Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: “Cửa” nào cho 9 DN còn lại?

(ĐTCK) Chỉ có 6/15 DN bảo hiểm được phép triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện thỏa mãn điều kiện về tài chính theo Thông tư số 115/2013/TT-BTC (Thông tư 115).

6 doanh nghiệp được phép triển khai bao gồm Prudential Việt Nam, Bảo Việt Nhân Thọ, Manulife, Daiichi Việt Nam, AIA và PVI Sun Life. Vậy 9 DN còn lại còn cơ hội nào để tham gia mảng này?

Thêm PVI Sun Life sẵn sàng xin xét duyệt sản phẩm

Trong 6 DN kể trên thì có 5 DN thuộc Top đầu thị trường về thị phần, duy chỉ có PVI Sun Life là mới gia nhập nên chưa có số liệu cả năm. Tuy nhiên, chia sẻ với ĐTCK, ông Vũ Bảo Lâm, Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng bảo hiểm hưu trí tự nguyện PVI Sun Life cho biết, dù chỉ mới hoạt động được vài tháng, chính thức cung cấp sản phẩm đầu tiên ra thị trường từ ngày 16/6/2013, nhưng PVI Sun Life đã đạt được những kết quả khả quan với tổng doanh thu ước tính đến giữa tháng 9/2013 là 67 tỷ đồng.

Qua tìm hiểu của ĐTCK tại 6 DN kể trên thì được biết, ngoài Dai-ichi Việt Nam, đến nay, đã có thêm PVI Sun Life xây dựng xong sản phẩm và sẵn sàng xin xét duyệt sản phẩm bảo hiểm hưu trí ngay sau khi Thông tư 115 có hiệu lực vào ngày 15/10 tới. PVI Sun Life cũng coi bảo hiểm hưu trí tự nguyện là sản phẩm chủ lực trong thời gian tới và dồn sức cho việc ra đời và phát triển sản phẩm. Nếu suôn sẻ, đây sẽ là những sản phẩm hưu trí tự nguyện đầu tiên được tung ra thị trường.

“Ngay từ khi có thông tin quy định về khung pháp lý cho việc phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện, PVI Sun Life đã xác định đây là một sản phẩm mang lại lợi ích cho người lao động, doanh nghiệp và xã hội nên đã nhanh chóng tiến hành các bước chuẩn bị cho sự ra đời của sản phẩm này”, ông Lâm nói.

Ông Lâm cũng cho biết thêm: “sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện của PVI Sun Life được đội ngũ chuyên gia từ PVI và Sun Life cùng với đội ngũ nhân viên chuyên trách giàu kinh nghiệm của PVI Sun Life tiến hành nghiên cứu, thiết kế phù hợp với thị trường Việt Nam, chắc chắn sẽ là một sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Chúng tôi muốn giới thiệu sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện như là một kế hoạch tài chính cho tương lai, đồng thời cũng là một biện pháp bảo vệ tài chính trong cuộc sống. Hơn thế, ngoài bản thân giá trị của sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng cũng là yếu tố rất quan trọng tạo nên sự khác biệt. Vì vậy, chúng tôi chú trọng vào các dịch vụ gia tăng cung cấp cho khách hàng”.

 

“Cửa” nào cho 9 DN còn lại?

9 DN bảo hiểm chưa được cấp phép triển khai loại hình này gồm: ACE Life, Hanwha Life, Cathay Life, GVN, Previor, VCLI, Fubon Life, Generali và VietinAvia. Hầu hết đều có vốn chủ sở hữu thấp hơn 1.000 tỷ đồng. Một vài DN có vốn chủ sở hữu cận kề chuẩn 1.000 tỷ đồng như: VietinAviva (863 tỷ đồng); Hanwha Life (735 tỷ đồng); GVN (745 tỷ đồng). Với những DN có công ty mẹ là tập đoàn tài chính lớn ở nước ngoài thì việc bổ sung vốn là không mấy khó khăn.

Quy định về chuẩn tài chính được phép triển khai sản phẩm này được bảo lưu ngay từ khi xây dựng Dự thảo Thông tư lần đầu hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện cho đến khi Thông tư số 115 ban hành. Theo ghi nhận từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), việc đặt chuẩn khắt khe là nhằm kiểm tra trước vì đây là nghiệp vụ mới, lần đầu áp dụng tại Việt Nam .

Còn phía 9 DN còn lại, liệu có mong muốn hạ chuẩn điều kiện triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí?

Chia sẻ với ĐTCK, một số DN cho biết, đây là những sản phẩm tốt, quy định mới cũng đã tương đối phù hợp và không có mong muốn hạ chuẩn, mà ngược lại, chính DN sẽ điều chỉnh để phù hợp với quy định.

“Chúng tôi đang chuẩn bị các điều kiện theo quy định để có thể tham gia sản phẩm này. Hiện tại, Hanwha Life chưa có sản phẩm nào tương tự hay mang tính thay thế sản phẩm hưu trí tự nguyện. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Hanwha Life sẽ phát triển sản phẩm này trong tương lai”, đại diện Hanwha Life nói.

Mặc dù không được triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện, nhưng theo các DN bảo hiểm, một số sản phẩm hiện tại của họ cũng đã mang dáng dấp của bảo hiểm hưu trí tự nguyện.

“Hiện Cathay Life có sản phẩm Thịnh vượng Bảo gia Toàn diện (C10) là sản phẩm trọn đời có quyền lợi tiền mặt mỗi 3 năm. Sản phẩm này có nhiều đặc tính có thể so sánh được với sản phẩm hưu trí tuy không hoàn toàn tương tự. Mục tiêu của bảo hiểm hưu trí là trong độ tuổi đi làm, người lao động tiết kiệm được một khoản tiền để đến khi về hưu sẽ hỗ trợ thu nhập. Sản phẩm C10 có thời hạn đóng phí 10 hoặc 20 năm, cũng ứng với hành động tiết kiệm tạo tài khoản”, đại diện Cathay Life cho biết.     

 

Theo Thông tư 115, DN Bảo hiểm không được giới thiệu, chào bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không thuộc nghiệp vụ bảo hiểm hưu trí với các tên thương mại là bảo hiểm hưu trí hoặc các tên gọi khác gây hiểu nhầm cho khách hàng là các sản phẩm này cung cấp thu nhập bổ sung cho người được bảo hiểm khi hết tuổi lao động.