Toàn hệ thống DNBH cũng sẽ tham gia bảo hiểm thủy sản thông qua hình thức nhận tái bảo hiểm và đồng bảo hiểm

Toàn hệ thống DNBH cũng sẽ tham gia bảo hiểm thủy sản thông qua hình thức nhận tái bảo hiểm và đồng bảo hiểm

Bảo hiểm ngư dân: Mức trách nhiệm gấp hơn 230 lần tiền phí

(ĐTCK) Hội nghị tập huấn chính sách bảo hiểm khai thác thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (NĐ67) về một số chính sách phát triển thủy sản do Bộ Tài chính tổ chức hôm 14/11 đã thu hút sự tham gia đông đảo của đại diện nhiều địa phương và doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH).

Không chỉ 4, mà toàn hệ thống DNBH phục vụ ngư dân

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Ngọc Oai, phần thảo luận gồm 16 ý kiến, tập trung vào 9 nhóm vấn đề đã cho thấy sự quan tâm sát sao, ý thức trách nhiệm cao của các địa phương trong việc triển khai chính sách bảo hiểm, nhằm hỗ trợ cho ngư dân yên tâm bám biển, phát triển hoạt động khai thác hải sản xa bờ.

Đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết chỉ khi đến tham gia hội nghị mới được biết có 4 DNBH được triển khai bán bảo hiểm thủy sản. Vị đại diện này đặt câu hỏi: ngoài 4 DNBH được chỉ định, liệu có thể lựa chọn một DNBH khác không, khi vấn đề này liên quan trách nhiệm bảo hiểm về sau nên việc lựa chọn đơn vị bảo hiểm là rất quan trọng?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, căn cứ vào đăng ký của các DNBH, cùng với việc đánh giá trên cơ sở các tiêu chí, Bộ Tài chính đã lựa chọn 4 DNBH lớn để thực hiện triển khai bảo hiểm thủy sản, đó là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt; Tổng CTCP Bảo Minh; Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex; Tổng công ty Bảo hiểm PVI.

“4 DNBH này đáp ứng đầy đủ các tiêu chí lựa chọn như năng lực tài chính tốt, độ bao phủ của các chi nhánh ở địa phương lớn để tạo có sự gắn bó với các địa phương và ứng phó kịp thời khi có tổn thất. Đây cũng là những DN đã triển khai hoạt động bảo hiểm liên quan đến đánh bắt hải sản, tàu thuyền, bảo hiểm thuyền viên trước đó”, Thứ trưởng Hà nói.

Tuy nhiên, theo ông Hà, đằng sau 4 DNBH trên còn có rất nhiều DN khác cùng chia sẻ rủi ro thông qua hình thức nhận tái bảo hiểm hoặc đồng bảo hiểm. Như vậy, cả hệ thống DNBH của Việt Nam đều tham gia vào hoạt động này để đảm bảo triển khai có hiệu quả.

Chia sẻ với ĐTCK, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, việc các DNBH triển khai theo hình thức đồng bảo hiểm nhằm đảm bảo việc thực hiện được thống nhất, tránh cạnh tranh không lành mạnh, tăng cường khả năng kiểm soát trục lợi, đồng thời tạo thuận lợi trong công tác tổng kết, đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Tại Hội nghị tập huấn, 4 DNBH được lựa chọn triển khai bảo hiểm thủy sản đã cùng ký kết Hợp đồng đồng bảo hiểm. 

Mức trách nhiệm bảo hiểm gấp hơn 230 lần tiền phí

9 nhóm vấn đề được đưa ra thảo luận tại Hội nghị tập huấn gồm nguyên tắc thực hiện bảo hiểm; yêu cầu đối với DNBH triển khai bảo hiểm khai thác thủy sản; hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục chấp thuận DNBH triển khai; đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm; hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục chi trả phí bảo hiểm được ngân sách nhà nước hỗ trợ, cũng như các khâu lập dự toán, phân bổ dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí; trách nhiệm của các cơ quan liên quan; đồng bảo hiểm; hạch toán doanh thu, chi phí.

Về mặt pháp lý, hiện Bộ Tài chính đã chấp thuận quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm khai thác thủy sản, để các DNBH nhanh chóng triển khai phục vụ ngư dân, chủ tàu.

Về phía các bộ, ngành, ông Oai cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các DNBH khảo sát thực tế, đồng thời làm việc với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chủ tàu, biên phòng tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi, Kiên Giang (3 tỉnh đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam có số lượng tàu cá có công suất máy chính trên 90CV lớn nhất), để nắm tình hình thực tế tại cơ sở, các khó khăn, vướng mắc và đưa ra hướng giải quyết, nhằm sớm đưa chính sách này vào cuộc sống.

Liên quan đến quy tắc bảo hiểm thân tàu và điều khoản bảo hiểm ngư lưới cụ, điều khoản rủi ro đặc biệt; quy tắc bảo hiểm tai nạn thuyền viên (đã được Bộ Tài chính chấp thuận đăng ký triển khai), ông Nguyễn Quang Hưng, Trưởng phòng tái bảo hiểm Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, nhằm hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, phát triển hoạt động khai thác thủy sản, chính sách bảo hiểm khai thác thủy sản được thực hiện theo nguyên tắc bảo hiểm mọi rủi ro, với mức trách nhiệm bảo hiểm (mức chi bồi thường tối đa) cho các tổn thất về con người và tài sản phát sinh trong quá trình khai thác thủy sản cao hơn khá nhiều so với quy định liên quan trước đó (ngoại trừ những rủi ro mang tính chủ quan của người được bảo hiểm và các hành vi trục lợi bảo hiểm).

Chẳng hạn, về bảo hiểm thân tàu, sẽ bảo hiểm cho mọi rủi ro có thể gặp phải, trong khi tỷ lệ phí bảo hiểm thân tàu trung bình là 1,165% - thấp hơn mức phí DNBH hiện đang áp dụng; hay DNBH nhận bảo hiểm tai nạn thuyền viên trên cơ cở danh sách khai báo của chủ tàu về số lượng thuyền viên thực tế, được xác nhận bởi UBND cấp xã, mà không cần phải liệt kê cụ thể tên của từng thuyền viên.

“Mức phí bảo hiểm được ấn định 300.000 đồng/người/lần, nhưng mức trách nhiệm bảo hiểm lên tới 70 triệu đồng/người/vụ tai nạn, tức gấp hơn 230 lần mức phí bảo hiểm”, ông Hưng cho biết.       

Với tư cách là đơn vị được giao hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng liên quan có hướng dẫn cụ thể, để các DNBH cũng như ngư dân có thể hiểu rõ về chính sách. Trong trường hợp có những khó khăn, vướng mắc không thể áp dụng được vào thực tế, Bộ sẽ kiến nghị sửa đổi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngư dân yên tâm ra khơi.

Tin bài liên quan