác. Người dân có ý thức về việc tham gia bảo hiểm cũng như tầm quan trọng của bảo hiểm nhân thọ.
Tuy nhiên, họ vẫn còn ngại ngần và chưa thực sự chủ động tham gia. Đây chính là một trong những khó khăn và thách thức của ngành bảo hiểm nhân thọ nói chung và Hanwha Life nói riêng. Mặc dù vậy, Hanwha Life cho rằng, các thành phố lớn vẫn luôn là thị trường quan trọng và chiến lược trong hoạt động kinh doanh của các công ty bảo hiểm”, ông Back Jong Kook nhận xét.
Với châu Âu - nhiều người cho rằng, thị trường bảo hiểm nhân thọ gần như bão hòa. Tuy nhiên, theo một số tập đoàn bảo hiểm, quan niệm đó là sai lầm.
Phát biểu trên kênh truyền hình Mỹ Bloomberg, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Generali, ông Philippe Donnet cho biết, Tập đoàn sẽ dành riêng 4 tỷ euro (4,56 tỷ USD) để đầu tư thúc đẩy tăng trưởng, hoặc thông qua phát triển nội tại, hoặc thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập, để giúp Generali đạt được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận từ 6 - 8% trong thời gian tới. Các mục tiêu thâu tóm của Generali có thể nằm trong thị trường hiện tại hoặc các thị trường mới.
“Chúng tôi sẽ xem xét việc mua lại và sáp nhập bất kỳ công ty bảo hiểm nào có thể giúp Generali tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường ở các nước châu Âu và bất kỳ công ty bảo hiểm nào có khả năng mang lại cho Tập đoàn vị trí dẫn đầu trong một thị trường mới”, ông Philippe Donnet nói.
Tổng giám đốc Generali đánh giá, Trung Âu và Đông Âu vẫn còn có nhiều cơ hội. Châu Âu là một thị trường giàu có của một thế giới đang già đi. Những người già và người giàu có chính là cơ hội kinh doanh tốt cho các công ty bảo hiểm.