Bảo hiểm liên kết đầu tư: Liệu có thành công?

(ĐTCK-online)Bảo hiểm liên kết đầu tư đã được nhắc tới tại Việt Nam cách đây 4 năm, đây cũng là thời điểm mà cơ quan quản lý nghiên cứu và cân nhắc việc áp dụng tại Việt Nam. Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính, dự thảo Thông tư hướng dẫn triển khai sản phẩm này đến nay cơ bản đã hoàn tất, đang lấy ý kiến các DN trước khi ban hành. Mặc dù vậy, theo ghi nhận sơ bộ của ĐTCK, thì khả năng nhiều DN vẫn chưa sẵn sàng cho việc ra đời của sản phẩm này.

Như ĐTCK đã từng đề cập trước đây, bảo hiểm liên kết đầu tư là một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ (BHNT) không chia lãi, có sự tách biệt trong cơ cấu phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm bao gồm: phần dành cho bảo hiểm (tử vong, thương tật toàn bộ…) và phần còn lại cho hoạt động đầu tư. Hoạt động đầu tư được tiến hành thông qua các quỹ đầu tư.

Một điều khác biệt đối với dòng bảo hiểm này so với các loại BHNT truyền thống là khách hàng có quyền bán lại hợp đồng cho nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm trong trường hợp này không được quyền từ chối việc mua lại hợp đồng của khách hàng.

Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam , sự ra đời của sản phẩm này sẽ đánh dấu một bước phát triển mới của thị trường BHNT. “Khi mua bảo hiểm, khách hàng sẽ được cung cấp một danh mục các quỹ đầu tư để lựa chọn phù hợp với mức độ chấp nhận rủi ro của họ. Như vậy, giá trị của hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư thường xuyên thay đổi phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của quỹ đầu tư được lựa chọn”, ông Lộc nói.

Do vậy, khác với sản phẩm BHNT truyền thống, bên mua bảo hiểm không thể chắc chắn về khoản thu nhập trong tương lai. Cũng theo ông Lộc, tiềm năng phát triển của sản phẩm này là rất lớn, có thể chiếm tới 70-80% doanh thu của ngành BHNT.

Hiện đang là thời điểm thích hợp để đưa ra sản phẩm này khi TTCK Việt Nam đang đi vào quỹ đạo ổn định sau quãng thời gian phát triển quá nóng.

Về bản chất, bảo hiểm liên kết đầu tư có quan hệ rất chặt chẽ với sự phát triển của TTCK, ví dụ như tại Anh, sau sự sụp đổ của TTCK năm 1987, phải mất 6 năm doanh thu khai thác mới của các hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư mới đạt được mức của năm 1987.

Mặc dù vậy, theo ông Takashi Fujii, Tổng giám đốc Hãng BHNT Dai-ichi Việt Nam, ở thời điểm hiện nay, thị trường đầu tư, nguồn nhân lực và chế tài của Việt Nam vẫn chưa thật sẵn sàng cho sự ra đời của sản phẩm này.

Cũng theo ông Fujii, nhận thức của người dân Việt Nam về BHNT đã có chuyển biến tích cực nhưng đa số vẫn chưa hoàn toàn hiểu thấu đáo về nó. Bên cạnh đó, sự hạn chế về trình độ và đạo đức của một số đại lý bảo hiểm đã ít nhiều không giúp được khách hàng hiểu đúng về sản phẩm mà mình tham gia.

TTCK Việt Nam phát triển chưa ổn định và tính thanh khoản còn thấp. Khi thấy thị trường có dấu hiệu đi xuống, khách hàng bảo hiểm liên kết đầu tư sẽ muốn bán lại các hợp đồng của mình cho công ty để giảm thiểu lỗ. Khi đó, việc các công ty BHNT sẽ phải thay mặt khách hàng bán lại các tài sản đầu tư ra thị trường để có tiền mặt trả lại cho khách hàng sẽ rất khó khăn vì tính thanh khoản thấp của thị trường.

Một lãnh đạo của Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) cũng nhận định, hiện nay các nhà đầu tư Việt Nam vẫn thiên về đầu tư tự phát, hình thức đầu tư thông qua các quỹ vẫn chưa phổ biến, do vậy sẽ mất nhiều thời gian để phát triển bảo hiểm liên kết đầu tư.

Điều quan trọng hiện nay, theo ông Fujii, Bộ Tài chính và Hiệp hội Bảo hiểm cần có chương trình huấn luyện và cấp bằng bắt buộc áp dụng chung cho tất cả công ty BHNT để đảm bảo rằng, chỉ có những đại lý bảo hiểm/tư vấn tài chính có hiểu biết đầy đủ và trình độ phù hợp mới được tham gia tư vấn sản phẩm mới này.

 “Các cơ quan quản lý cần có chế tài phù hợp, cụ thể và nghiêm khắc để ngăn ngừa và xử lý thích đáng những trường hợp vi phạm. Nếu khách hàng đánh mất niềm tin với đại lý BHNT và công ty BHNT chỉ vì sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư thì nguy cơ khách hàng đánh mất niềm tin với BHNT nói chung là rất lớn”, ông Fujii nói.