Bảo hiểm liên quan tới nồng độ cồn, cần sự thống nhất

Bảo hiểm liên quan tới nồng độ cồn, cần sự thống nhất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những tranh chấp liên quan tới sự kiện bảo hiểm khi có nồng độ cồn trong máu vẫn liên tục xảy ra, bởi ngay trong khối doanh nghiệp bảo hiểm, quy định và cách vận dụng điều khoản loại trừ về tình huống này khác nhau.

Thêm vụ tranh chấp

Mới đây, Tòa án Nhân dân quận 1, TP.HCM đã tuyên bố không có cơ sở để Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam phải trả gần 2,2 tỷ đồng tiền bảo hiểm trong vụ kiện do bà Nguyễn Thị K.A. (sinh 1968) làm nguyên đơn.

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 23/11/2021, bà K.A. mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ “Đón đầu thay đổi” của Công ty Bảo hiểm FWD Việt Nam; trong đó, sản phẩm chính có mệnh giá 1,8 tỷ đồng, sản phẩm phụ là tử vong do tai nạn có mệnh giá 400 triệu đồng. Người được bảo hiểm là anh Phạm Trọng B. (sinh năm 1988, con ruột bà K.A.), với mức phí bảo hiểm là 32.449.000 đồng/năm.

Ngày 9/3/2022, anh B. bị tai nạn giao thông và qua đời. Ngày 27/4/2022, bà K.A. gửi hồ sơ yêu cầu Công ty FWD giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho anh B. nhưng bị Công ty từ chối. Ngày 26/8/2022, bà A. lại gửi đơn khiếu nại lên FWD Việt Nam thì được Công ty trả lời qua email ngày 13/9/2022 với nội dung tương tự email ngày 11/8/2022. Theo đó, người được bảo hiểm là ông B. đã điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi trong máu có nồng độ cồn là hành vi cố ý vi phạm pháp luật nên không được chi trả bảo hiểm.

Ngày 15/8/2022, Công ty chuyển vào tài khoản của khách hàng số tiền đã đóng phí bảo hiểm là 32.449.000 đồng. Bị từ chối bồi thường, ngày 5/10/2022, bà A. đã khởi kiện Công ty Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam ra tòa, yêu cầu công ty này phải chi trả đầy đủ quyền lợi bảo hiểm với tổng số tiền còn thiếu là 2.167.551.000 đồng.

Sau bản án sơ thẩm tuyên không có cơ sở đòi bồi thường, bà K.A cho biết sẽ kháng cáo, tiếp tục khởi kiện ở cấp phúc thẩm.

Nơi từ chối bồi thường, nơi không

Cùng một khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm tương đồng về điều khoản nhưng mỗi công ty bảo hiểm chi trả một kiểu. Bị từ chối ở công ty A nhưng vẫn có thể được chi trả ở công ty B, bởi công ty B không coi đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Trưởng văn phòng luật sư Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM

Câu chuyện của khách hàng K.A trên đây chỉ là một trong rất nhiều tình huống tranh chấp giữa khách hàng và công ty bảo hiểm liên quan tới việc tai nạn xảy ra khi trong máu/hơi thở có nồng độ cồn. Và không chỉ với người mua bảo hiểm nhân thọ như trường hợp kể trên, nhiều người mua bảo hiểm xe ô tô, bảo hiểm tai nạn con người cũng bị nhà bảo hiểm từ chối bồi thường, với lý do người được bảo hiểm đã vi phạm pháp luật.

Thậm chí, trong nhiều trường hợp, kết quả xét nghiệm máu của bệnh viện cho thấy, người được bảo hiểm có nồng độ cồn sinh lý rất nhỏ do cơ địa hoặc thức ăn sinh ra, dưới ngưỡng bình thường theo quy định của Bộ Y tế.

Điều khoản của hợp đồng bảo hiểm của cả khối bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ thường quy định: “Nhà bảo hiểm sẽ không chi trả quyền lợi bảo vệ nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra khi người được bảo hiểm có hành vi cố ý vi phạm pháp luật”.

Trong khi đó, Điều 8, Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dụng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”. Còn Điều 35, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sửa đổi, bổ sung khoản 8, Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ thì nghiêm cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Quy tắc bảo hiểm của một số công ty bảo hiểm cũng có điều khoản loại trừ trường hợp người được bảo hiểm điều khiển xe cơ giới mà trong máu có nồng độ cồn; song có công ty ghi là “sử dụng rượu bia vượt quá mức quy định của pháp luật”.

Bác sỹ Nguyễn Thị Quỳnh Mai, chuyên gia thẩm định bảo hiểm nhân thọ cho biết, sau khi nghiên cứu điều khoản loại trừ trong sản phẩm chính của 15 công ty bảo hiểm nhân thọ trên thị trường, bà nhận thấy có 4 công ty loại trừ bảo hiểm đối với hành vi cố ý vi phạm pháp luật trong sản phẩm chính, gồm FWD, BVL, MBA, PHL. Song có 11 công ty vẫn chi trả cho người được bảo hiểm đã khuất, gồm Prudential, Manulife, Daiichi, Generali, Sunlife, Maplife, Hanwha, BIDV MetLife, Cathay, Chubb, AIA.

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cùng một khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm tương đồng về điều khoản nhưng mỗi công ty bảo hiểm chi trả một kiểu, bị từ chối ở công ty A nhưng có thể được chi trả ở công ty B, bởi công ty B không coi đó là hành vi vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, trong điều khoản loại trừ của Prudential nêu “nếu tham gia vào các hành vi phạm tội theo kết luận của cơ quan điều tra là không được chi trả”, nhưng do kết luận của cơ quan điều tra không phải hành vi phạm tội nên khách hàng vẫn được Prudential chi trả bảo hiểm.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, nhà bảo hiểm cần phân biệt rõ việc cố ý lái xe khi đã uống rượu bia với cố ý vi phạm pháp luật để tự gây ra cái chết cho bản thân, đưa ra bằng chứng chứng minh người được bảo hiểm cố ý vi phạm pháp luật giao thông và cố ý tự gây ra cái chết cho chính mình, chứ không nên nhầm lẫn, áp đặt, để sau đó đưa ra các quyết định chi trả bồi thường không thỏa đáng, gây thiệt thòi cho khách hàng.

“Theo quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, khi xét nghiệm mà có kết quả nồng độ cồn trong máu dưới 10,9 mmol/L (tương đương 50,23 mg/dl hoặc 0.5023 mg/ml) thì được coi là không có”, ông Tuấn nêu vấn đề.

Còn bà Mai thì cho rằng, doanh nghiệp bảo hiểm cần phân biệt rõ đâu là hành vi cố ý, đâu là hành vi vô ý gây tai nạn. Trong các điều khoản loại trừ ngay từ khi giao kết hợp đồng bảo hiểm với khách hàng không được đưa ra những quy định mơ hồ, cần sớm loại bỏ các câu tối nghĩa khỏi hợp đồng bảo hiểm. Còn nếu đã lỡ thiết lập những điều khoản mơ hồ thì công ty bảo hiểm phải có trách nhiệm giải quyết theo hướng có lợi cho khách hàng.

Tin bài liên quan