Bảo hiểm hưu trí tự nguyện, chỉ còn chờ hướng dẫn

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện, chỉ còn chờ hướng dẫn

(ĐTCK) Nghị định số 65/2013/NĐ-CP về thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.

Một số nội dung trong Nghị định được đánh giá là tạo điều kiện để các nhà bảo hiểm thiết kế sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện, trong khi chờ đợi Thông tư hướng dẫn về quỹ hưu trí tự nguyện và bảo hiểm hưu trí được ban hành.

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện, chỉ còn chờ hướng dẫn ảnh 1Dai-ichi, Bảo Việt… có thể là những DN bảo hiểm đầu tiên đưa sản phẩm bảo hiểm hưu trí ra thị trường

Trước hết, theo Khoản 2đ Điều 3 Nghị định 65, khoản tiền phí tích lũy mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác, tiền tích lũy đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện do người sử dụng lao động mua cho người lao động chỉ được tính là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân tại thời điểm trả tiền bảo hiểm với mức thuế suất đồng nhất là 10% đối với khoản phí tích lũy. Như vậy, trước khi trả tiền bảo hiểm, tiền lương hưu cho cá nhân, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hưu trí tự nguyện có trách nhiệm khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% đối với khoản tiền phí tích lũy, tiền tích lũy đóng góp quỹ tương ứng với phần người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động. Trong khi quy định trước đó, tỷ lệ này dao động từ 5 - 35%.

Thứ hai, thu nhập của cá nhân đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế tối đa không quá 1 triệu đồng/tháng (Khoản 1a Điều 6 Nghị định 65), tương đương 12 triệu đồng/năm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trường hợp cá nhân cư trú tại Việt Nam nhưng làm việc tại nước ngoài có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công ở nước ngoài đã tham gia đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của quốc gia nơi cá nhân đóng các loại bảo hiểm này như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc thì được trừ các khoản phí bảo hiểm đó vào thu nhập chịu thuế khi xác định thu nhập tính thuế từ kinh doanh, tiền lương, tiền công.

Thứ ba, liên quan đến giảm trừ gia cảnh vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng là 3,6 triệu đồng/tháng kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện một số DN bảo hiểm chia sẻ, với các quy định trên, cả người lao động lẫn người sử dụng lao động đều được hưởng lợi.

“Thuế thu nhập cá nhân hợp lý, cộng với cơ chế giảm trừ gia cảnh, cộng với sản phẩm bảo hiểm hợp lý sẽ giúp cho người lao động, nhân viên của các DN giảm trừ nghĩa vụ thuế, đặc biệt là các nhân viên có thu nhập cao. Chúng tôi sẽ thiết kế các sản phẩm bảo hiểm hưu trí mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, cũng như đảm bảo quyền lợi cho bên bảo hiểm”, lãnh đạo một DN bảo hiểm nhân thọ nước ngoài, phụ trách sản phẩm bảo hiểm hưu trí nói.

Hiện các DN thuộc diện đủ điều kiện để triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện như Dai-ichi, Bảo Việt, Prudential, AIA, Manulife, PVI Sun Life… đang trông ngóng Thông tư hướng dẫn thiết lập quỹ hưu trí tự nguyện và triển khai bảo hiểm hưu trí sớm được ban hành.

Được biết, một số công ty đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm bảo hiểm hưu trí như Dai-ichi, Bảo Việt. Hai DN này chỉ chờ Thông tư hướng dẫn về quỹ hưu trí tự nguyện và triển khai bảo hiểm hưu trí ra đời là hoàn tất các thủ tục cuối cùng, trình Bộ Tài chính phê chuẩn để đưa sản phẩm ra thị trường. Đối tượng khách hàng trước tiên mà các DN này hướng đến là cán bộ, nhân viên trong công ty. Đối với PVI Sun Life, do mới thành lập và đang dồn sức cho ra sản phẩm đầu tay, nên đại diện Công ty cho biết, sẽ tính đến việc triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí khi Thông tư hướng dẫn chính thức có hiệu lực.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, sau khi chỉnh sửa nội dung từ sau Hội thảo “Bảo hiểm hưu trí tự nguyện - kinh nghiệm quốc tế và quy định pháp lý tại Việt Nam ” hồi tháng 4, hiện Dự thảo Thông tư đã được trình lên Bộ Tài chính để ban hành.

Ghi nhận từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, Dự thảo Thông tư mới nhất có nhiều điểm thay đổi so với Dự thảo được cung cấp tại Hội thảo hồi tháng 4, theo hướng tạo điều kiện tốt hơn, linh hoạt hơn cho người lao động là những người tham gia bảo hiểm (như hướng dẫn chi tiết hơn các thủ tục chuyển tài khoản trong thời gian người lao động chuyển đổi công việc). Mặc dù vậy, Dự thảo Thông tư giữ nguyên một số quy định, trong đó có quy định về điều kiện đối với DN bảo hiểm triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí như phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 1.000 tỷ đồng, biên khả năng thanh toán cao hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu 300 tỷ đồng. Ngoài ra, quyền lợi bảo hiểm hưu trí vẫn bao gồm quyền lợi hưu trí và quyền lợi bảo hiểm rủi ro.