Bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại Việt Nam: Cơ hội hay chỉ là kỳ vọng?

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại Việt Nam: Cơ hội hay chỉ là kỳ vọng?

(ĐTCK) Hơn nửa năm sau khi “nổ phát pháo hiệu”, thị trường bảo hiểm hưu trí tự nguyện Việt Nam mới chỉ ghi nhận vài hợp đồng được chốt của “người trong nhà” và một số khách hàng doanh nghiệp đồng ý về mặt nguyên tắc.

Vẫn trong giai đoạn khởi động

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại Việt Nam bắt đầu hình thành từ cuối tháng 10/2013, khi doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tiên là Dai-ichi Life Việt Nam trình làng sản phẩm. Không lâu sau đó, Manulife, AIA Việt Nam và PVI Sunlife cũng công bố đưa sản phẩm bảo hiểm hưu trí ra thị trường. Từ khi sản phẩm đầu tiên được đưa ra thị trường đến nay mới chưa đầy một năm, khoảng thời gian khá ngắn để có thể đánh giá hiệu quả kinh doanh của sản phẩm bảo hiểm mới đưa ra thị trường.

Theo ông Stephen Clark, Tổng giám đốc AIA Việt Nam, ở Việt Nam, dựa trên thống kê việc làm gần đây, AIA Việt Nam đã nhận thấy, thị trường bảo hiểm hưu trí đầy triển vọng với hơn 3,5 triệu khách hàng tiềm năng. Cùng với sự hỗ trợ và ủng hộ từ phía Chính phủ, tình hình phát triển kinh tế được cải thiện và sự ổn định của các chỉ số kinh tế vĩ mô sẽ giúp củng cố niềm tin của khách hàng vào sản phẩm bảo hiểm hưu trí và hứa hẹn một sự khởi đầu tốt đẹp của sản phẩm này.

“Thị trường bảo hiểm hưu trí, dựa trên một dự đoán khiêm tốn, có lẽ sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 100% trong vòng 5 năm tới và phí bảo hiểm hàng năm có thể đạt tới 4.000 tỷ đồng vào năm 2018”, ông Stephen Clark nhận định.

Tất nhiên, đây là dự doán thị trường của thời tương lai trong 5 năm nữa, còn ngay trong năm 2014 này, bảo hiểm hưu trí tự nguyện vẫn chỉ được đánh giá là đang trong giai đoạn khởi động mà thôi. Đầu ra không dễ dàng, mức thuế khấu trừ cho khách hàng cá nhân (cá nhân được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế khoản đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện không quá 1 triệu đồng/tháng/người) không hấp dẫn, hoa hồng cho đại lý quá thấp là những nguyên nhân chính khiến sản phẩm này sau một thời gian tung ra thị trường vẫn hết sức mờ nhạt. Những khó khăn của doanh nghiệp đi trước và sự hờ hững của thị trường, khiến các doanh nghiệp được chọn mà chưa triển khai sản phẩm hưu trí tự nguyện ra thị trường liên tục lùi kế hoạch.

“Công ty dự tính quý IV/2014 sẽ triển khai sản phẩm này, nhưng có lẽ kế hoạch này sẽ có chút thay đổi”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chia sẻ với ĐTCK.

Trong khi đó, dù rất hào hứng với sản phẩm hưu trí tự nguyện, nhưng CEO một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác nói rằng, có thể trong tương lai, công ty ông sẽ tham gia triển khai sản phẩm, nhưng thời điểm này thì chưa thích hợp.

“Bảo hiểm hưu trí rất đặc thù, chứ không giống như những sản phẩm bảo hiểm khác đang triển khai trên thị trường, nên phải tính toán hết sức cẩn trọng, nếu không bàn thua sẽ nắm chắc trong tay”, vị CEO trên chia sẻ.

