Bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 71,6% doanh thu phí khai thác mới

Bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 71,6% doanh thu phí khai thác mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh thu phí khai thác mới của dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư tiếp tục giữ vị trí áp đảo so với các sản phẩm khác.

Thống kê của Cục quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ tài chính cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2020 (chưa có số thống kê 6 tháng), nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 71,6% doanh thu phí khai thác mới.

Trong khi đó, sản phẩm đã một thời chiếm thứ hạng doanh thu khai thác mới rất cao là bảo hiểm hỗn hợp lùi về vị trí thứ 2, chiếm tỷ trọng 9,6%; bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 3%; các nghiệp vụ chính còn lại (bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe (sản phẩm chính)) chiếm tỷ trọng 2,5%.

Doanh thu phí bảo hiểm bổ trợ chiếm tỷ trọng 13,3%. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu khai thác mới của nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư tăng 23,4%, nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp giảm 27,7%, nghiệp vụ bảo hiểm tử kỳ tăng 17,7%.

Về số lượng hợp đồng khai thác mới 3 tháng đầu năm 2020 đạt 706.730 hợp đồng, dẫn đầu là nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư với 367.912 hợp đồng bảo hiểm cá nhân và thành viên trong nhóm (chiếm tỷ trọng 52,1%, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2019).

Tiếp theo là nghiệp vụ bảo hiểm tử kỳ với 265.917 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 37,6%), tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2019, nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp là 58.327 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 8,3%), giảm 25,7% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng hợp đồng khai thác mới các nghiệp vụ chính còn lại chiếm tỷ trọng 2,1%, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Xu hướng tăng trưởng áp đảo của dòng sản phẩm này không nằm ngoài dự đoán của các công ty bảo hiểm nhân thọ bởi việc bãi bỏ điều kiện về kinh nghiệm bán bảo hiểm là điều kiện rất tốt để các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư trong suốt thời gian qua.

Cụ thể, theo quy định trước đây, các đại lý bảo hiểm muốn bán các sản phẩm liên kết đầu tư phải đáp ứng các điều kiện như: phải có ít nhất một năm kinh nghiệm hoạt động đại lý bảo hiểm liên tục; có ít nhất sáu tháng kinh nghiệm làm việc liên tục trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và có chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp…

Hiện nay, sau một số lần sửa đổi, một số quy định về điều kiện khắt khe đối với đại lý bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đã được bãi bỏ.

Cụ thể, tại điều 11, Nghị định 151/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc quản lý nhà nước của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 7/11/2018 đã bãi bỏ một số điểm của điều 86, Nghị định số 73/2016/NĐ-CP, theo đó, Đại lý bán bảo hiểm liên kết đầu tư (liên kết đơn vị, liên kết chung) chỉ cần được doanh nghiệp bảo hiểm đào tạo và chứng nhận hoàn thành khóa học về sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư là có thể bán các sản phẩm này…

Không chỉ tăng trưởng về tỷ trọng, theo thống kê của Cục quản lý giám sát bảo hiểm, 3 tháng đầu năm 2020, tính doanh thu phí theo từng nghiệp vụ thì nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất với 58,7%, tiếp theo là nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp 28,4%. Doanh thu phí bảo hiểm bổ trợ đóng góp 10,1% tổng doanh thu phí toàn thị trường.

Tin bài liên quan