Bảo hiểm hưu trí từng được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh, để rồi khi chính thức ra mắt là một sự thất vọng không kém. Bảo hiểm hưu trí - ngay về khái niệm đã rất dễ gây nhầm lẫn. Hiện có 2 loại là bảo hiểm hữu trí tự nguyện và bảo hiểm hưu trí bổ sung. Cái mà các công ty bảo hiểm đang kỳ vọng là dòng hưu trí bổ sung.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cấp cao của một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn cho biết: “Sản phẩm mới của công ty quản lý quỹ do chúng tôi quản lý sẽ chính thức được công bố trong thời gian ngắn tới đây.
Cùng với đó, chúng tôi đang nghiên cứu để phát triển sản phẩm bảo hiểm hưu trí bổ sung cho công ty quản lý quỹ này. Tuy nhiên, dòng sản phẩm này sẽ chưa được tung ra ngay, mà chờ tín hiệu tích cực hơn từ thị trường". Được biết, công ty bảo hiểm nhân thọ này đang bán bảo hiểm hưu trí tự nguyện.
Theo dự thảo Đề án thí điểm chính sách hưu trí bổ sung của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc bắt buộc, cơ chế tạo lập quỹ đến từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động, tồn tại dưới dạng các tài khoản cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư, do các định chế tài chính trung gian thực hiện và được quản lý bởi các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
Còn theo Thông tư 115/2014 của Bộ Tài chính, bảo hiểm hưu trí tự nguyện là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ do doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nhằm cung cấp thu nhập bổ sung cho người được bảo hiểm khi hết tuổi lao động. Bảo hiểm hưu trí tự nguyện bao gồm bảo hiểm hưu trí cho từng cá nhân và bảo hiểm hưu trí cho nhóm người lao động.
Trong 2 loại hình bảo hiểm hưu trí này, hiện bảo hiểm hưu trí tự nguyện đã được một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai trong vài năm qua. Dù ghi nhận sự tăng trưởng nhất định, nhưng vì nhiều lý do mà sản phẩm này vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.
Chẳng hạn, bảo hiểm hưu trí tự nguyện không có nhiều ưu đãi về thuế để làm "điểm tựa" phát triển, các quy định quản lý bảo hiểm hưu trí tự nguyện còn phức tạp và có nhiều ràng buộc hơn so với việc theo dõi, quản lý các hợp đồng bảo hiểm liên kết chung, hoa hồng cho đại lý chưa hấp dẫn… Chính vì vậy, không nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đẩy mạnh bán sản phẩm này, trừ những doanh nghiệp coi sản phẩm này là thế mạnh.
Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 9/2018 (chưa có số báo cáo cả năm), doanh thu phí khai thác mới của mảng bảo hiểm hưu trí đạt khoảng 113 tỷ đồng, chiếm chưa đến 1% trong tổng doanh thu phí khai thác mới toàn thị trường.
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, chỉ số già hóa dân số ở nước ta sẽ tăng lên 141% vào năm 2044 và 158% vào năm 2049. Còn theo đánh giá của Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam bắt đầu bước vào ngưỡng già hóa dân số từ năm 2011 khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt 10%, người trên 65 tuổi đạt 7%.
“Cả bảo hiểm hưu trí tự nguyện và bảo hiểm hưu trí bổ sung đều khó có thể phát triển nhanh ở giai đoạn này hay vài ba năm tới. Tuy nhiên, tiềm năng của phân khúc này thì không thể phủ nhận”, phó tổng giám đốc một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận.
Theo giới chuyên gia, quỹ hưu trí bổ sung được mở ra không chỉ tạo kênh tích lũy mới cho người dân, mà quan trọng hơn là tạo sản phẩm, nguồn vốn cho thị trường tài chính - chứng khoán trong tương lai. Ước tính trong 10 năm tới, mức vốn của quỹ có thể lên tới vài chục nghìn tỷ đồng.
Mặt khác, tuy có nhiều yếu tố khác nhau và hướng đến những phân khúc khách hàng khác nhau, nhưng khi chính thức xuất hiện, nhiều khả năng bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ lấn át bảo hiểm hưu trí tự nguyện.
“Các công ty quản lý quỹ đều mong chờ sự ra đời của sản phẩm hưu trí bổ sung, trong khi các công ty bảo hiểm nhân thọ lập công ty quản lý quỹ cũng mong muốn phát triển sản phẩm bảo hiểm hưu trí bổ sung để khai thác thị trường hưu trí giàu tiềm năng. Vấn đề hiện tại là chờ đợi 'độ chín' của thị trường để triển khai”, chủ tịch Hội đồng quản trị của một công ty bảo hiểm nhìn nhận.