Số lượng hợp đồng bảo hiểm liên kết chung được ký kết ngày một nhiều, nhưng tranh chấp cũng gia tăng

Số lượng hợp đồng bảo hiểm liên kết chung được ký kết ngày một nhiều, nhưng tranh chấp cũng gia tăng

Bảo hiểm liên kết chung bán chạy kéo theo tranh chấp gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair cho rằng, một số doanh nghiệp bảo hiểm đã chiếm đoạt tiền đầu tư của người tham gia bảo hiểm trong các tranh chấp mang tên “kê khai” khi mua hợp đồng bảo hiểm liên kết chung.

Nhiều khách hàng bị doanh nghiệp bảo hiểm từ chối trả tiền bảo hiểm, bị huỷ hợp đồng với lý do kê khai không trung thực khi mua bảo hiểm. Ông có nhận xét gì về tình trạng này?

Ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair
Ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair

Trong những năm qua, liên tiếp xảy ra nhiều trường hợp khách hàng bị từ chối trả tiền bảo hiểm, bị huỷ hợp đồng khi tham gia bảo hiểm nhân thọ nói riêng, bảo hiểm liên kết chung nói chung. Nguyên nhân là khi xảy ra sự kiện bảo hiểm (hoặc khi kiểm tra hợp đồng bảo hiểm), công ty bảo hiểm nhân thọ mới phát hiện ra bên mua bảo hiểm kê khai không trung thực các câu hỏi trong bảng câu hỏi khi tham gia bảo hiểm, chủ yếu là kê khai sai các câu hỏi về tình trạng sức khỏe.

Số lượng hợp đồng bảo hiểm liên kết chung được ký kết ngày một nhiều, đứng số 1 toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ về doanh thu, tỷ trọng chiếm tới hơn 50% (tính đến hết tháng 9/2022), tỷ lệ thuận với sự phát triển này là những tiềm ẩn về rủi ro, tranh chấp. Ba ca tranh chấp mà chúng tôi được tiếp cận, được đề nghị hỗ trợ pháp lý mới đây đều là hợp đồng bảo hiểm liên kết chung.

Ông có thể chia sẻ cụ thể 3 trường hợp tranh chấp đó?

Liên tiếp xảy ra các vụ việc khách hàng bị từ chối trả tiền bảo hiểm, bị huỷ hợp đồng khi tham gia bảo hiểm nhân thọ nói riêng, bảo hiểm liên kết chung nói chung.

Trường hợp thứ nhất là một khách hàng nam ở Hải Phòng mua bảo hiểm nhân thọ của công ty bảo hiểm Ch. Khi bán bảo hiểm, đại lý của Ch. chỉ để khách hàng ký vào bảng kê khai và giấy yêu cầu bảo hiểm, còn lại tự tay mình kê khai vào giấy yêu cầu bảo hiểm, tích “không” vào tất cả các câu hỏi về tình trạng sức khoẻ, trong khi thực tế khách hàng có một số bệnh được liệt kê trong bảng câu hỏi. Khi khách hàng nằm viện, gửi hồ sơ yêu cầu quyền lợi bảo hiểm, công ty Ch. kiểm tra phát hiện trong bảng kê khai của khách hàng không đúng nên đã từ chối trả quyền lợi bảo hiểm nằm viện, đồng thời hủy hợp đồng bảo hiểm và không hoàn trả đầy đủ khoản tiền mà khách hàng đã đóng trong 2 năm với số tiền 47,35 triệu đồng. Sau đó, khách hàng khiếu nại, hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình giải quyết.

Trường hợp thứ hai, một khách hàng nam ở Hà Nội cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Sau 3 năm đóng phí, phát hiện ra đại lý đã kê khai không đúng thông tin về tình trạng sức khoẻ của mình nên khách hàng đã chủ động thông báo cho công ty bảo hiểm Ch. Đáp lại thiện chí và sự trung thực của khách hàng, công ty bảo hiểm lập tức thông báo chấm dứt hợp đồng, nhưng không trả toàn bộ số tiền mà khách hàng đã đóng là 73,5 triệu đồng.

Trường hợp thứ ba, một khách hàng của công ty bảo hiểm H. bị công ty chấm dứt hợp đồng và không trả lại 39 triệu đồng phí bảo hiểm đã đóng. Khách hàng này cho biết, đại lý tự ý kê khai sai thông tin sức khoẻ của anh. Sau khi khiếu nại, công ty H. đã xác minh và trả lại toàn bộ số tiền mà anh đã đóng.