Chia sẻ về sự trầm lắng của thị trường bảo hiểm hưu trí tự nguyện Việt Nam sau gần một năm triển khai, ông Stephen Clark cho rằng, đây là thị trường mới, nên cần có thời gian. Năm 2011, bảo hiểm hưu trí cho người lao động ở hầu hết các nước châu Á chỉ đạt tỷ lệ dưới 40%, trong khi đó tỷ trọng quy mô tài sản hưu trí cá nhân của 9 nền kinh tế châu Á với hệ thống hưu trí tương đối phát triển chỉ chiếm 5,3% GDP, vô cùng thấp so với tỷ lệ trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) là 70%. Nếu Việt Nam đạt được tỷ trọng trung bình của 9 nước châu Á thì quy mô tài sản hưu trí sẽ lên tới 190.000 tỷ đồng.

“Dĩ nhiên, Việt Nam sẽ phải mất hơn một thập kỷ mới có thể đạt được con số đó”, ông Stephen Clark nhìn nhận.

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại Việt Nam: Cơ hội hay chỉ là kỳ vọng? ảnh 1

Khó khăn kinh tế là một trong những nguyên nhân khiến các DN chưa mặn mà với bảo hiểm hưu trí tự nguyện

Chưa thể tăng trưởng nhanh trong ngắn hạn

Dù khởi động khá chậm chạp, nhưng những bước tiến của thị trường bảo hiểm hưu trí tự nguyện có vẻ đang diễn biến theo đúng như chiến lược cơ quan quản lý thị trường này đề ra. Phát biểu tại một buổi hội thảo liên quan đến việc phát triển bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại thị trường Việt Nam, một quan chức Bộ Tài chính từng nói rằng, các nhà làm chính sách không kỳ vọng sản phẩm bảo hiểm hưu trí phát triển nhanh trong một thời gian ngắn, mà trong tầm nhìn 5 - 10 năm tới, sản phẩm này sẽ có ý nghĩa với nền kinh tế. Còn theo đại diện Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), mục đích của cơ quan quản lý đối với sản phẩm này là sự ổn định trong một thời gian dài, để tránh tiêu cực. Sau này, khi phát triển các sản phẩm khác, có thể sẽ có quy định mở, tùy vào sự phát triển của sản phẩm. Quan điểm “chậm mà chắc” của các nhà quản lý cũng có những lý lẽ riêng.

Tuy nhiên, với doanh nghiệp thì khác, sản phẩm đưa ra thị trường mà không có người mua thì là một sự thất bại.

Quay trở lại với việc triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện thời gian qua, những doanh nghiệp đã đưa sản phẩm này ra thị trường chia sẻ, sản phẩm bán rất chậm. Ghi nhận của ĐTCK cho thấy, ngoài một hai hợp đồng công ty bảo hiểm đã chào mời doanh nghiệp và được doanh nghiệp đồng ý về mặt nguyên tắc, thì thị trường này không có diễn biến gì mới. Đối với khách hàng cá nhân, cũng có nhiều hợp đồng được chốt, nhưng hầu hết là nhân viên công ty bảo hiểm mua.

Nhìn nhận về sự èo uột này, đại diện một công ty bảo hiểm đang cho bán sản phẩm này thừa nhận, đặc tính của sản phẩm không có nhiều điểm mới so với các sản phẩm liên kết chung hiện nay. Sản phẩm này có chi phí thấp hơn so với bảo hiểm liên kết chung, nhưng lại không linh hoạt bằng. Ngoài ra, sản phẩm được kỳ vọng sẽ có sự khác biệt nhờ chính sách ưu đãi về thuế, nhưng thực tế chính sách thuế để thu hút người lao động tham gia hưu trí tự nguyện trong giai đoạn đầu chưa hợp lý và cũng không có nhiều khác biệt so với các sản phẩm khác. Trong khi đó, trong tất cả các khuyến nghị để phát triển thị trường này, các chuyên gia quốc tế đều nói rằng, Việt Nam cần có các văn bản pháp luật tạo điều kiện tích lũy cho mục tiêu hưu trí, đồng thời có các ưu đãi về thuế, có lợi cho cả cá nhân và doanh nghiệp đầu tư trong giai đoạn đầu triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện, để đạt được sự tham gia đủ lớn.

