Bảo hiểm “kêu khó” về chính sách thuế

Bảo hiểm “kêu khó” về chính sách thuế

(ĐTCK) Dù đã có nhiều thay đổi, nhưng những quy định về mức thuế đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập tính thuế trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân được một số doanh nghiệp bảo hiểm nhận định là vẫn chưa đủ để thực sự hấp dẫn người mua.

Bảo hiểm “kêu khó” về chính sách thuế  ảnh 1Người lao động rất muốn được DN mua bảo hiểm, nhưng còn băn khoăn về việc phải nộp thuế TNCN

 

Theo dự thảo mới nhất của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, các thu nhập được miễn thuế bao gồm: thu nhập từ lãi tiền gửi tại ngân hàng, tổ chức tín dụng; thu nhập từ lãi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; và thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ, tiền bồi thường tai nạn lao động, các khoản bồi thường nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định của pháp luật.

Về mức đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện, sau nhiều lần bàn thảo, được trừ ra khỏi thu nhập tính thuế tối đa không quá một triệu đồng/tháng (12 triệu đồng/năm). Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, các doanh nghiệp cho rằng, mức trừ này không hấp dẫn, đặc biệt đối với những người có thu nhập cao. Chính vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm e ngại mức ưu đãi thuế này không đủ để hấp dẫn người dân tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện.

Thực tế, không chỉ bảo hiểm hưu trí tự nguyện cần có những ưu đãi về thuế để phát triển trong giai đoạn đầu, các loại hình bảo hiểm khác như bảo hiểm nhóm, bảo hiểm sức khỏe cũng cần có chính sách thuế hợp lý.

Khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động và gặp gỡ người lao động được chủ sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam vừa tổ chức cho thấy, cả người sử dụng lao động và người lao động đều đón nhận tích cực việc mua bảo hiểm cho người lao động. 

Tuy nhiên, khi triển khai thì ngay bản thân người lao động được mua bảo hiểm lại cảm thấy không hài lòng và cho rằng, việc người lao động phải chịu thuế TNCN trên khoản phí bảo hiểm mà chủ sử dụng lao động đã đóng cho mình là không hợp lý, vì họ chưa nhận được lợi ích vật chất, chưa có thu nhập đã phải đóng thuế và thực chất làm giảm thu nhập của họ. Trong khi đó, doanh nghiệp sử dụng lao động cũng phản ánh, nếu người sử dụng lao động phải đóng thuế thay cho họ (khấu trừ tại nguồn) thì đã vô hiệu hóa chính sách an sinh xã hội của Nghị định 122 và không khuyến khích giới chủ mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, khuyến khích giới chủ mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã kiến nghị Bộ Tài chính xác định thời điểm chịu thuế TNCN đối với người lao động khi được chủ sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ là thời điểm được DNBH nhân thọ chi trả quyền lợi bảo hiểm cho họ. Đây chính là thời điểm họ nhận được lợi ích vật chất ngoài tiền lương, tiền thưởng phải chịu thuế TNCN.

Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính có chính sách ưu đãi đối với người lao động có thu nhập được giới chủ sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ khi mức phí bảo hiểm nhân thọ hàng tháng cộng với tiền lương của họ bằng hoặc thấp hơn mức chịu thuế TNCN. Ngoài ra, trong quá trình khảo sát, đoàn khảo sát Hiệp hội bảo hiểm cũng nhận thấy, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe (được quy định tại Luật sửa đổi bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm) là loại hình sản phẩm bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm bị thương tật, tai nạn, ốm đau, bệnh tật hoặc chăm sóc sức khỏe. Quyền lợi của sản phẩm này cũng tương tự như các quyền lợi bảo vệ trong bảo hiểm nhân thọ. Đối tượng kinh doanh sản phẩm này có thể là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hoặc doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe. Sản phẩm bảo hiểm sức khỏe có tác dụng tích cực đối với cả người lao động lẫn xã hội, gia tăng thêm quyền lợi cho người lao động nếu như chủ sử dụng lao động mua cho người lao động. Do đó, Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét bổ sung loại hình bảo hiểm này vào chi phí được khấu trừ thuế nếu chủ sử dụng lao động mua cho người lao động.