Trên đây chỉ là 3 trường hợp điển hình gần đây trong nhiều ca tranh chấp trên thị trường bảo hiểm nhân thọ thời gian qua. Sau khi phát hiện khách hàng không kê khai đúng theo quy định, dẫn đến buộc chấm dứt hợp đồng, một số doanh nghiệp bảo hiểm chỉ trả lại tiền phí bảo hiểm, mà không trả tiền đầu tư cho khách hàng. Tôi cho rằng, đây là điểm bất thường, doanh nghiệp bảo hiểm đã chiếm đoạt tiền đầu tư của người tham gia bảo hiểm.

Nhu cầu vừa được bảo vệ, vừa có thể tìm kiếm lợi nhuận của khách hàng bảo hiểm ngày càng cao

Nhu cầu vừa được bảo vệ, vừa có thể tìm kiếm lợi nhuận của khách hàng bảo hiểm ngày càng cao

Vì sao ông cho đây là sự chiếm đoạt? Chiếm đoạt xảy đến với loại hợp đồng bảo hiểm nào? Và theo ông, lẽ ra phải như thế nào?

Sự chiếm đoạt này diễn ra phổ biến tại hợp đồng bảo hiểm liên kết chung. Thực tế lâu nay, khi tham gia hợp đồng bảo hiểm đầu tư, số tiền khách hàng nộp định kỳ cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gồm 2 phần, đó là phí bảo hiểm (để chi trả cho các rủi ro được bảo hiểm) và số tiền đầu tư (là số tiền khách hàng giao cho công ty bảo hiểm đầu tư để cùng chia lãi).

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Thông tư 52/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, “cơ cấu phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm được tách bạch giữa phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư, bên mua bảo hiểm được linh hoạt trong việc xác định phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm”.

Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 2, Điều 19, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm có một trong những hành vi sau đây: Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường; không thực hiện các nghĩa vụ trong việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 18 của Luật này.

Căn cứ vào Điều 19 kể trên, có thể hiểu rằng, nếu người tham gia bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin thì doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được phép thu phí bảo hiểm, không được phép chiếm đoạt khoản tiền phân bổ vào quỹ đầu tư của khách hàng. Như vậy, hành vi không hoàn trả toàn bộ số tiền khách hàng đã đóng là hành vi chiếm đoạt trái pháp luật khoản tiền khách hàng gửi công ty bảo hiểm để cùng đầu tư.

Đó là ông đang đứng ở vị trí người bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm. Nếu nhìn từ góc nhìn của bên bán bảo hiểm, ông thấy sao?

Đa số quy trình ký hợp đồng bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm có vấn đề, vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin cho bên mua bảo hiểm.

Cũng có trường hợp bên bán bảo hiểm tuân thủ các quy định về cung cấp thông tin, về các nghĩa vụ như giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm; cấp cho bên mua bảo hiểm giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm ngay sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm (theo Điều 17, Luật Kinh doanh bảo hiểm). Tuy nhiên, các trường hợp này không nhiều, đa số là không tuân thủ đầy đủ các quy định.

Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định rõ ràng nghĩa vụ cung cấp thông tin của cả phía bên mua bảo hiểm và bên bán là doanh nghiệp bảo hiểm theo cơ chế “win - win”. Trong khi yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ thông tin, nhưng bên cạnh số ít bên bán bảo hiểm tuân thủ tốt thì đa số đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là đại lý bảo hiểm lại “quên” nghĩa vụ cung cấp thông tin theo quy định của luật. Hóa ra, không chỉ có bên mua bảo hiểm cung cấp thông tin sai sự thật, mà bên bán bảo hiểm cũng vậy.

Theo Điều 19, Luật Kinh doanh bảo hiểm, khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm; bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm. Các bên chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đó. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm giữ bí mật về thông tin do bên mua bảo hiểm cung cấp. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm do việc cung cấp thông tin sai sự thật.

Thực tế ghi nhận từ các vụ tranh chấp trên toàn thị trường cũng như từ các vụ tranh chấp do chúng tôi tham gia bảo vệ quyền lợi, đa số quy trình ký hợp đồng bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm đang có vấn đề, vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin cho bên mua bảo hiểm, có thể nói là doanh nghiệp bảo hiểm không trung thực với khách hàng ngay từ đầu. Việc khách hàng kê khai không đúng sự thật (dù vô tình hay cố ý) là hậu quả từ sự thiếu trung thực của doanh nghiệp bảo hiểm.