Theo các chuyên gia, ở giai đoạn khởi động hệ thống, niềm tin vào hệ thống từ phía người lao động, xã hội là rất quan trọng. “Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, do tính chất tự nguyện của việc tham gia đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện, điều quan trọng là cần phải có các chính sách ưu đãi thuế phù hợp với các khoản đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. Mức độ tham gia càng cao thì sẽ càng tốt cho hưu trí trong tương lai”, giám đốc chiến lược hưu trí, bộ phận giải pháp doanh nghiệp của một tập đoàn bảo hiểm đến từ châu Á từng nhấn mạnh trong cuộc gặp với lãnh đạo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm và Bộ Tài chính.

Không nguôi hy vọng

Gần đây, những thông tin báo động về nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội và cơ quan chức năng có thể thay đổi cách tính lương hưu cho người lao động đã thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận. Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, hiện tại, Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần do mức đóng chưa tương xứng với mức hưởng, tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hàng năm có xu hướng tăng nhanh.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), với các chính sách hiện hành thì Quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 thu không đủ chi, để bảo đảm khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của Quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều lần so với số thu, nguy cơ vỡ quỹ sẽ trở thành thực tế.

Nguyên nhân chính của thực trạng trên là do nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội xảy ra còn khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ), làm ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động.

Những thông tin này càng làm tăng thêm hy vọng cho sự phát triển của mảng bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Lãnh đạo một công ty bảo hiểm nhân thọ phụ trách phát triển bảo hiểm hưu trí cho biết, sau hơn 5 tháng triển khai dòng sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện (chủ yếu là sản phẩm nhóm phân phối qua kênh môi giới bảo hiểm - broker), các công ty vẫn chưa đạt được doanh thu đáng kể, ngoại trừ một công ty triển khai cho các khách hàng trong ngành, nhưng các công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn kỳ vọng vào việc phát triển bảo hiểm hưu trí tự nguyện, vì đây là xu hướng tất yếu và hướng đi lâu dài.

Xét về mặt tiềm năng, bảo hiểm hưu trí vẫn là phân khúc hấp dẫn không chỉ với các công ty bảo hiểm nhân thọ mà cả các công ty quản lý quỹ. Lý do thị trường vẫn còn thiếu mặn mà với sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện có thể được hiểu là do sản phẩm này còn rất mới mẻ, nên cần thêm thời gian để các doanh nghiệp và cá nhân tìm hiểu về những lợi ích mà sản phẩm này mang lại. Ngoài ra, một số doanh nghiệp hiện nay đã lên ngân sách cho chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện và đang nghiên cứu, xem xét và so sánh nên tham gia với công ty bảo hiểm nào.

“Bảo hiểm hưu trí tự nguyện là một cam kết dài hạn, một khi đã tham gia thì việc đóng góp sẽ phải liên tục và quỹ này sẽ được duy trì với công ty bảo hiểm cho đến tuổi về hưu của từng thành viên trong doanh nghiệp. Vì thế, việc các doanh nghiệp có nhu cầu còn đang cân nhắc cũng là điều dễ hiểu”, vị đại diện trên cho biết.

Ngoài ra, chính sách thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp chưa mang tính khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện càng sớm càng tốt. Ngoài các doanh nghiệp đã có kế hoạch mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho nhân viên (đa số là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) thì việc triển khai bán đại trà cho doanh nghiệp trong nước thời điểm này còn gặp nhiều khó khăn, vì tình hình kinh doanh chưa thực sự khởi sắc sau thời kỳ suy thoái kinh tế.

“Chính vì thế, doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, chứ chưa có kế hoạch và chi phí dành cho bảo hiểm hưu trí tự nguyện”, vị đại diện trên nói. 

Dù đang gặp nhiều trở ngại trên con đường chinh phục phân khúc bảo hiểm mới mẻ này, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm đang triển khai sản phẩm này vẫn tin  rằng, không phải không có lối ra, nếu các cơ quan chức năng quyết tâm đồng hành tới cùng với các doanh nghiệp bảo hiểm.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Bảo hiểm Việt Nam 2014 với chủ đề "Chọn lối đi riêng", xuất bản ngày 30/5/2014 bởi Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư.

Trong thời gian tới, tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải các bài viết trong Đặc san. Bạn đọc có thể vui lòng theo dõi các bài viết tại đây.

Tin bài liên quan