Bảo Việt Nhân thọ chiếm 22,88%, Prudential chiếm 22,34% doanh thu khai thác mới trong quý I/2015 - Ảnh: Hoài Nam

Bảo Việt Nhân thọ chiếm 22,88%, Prudential chiếm 22,34% doanh thu khai thác mới trong quý I/2015 - Ảnh: Hoài Nam

Bảo hiểm nhân thọ 2015: Khởi động nhiều thuận lợi

(ĐTCK) Không chỉ mang đến sự khác lạ về dịch vụ chăm sóc khách hàng, ngay từ những tháng đầu năm 2015, một số công ty bảo hiểm nhân thọ đã tung ra thị trường sản phẩm bảo hiểm mới nhất của mình với những quyền lợi hấp dẫn chưa từng có cho khách hàng.

Quý I, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 29,1%

Mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm hơn 29% trong quý I/2015 so với cùng kỳ năm ngoái là kết quả từ sự nỗ lực hoàn thiện không ngừng của các công ty bảo hiểm nhân thọ. Báo cáo sơ bộ của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 3 tháng đầu năm 2015 ước đạt 14.380,34 tỷ đồng, tăng 18,76% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 7.542 tỷ đồng, tăng 10,69% và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 6.838,34 tỷ đồng, tăng 29,15%.

Cụ thể, doanh thu phí khai thác mới 3 tháng đầu năm 2015 ước đạt 2.084,84 tỷ đồng, tăng 41,52% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, doanh thu phí của nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất là 43,06%, bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 40,1%, bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 5%, bảo hiểm hưu trí chiếm tỷ trọng 2,2%, các nghiệp vụ còn lại (trọn đời, sinh kỳ, trả tiền định kỳ) chiếm tỷ trọng 0,17% và sản phẩm bổ trợ chiếm tỷ trọng 9,46%.

Số lượng hợp đồng khai thác mới (hợp đồng bảo hiểm chính) trong 3 tháng đầu năm 2015 ước đạt 300.253 hợp đồng, tăng 40,97% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, bảo hiểm tử kỳ là nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất (43,13%), tiếp theo là sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (30,86%) và bảo hiểm liên kết đầu tư (25,68%), các sản phẩm còn lại chiếm tỷ trọng 0,5%.

Thị phần doanh thu khai thác mới trong quý I/2015 có sự thay đổi nhẹ khi doanh nghiệp đang đứng thứ 2 về thị phần đã vượt lên vị trí số 1 (Bảo Việt Nhân thọ chiếm 22,88% thị phần, Prudential chiếm 22,34% thị phần). Tuy nhiên, nếu tính thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm đến hết tháng 3/2015 của các doanh nghiệp thì vị trí về thị phần không thay đổi. Prudential vẫn dẫn đầu thị trường, tiếp theo là Bảo Việt Nhân thọ, rồi đến Manulife Việt Nam, AIA Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam, ACE Life, Hanwha Life Việt Nam... 

Cuộc đua chất lượng dịch vụ và sản phẩm

Về dịch vụ, sự kiện AIA Việt Nam khai trường mô hình dịch vụ khách hàng độc đáo mang tên “Nest by AIA” và “AIA Exchange” tại TP. HCM thu hút được nhiều sự quan tâm của không chỉ khách hàng, mà cả các công ty bảo hiểm nhân thọ khác trên thị trường. Đây không những là dịch vụ khách hàng mới lạ của thị trường bảo hiểm Việt Nam, mà còn là mô hình đầu tiên của AIA.

Nếu nói về mô hình dịch vụ khách hàng kiểu “5 sao” với thiết kế đẹp, hiện đại, thân thiện và dịch vụ tốt thì trên thị trường có khá nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đã triển khai như Prudential Việt Nam, Manulife Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam, ACE Life Việt Nam... Tuy nhiên, hai mô hình mà AIA Việt Nam đưa ra nêu trên không chỉ là trung tâm dịch vụ khách hàng đơn thuần được xây dựng với phong cách khác biệt. Tất nhiên, mô hình này có thành công hay không thì cần thêm thời gian mới có câu trả lời chính xác. Nhưng rõ ràng, đây là những bước tiến mới của AIA.

Cùng với dịch vụ, nhiều sản phẩm bảo hiểm cũng được các công ty bảo hiểm ra mắt thị trường trong những tháng đầu năm 2015. Dù không phải là sản phẩm mới trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, nhưng “Manulife - Gia đình tôi yêu” của Manulife là sản phẩm được đánh giá cao vì kết hợp đồng thời 3 quyền lợi là bảo vệ toàn diện, đóng phí linh hoạt và tiết kiệm hấp dẫn. Khác với nhiều sản phẩm hiện có trên thị trường, tất cả các quyền lợi bảo hiểm cơ bản và quyền lợi bảo hiểm tăng cường đều có giá trị tài khoản.

