Với những thay đổi quyết liệt, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ kỳ vọng sẽ mở rộng phân khúc khách hàng, cũng như nâng tỷ lệ khách hàng tham gia mua bảo hiểm nhân thọ nhiều hơn con số 7% /tổng dân số như hiện nay.
Điều dễ nhận thấy nhất trong hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thời gian qua, đó là đáp ứng các yêu cầu đơn giản hóa, không chỉ là từ ngữ trong hợp đồng, mà cả trong quy trình ra hợp đồng cũng như thủ tục bồi thường.
Chẳng hạn, tại FWD Việt Nam, bắt đầu với việc tối giản các điều khoản loại trừ, khi áp dụng chỉ từ 2-6 điều khoản loại trừ cho tất cả các sản phẩm bảo hiểm, giúp FWD Việt Nam trở thành hãng bảo hiểm có danh mục loại trừ bảo hiểm ngắn nhất trên thị trường.
“Việc áp dụng danh mục loại trừ tối giản nhất mang lại nhiều quyền lợi hơn cho người mua bảo hiểm, đồng thời giúp thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm hiện nay”, ông Anantharaman Sridharan, Tổng giám đốc FWD Việt Nam cho hay.
Không chỉ FWD Việt Nam, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác cũng đã rà soát lại các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm và loại bỏ những câu chữ rườm rà, không cần thiết, in thêm phụ lục hợp đồng để lưu ý những điều khoản cần thiết và quan trọng nhất, thậm chí đưa ra ưu đãi đặc biệt để gia tăng quyền lợi cho khách hàng.
Chẳng hạn, Generali Việt Nam quyết định kéo dài thời hạn bảo vệ thêm 24 tháng sau khi hợp đồng hết hiệu lực đối với sản phẩm “VITA - Sống tự tin”, một điều chưa từng có tiền lệ trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.
Ngoài việc đơn giản hóa các điều khoản, quy trình, thủ tục của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, thì việc áp dụng công nghệ số cũng được các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đẩy mạnh.
Đơn cử, FWD Việt Nam đã và đang quyết liệt triển khai chiến lược ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động. Hiện tại, toàn bộ quy trình bán hàng tại hãng này đều không dùng giấy tờ, hơn 90% giao dịch không dùng tiền mặt vào tháng 8/2017 và tiến tới chuyển sang 100% giao dịch không tiền mặt trong thời gian tới.
Trước đó, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, CEO một tập đoàn bảo hiểm nước ngoài thừa nhận, trong các thị trường mà tập đoàn này có mặt, Việt Nam là thị trường đầu tiên được chấp nhận thanh toán phí bảo hiểm bằng tiền mặt. Theo vị CEO này, việc thanh toán bằng tiền mặt là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của bảo hiểm nhân thọ.
Với Prudential, hàng này ứng dụng công nghệ vào bảo hiểm thông qua các chatbox, mô hình Pop-up store hay myDNA. Theo lãnh đạo của Prudential, những dự án công nghệ này không chỉ nhằm thay đổi hình ảnh của hãng, mà quan trọng hơn là đưa ra thị trường bảo hiểm một cách tiếp cận mới, trẻ trung, để khách hàng tự nghiên cứu, tìm hiểu về tầm quan trọng của bảo hiểm nhân thọ.
“Nếu như myDNA giúp khách hàng có thể tự kiểm soát được tình trạng sức khỏe của mình thông qua việc sử dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp, thì chatbox hay Pop-up store lại giúp khách hàng chủ động tìm hiểu về bảo hiểm nhân thọ, cũng như kiểm tra tình trạng hợp đồng cùa mình”, ông Phương Tiến Minh, Phó tổng giám đốc marketing Prudential chia sẻ.
Được biết, một dự án khác là Match Book và chương trình đào tạo tư vấn tài chính chuyên nghiệp toàn thời gian sẽ được Prudential trình làng trong tháng 12 này, qua đó khép lại một năm có nhiều đổi mới của hãng này.
Theo các chuyên gia trong ngành, khi nhận thức của khách hàng về bảo hiểm ngày càng tốt hơn thì yêu cầu đổi mới đối với mỗi công ty bảo hiểm nhân thọ là yếu tố sống còn.