Sản phẩm bảo hiểm tự nguyện sẽ có mức phí hợp lý
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra những nhận định chi tiết về phúc lợi cho người lao động, nhằm cung cấp các giải pháp giúp các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí, nhưng vẫn đảm bảo được chính sách đãi ngộ hấp dẫn và giữ chân nhân tài. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh chi phí cho kinh doanh ngày càng tăng cao song song với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.
Bà Vũ My Lan, Giám đốc điều hành kinh doanh Marsh Việt Nam cho biết, bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại các nước đang có tốc độ phát triển nhanh, được xem như một công cụ hữu hiệu để giữ chân người tài. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí, trong đó có cả chi phí bảo hiểm. Vì vậy, nhà bảo hiểm đang đứng trước bài toán làm sao để đưa ra một sản phẩm bảo hiểm với mức phí hợp lý mà vẫn đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Nhận xét về các thách thức đối với chế độ phúc lợi cho người lao động hiện nay, ông Leslie Mouat, Tổng giám đốc Marsh Việt Nam cho biết: “Qua nghiên cứu về mong muốn của người sử dụng lao động cho chương trình kiểm soát sức khỏe người lao động trong 3 năm tới, người sử dụng lao động hầu như không xây dựng được sự liên kết giữa chi phí chăm sóc sức khỏe của nhân viên với chi phí toàn diện”.
Kỳ vọng doanh nghiệp FDI sẽ mua mạnh
Chia sẻ với ĐTCK bên lề Hội thảo, ông Vũ Bảo Lâm, Phó tổng giám đốc PVI Sun Life cho biết, doanh nghiệp FDI có thể đưa ra quyết định nhanh hơn doanh nghiệp nội trong lựa sản phẩm bảo hiểm hưu trí cho kế hoạch phúc lợi cho người lao động. Đó là bởi, bản thân các doanh nghiệp FDI có hiểu biết sẵn về ý nghĩa của sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện, vốn khá phổ biến tại các nước trên thế giới, cộng với việc có chế độ đãi ngộ tốt, nên sẵn sàng lựa chọn sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện, giúp gia tăng sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người lao động. Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp trong nước thì khái niệm bảo hiểm hưu trí tự nguyện vẫn còn khá mới mẻ.
“Vì vậy, nhiều khả năng, việc cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp FDI trong thời gian tới sẽ mạnh hơn”, ông Lâm nhận định.
Ông Lâm cũng cho biết, hiện mảng bảo hiểm hưu trí tự nguyện của doanh nghiệp này đã ghi nhận những khách hàng đầu tiên như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Đạm Phú Mỹ, Điện lực Dầu khí, PVI Holdings.
Trước PVI Sun Life, Dai-ichi, Manulife và AIA đưa ra thị trường sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện, nhưng đến nay, chưa công bố khách hàng mua bảo hiểm hưu trí.
Nhắm đến đối tượng khách ngoại, lối đi mà hầu hết doanh nghiệp đang triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện lựa chọn là “bắt tay” với các nhà môi giới ngoại, do lợi thế sẵn của các nhà môi giới này trong quan hệ với các doanh nghiệp FDI. Cụ thể, Dai-ichi Việt Nam và Manulife Việt Nam phối hợp với nhà môi giới JLT để giới thiệu sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện của mình tới các khách hàng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI. PVI Sun Life cũng từng phối hợp với nhà môi giới bảo hiểm Aon và cho biết sắp tới sẽ bắt tay với JLT.
Aon Việt Nam đang được biết đến với mối quan hệ được thiết lập với số lượng lớn doanh nghiệp FDI. Tất nhiên, với việc CEO Aon Việt Nam về đầu quân cho Marsh Việt Nam (Marsh) cùng dàn nhân sự tỏa đi một số nơi như JLT, Marsh thì Marsh cũng đang được cho có lợi thế không thua kém gì Aon trong mối quan hệ với đối tượng khách hàng này.