Từ đây đặt ra vấn đề liệu công ty bảo hiểm nhân thọ có chiếm đoạt tài sản của khách hàng khi dừng hợp đồng và không hoàn trả phí? Câu trả lời là nếu công ty bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin và giải thích điều khoản (không trung thực) sẽ phải đền bù thiệt hại cho bên mua bảo hiểm theo quy định tại Điều 19, Luật Kinh doanh bảo hiểm. Trong trường hợp dừng hợp đồng, ít nhất công ty bảo hiểm nhân thọ phải hoàn trả lại toàn bộ số phí bảo hiểm đã thu của khách hàng.

Trường hợp công ty bảo hiểm nhân thọ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cung cấp thông tin và giải thích điều khoản, chứng minh được khách hàng cố tình kê khai sai các thông tin trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng và không hoàn trả phí bảo hiểm là trái pháp luật và đó cũng có thể coi là hành vi chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Như vậy, nếu bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin thì doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được phép thu phí bảo hiểm, không được phép chiếm đoạt khoản tiền phân bổ vào quỹ đầu tư của khách hàng. Ngay cả với 2 trường hợp bên bán bảo hiểm tuân thủ hay không tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ cung cấp thông tin và giải thích điều khoản, nếu dừng hợp đồng thì bên bán bảo hiểm vẫn phải hoàn trả lại toàn bộ số phí bảo hiểm đã thu của khách hàng. Nghĩa là, trong mọi trường hợp, kể cả khách hàng có sai phạm trong kê khai thông tin thì đều không được phép giữ lại tiền đầu tư của khách hàng. Có điều, nếu bên mua vi phạm thì sẽ được bên bán hoàn phí sau khi trừ đi chi phí nếu có (hoàn khoản phí không đầy đủ), nếu bên bán vi phạm thì bên mua được hoàn lại phí đầy đủ (theo Điều 22, Luật Kinh doanh bảo hiểm).

Ông cho rằng, đa số quy trình ký hợp đồng bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm đang có vấn đề, cụ thể là gì?

Quy trình ký hợp đồng bảo hiểm khá phổ biến gần đây đó là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, đại lý không cung cấp điều khoản bảo hiểm cho khách hàng đọc trong giai đoạn đầu của quá trình tư vấn và ký hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, chỉ mải mê tư vấn trên bảng minh họa quyền lợi. Trong khi đó, quy định về rủi ro được bảo hiểm, loại trừ bảo hiểm, nghĩa vụ của bên mua và các hình thức chế tài đối với bên mua nằm trong bộ điều khoản và bộ điều khoản này chỉ được giao cho khách hàng sau khi khách hàng đã ký hợp đồng, đóng phí.

Một số công ty bảo hiểm bao biện rằng, khách hàng có 21 ngày cân nhắc để đọc kỹ các điều khoản của hợp đồng mà không có ý kiến gì về hợp đồng được coi như đồng ý về các điều khoản hợp đồng, như vậy là trái với quy định tại Điều 17 và Điều 19, Luật Kinh doanh bảo hiểm. Đây là “quyền”, không phải “nghĩa vụ” của bên mua bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm và Luật Kinh doanh bảo hiểm không có bất kỳ quy định nào yêu cầu khách hàng phải thực hiện quyền của mình, cũng như quy định khách hàng không thực hiện quyền của mình có thể miễn trách nhiệm cho các vi phạm của doanh nghiệp bảo hiểm.

Rõ ràng, quy trình ký hợp đồng bảo hiểm của một số công ty bảo hiểm nhân thọ đang vi phạm pháp luật kinh doanh bảo hiểm.

Theo ông, người mua bảo hiểm cần làm gì khi bị thiệt hại?

Trường hợp bị thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm đơn phương chấm dứt hợp đồng và không hoàn trả số phí đã đóng, người mua bảo hiểm có thể gửi văn bản khiếu nại theo các lập luận trên, chứng minh việc công ty và đại lý bảo hiểm vi phạm Luật Kinh doanh bảo hiểm gửi tới công ty bảo hiểm yêu cầu hoàn trả tiền; gửi đơn tố cáo tới Bộ Tài chính; khởi kiện ra tòa án; thậm chí gửi đơn tố giác tội phạm đối với tổng giám đốc công ty bảo hiểm và cá nhân đại lý tới Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an.

Tin bài liên quan