Mặc dù doanh thu bảo hiểm nhóm của một số công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn tăng trưởng so với kế hoạch đề ra như Generali hay Dai-ichi Life Việt Nam, nhưng tính chung toàn thị trường, doanh thu bảo hiểm nhóm đang hụt hơi, nhất là bảo hiểm hưu trí.
Số liệu thống kê mới nhất của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy, số lượng hợp đồng khai thác mới 6 tháng đầu năm 2017 đạt 817.616 hợp đồng (sản phẩm chính), tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, có 816.915 hợp đồng cá nhân (tăng 26,6%) và 701 hợp đồng nhóm (giảm 84%) với chủ yếu là các sản phẩm bảo hiểm hưu trí.
Vì đang đuối dần đều nên cũng dễ hiểu vì sao trong cơ cấu số lượng hợp đồng theo sản phẩm chỉ có tên 3 sản phẩm được ưa chuộng và chiếm tỷ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (56,3%), sản phẩm bảo hiểm đầu tư (36%) và sản phẩm bảo hiểm tử kỳ (6%) mà không có bảo hiểm hưu trí tự nguyện.
Thực tế, doanh thu phí bảo hiểm nhóm hụt hơi một phần là do việc triển khai các sản phẩm bảo hiểm khác như tiết kiệm đầu tư, hưu trí không thuận lợi. Ngoài việc phát sinh thêm chí phí khiến doanh nghiệp không mặn mà mua thêm bảo hiểm cho nhân viên, việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm nhóm cũng bị ảnh hưởng bởi một số quy định về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp bảo hiểm thay đổi chiến lược kinh doanh là một nguyên nhân khiến doanh thu bảo hiểm nhóm của toàn thị trường không còn tăng trưởng mạnh như trước đây.
“Dù xác định bảo hiểm nhóm, đặc biệt là bảo hiểm hưu trí, tiếp tục là một trong những thế mạnh trong chiến lược phát triển sản phẩm tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, nhưng sau khi trở thành công ty 100% vốn nước ngoài, việc tiếp cận và triển khai bảo hiểm nhóm của chúng tôi sẽ có những bước đi mới”, đại diện của Sunlife Việt Nam cho hay.
Sunlife từng là doanh nghiệp có đóng góp nhiều nhất cho doanh thu bảo hiểm hưu trí của thị trường, với việc bán bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho các doanh nghiệp, chính vì thế sự thay đổi chiến lược của Sun Life cũng ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của phân khúc bảo hiểm hưu trí.
Không những thiếu lợi thế so với các sản phẩm bảo hiểm khác, bảo hiểm hưu trí tự nguyện còn có nguy bị cạnh tranh bởi bảo hiểm hưu trí tự nguyện bổ sung do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sắp triển khai.
“Không có nhiều ưu đãi về thuế để làm ‘bàn đạp’, các quy định quản lý bảo hiểm hưu trí tự nguyện còn phức tạp và có nhiều ràng buộc hơn so với việc theo dõi quản lý các hợp đồng bảo hiểm liên kết chung, chính vì vậy ngay bản thân doanh nghiệp cũng không mặn mà đẩy mạnh”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm thừa nhận.
Được biết, một số doanh nghiệp tiên phong làm hưu trí tự nguyện như Dai-ichi Life Việt Nam hiện vẫn bán túc tắc cho các doanh nghiệp. Chẳng hạn, trong năm 2017, Dai-ichi Life Việt Nam cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Mai Linh. Theo đó, Dai-ichi Life Việt Nam sẽ thiết kế và cung cấp giải pháp tài chính riêng cho 15.000 nhân viên của Tập đoàn Mai Linh, thời hạn bảo vệ lâu dài từ 10-15 năm với nhiều quyền lợi….
“Chỉ có một vài doanh nghiệp bảo hiểm bán được sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nhóm, trong đó có bảo hiểm hưu trí nhưng doanh thu vẫn rất thấp so với kỳ vọng”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho hay. Vị này cũng cho rằng, trong tương lai, nếu không có sự thay đổi nào về chính sách thuế thì bảo hiểm hưu trí tự nguyện cũng khó có thể có bước phát triển đột biến, các doanh nghiệp được cấp phép triển khai sẽ vẫn duy trì nhưng chưa đẩy mạnh việc bán hàng ở phân khúc này.