An Khang Phúc Lộc vừa được Hanwha Life Việt Nam đưa ra thị trường cũng là một sản phẩm “hot” trên thị trường hiện nay, bởi khách hàng không những được chi trả tới 3 lần với tổng số tiền chi trả lên tới 300% mệnh giá, mà đây còn là sản phẩm chấp nhận chi trả cho 42 loại bệnh hiểm nghèo và những chi trả khác nếu khách hàng chẳng may bị tai nạn dẫn đến thương tật.

Trong khi đó, một tên tuổi còn khá mới với lối đi riêng biệt là VietinAviva vừa quyết định tạo ra bước ngoặt khi ra mắt hệ thống đại lý và tiếp tục “trình làng” sản phẩm Phát Lộc Hưng Gia với những đặc tính linh hoạt, đơn giản, mang lại lợi suất khá cao, đặc biệt đảm bảo được yếu tố an toàn, theo xu hướng tiên tiến của thế giới.

Xu hướng ký kết hợp tác độc quyền với ngân hàng để bán sản phẩm bảo hiểm cũng có thêm nhân tố mới. Đó là sự hợp tác độc quyền với thời hạn 10 năm giữa Dai-ichi Life Việt Nam và HDBank.

Về sản phẩm, thị trường đang chờ đón thêm sản phẩm thuộc phân khúc liên kết đầu tư của một công ty bảo hiểm nhân thọ, có thể ngay trong những ngày đầu quý III/2015. Tất cả những thay đổi tích cực nêu trên của các công ty bảo hiểm không nằm ngoài mục tiêu trở thành doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được tin cậy nhất, uy tín nhất, ưu việt nhất…

Nói về chiến lược phát triển của công ty trong năm 2015, lãnh đạo cấp cao của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thuộc nhóm những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường chia sẻ, năm nay sẽ là năm rất quan trọng cho sự phát triển và bứt phá của công ty. Nhưng công ty cũng đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, vì công ty tăng trưởng thì các doanh nghiệp khác cũng đều có sự tăng trưởng. 

Thị trường tiềm năng nhưng còn nhỏ bé

Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam hiện có 16/17 doanh nghiệp bảo hiểm đến từ các thị trường phát triển trong khu vực và trên thế giới, có kinh nghiệm lâu đời trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và tài chính, tiềm lực tài chính mạnh. Theo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, mặc dù thị trường có tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, nhưng quy mô vẫn còn nhỏ so với tiềm năng.

Cụ thể, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay mới chỉ đạt 2%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và thế giới (6,3%). Số lượng sản phẩm bảo hiểm tuy nhiều, song chưa đa dạng, đa số sản phẩm được thiết kế cố định, trọn gói, khó điều chỉnh, chia nhỏ theo nhu cầu đa dạng của bên mua bảo hiểm. Trong khi đó, kênh phân phối bảo hiểm còn thiếu chuyên nghiệp, còn tồn tại tình trạng đại lý chạy theo doanh thu, đại lý vi phạm các quy định về giới thiệu, chào bán bảo hiểm, chưa có ý thức đúng mức về đạo đức hành nghề.

Được biết, để kịp thời nắm bắt cơ hội khi Việt Nam đàm phán thành công và chính thức ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian tới và đảm bảo việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm sẽ phối hợp với các đối tác, các nhà tài trợ xây dựng, triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu, bám sát các mục tiêu Chiến lược và giải pháp phát triển của thị trường bảo hiểm; tăng cường chất lượng chuyên gia tư vấn quốc tế và đa dạng hóa hình thức hỗ trợ, đặc biệt là các hình thức hỗ trợ đào tạo dài hạn, gắn với thực hành, thực tập; thúc đẩy triển khai các thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tài chính với các cơ quan quản lý dịch vụ tài chính Nhật Bản, Hàn Quốc, nhằm đảm bảo sự phát triển hiệu quả và bền vững của thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam, trong đó có thị trường bảo hiểm.

Về phía các doanh nghiệp, để thúc đẩy thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển đúng với tiềm năng, các doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn cụ phần chi phí hợp lý khi chủ sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe cho người lao động. Đối với thuế thu nhập cá nhân, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đề nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi thích hợp đối với cá nhân khi mua bảo hiểm nhân thọ và nâng mức ưu đãi thuế đối với bảo hiểm hưu trí tự nguyện.

Tin bài liên quan