Thực tế đã có nhiều kênh phân phối được các công ty đẩy mạnh trong thời gian qua như văn phòng tổng đại lý (GA) - đây từng được coi là kênh phân phối bảo hiểm được ưa thích của một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vì mang lại doanh thu nhanh và lớn với chi phí vừa phải. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng tư vấn cũng như các hoạt động của GA cũng còn nhiều vấn đề… Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn tỏ ra khá thận trọng, thậm chí là nói không với kênh phân phối này.
Ngoài đại lý/tư vấn bảo hiểm và GA, một kênh phân phối khác được hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm (cả nhân thọ và phi nhân thọ) đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh đó là liên kết với ngân hàng (bancassurance).
Doanh thu phí bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ qua kênh này trong những năm qua liên tục tăng mạnh. Theo các chuyên gia trong ngành, đây là thời điểm thuận lợi để các công ty bảo hiểm “bắt tay” với ngân hàng, bởi ngoài tín dụng, ngân hàng đã chú trọng đầu tư phát triển các dịch vụ khác như bán bảo hiểm - một nguồn thu bổ sung bền vững và an toàn. Hơn nữa, giao dịch qua ngân hàng cũng đang ngày càng phổ cập hơn…, nhưng quan trọng hơn cả là khung pháp lý cho kênh phân phối này hoạt động hiệu quả và bền vững đã chính thức được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính ban hành.
Mặc dù vậy, nếu so với các thị trường trong khu vực, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance trên toàn thị trường nhân thọ tại Việt Nam vẫn còn ở mức khá khiêm tốn (tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm từ kênh bancassurance tại một số thị trường như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore… thấp nhất cũng trên 30%/tổng doanh thu phí bảo hiểm, ở Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm mới từ kênh này hiện chưa tới 10%). Một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có doanh thu kênh này đóng góp vào tổng doanh thu phí bảo hiểm chung đã lên hơn 10%. Với những doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang đẩy mạnh bancassurance, tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn đạt trên 100% đến hơn 200%.
Những công ty bảo hiểm đang phát triển mạnh kênh phân phối này tại thị trường Việt Nam phải kể đến như Prudential, Manulife Việt Nam, Prevoir, VCLI, Vietin-Aviva… Một số công ty bảo hiểm khác như Dai-ichi Life Việt Nam, ACE Life, AIA Việt Nam, Great Eastern, Hanwha Life… cũng đã “bắt tay” với khá nhiều ngân hàng để hợp tác bán sản phẩm của mình.
Không thể phủ nhận việc phát triển Bancassurance đang là một trong những chiến lược quan trọng của nhiều công ty bảo hiểm cả nhân thọ và phi nhân thọ hiện nay. Bởi, nhìn ra các thị trường khác, bancassurance đang là một trong những kênh phát triển nhanh nhất và là kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm hàng đầu tại hầu hết các thị trường châu Á. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Chia sẻ tại lễ ký kết hợp tác với Ngân hàng MHB mới đây, ông Jude Gomes, Giám đốc bộ phận dịch vụ bảo hiểm qua kênh hợp tác ngân hàng Công ty Bảo hiểm Manulife Việt Nam cho rằng, sự liên kết này sẽ góp phần giúp Manulife đáp ứng đúng nhu cầu phân khúc khách hàng của ngân hàng. Và ngân hàng cũng trở thành một siêu thị tài chính, một cửa cung cấp hầu hết các giải pháp tài chính, đầu tư và giải pháp bảo vệ của bảo hiểm…
Tất nhiên, để đi đến được kết quả tốt đẹp như vậy còn cả một chặng đường dài và cần có sự nỗ lực từ cả hai phía. Tại thị trường Việt Nam, thách thức đối với kênh bancassurance còn non trẻ là sự cạnh tranh bắt đầu gay gắt giữa các công ty bảo hiểm, nhất là khi một ngân hàng hợp tác bán sản phẩm của các công ty bảo hiểm nhân thọ khác nhau, có thể có sự cạnh tranh không lành mạnh. Chính vì vậy, với những công ty bảo hiểm nhân thọ coi bancassurance là mục tiêu chiến lược, việc đẩy mạnh kênh phân phối này được thực hiện hết sức thận trọng. Ngoài việc đẩy mạnh hợp tác độc quyền dài hạn với các ngân hàng, các công ty bảo hiểm này còn đang có kế hoạch phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm dành riêng cho đối tượng khách hàng của các ngân hàng mà họ đang hợp tác.
“Chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ sớm đưa ra thị trường những sản phẩm bảo hiểm thực sự phù hợp với những khách hàng của các nhà băng”, đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ chia sẻ.