Bảo hiểm hưu trí bổ sung, nhiều lợi ích

Bảo hiểm hưu trí bổ sung, nhiều lợi ích

(ĐTCK) Triển khai chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung (BHHTBS) mang lại lợi ích cho cả Nhà nước, DN, người lao động (NLĐ), đồng thời tạo ra nguồn vốn đầu tư mới cho nền kinh tế, thúc đẩy thị trường vốn phát triển.

 Bài 1: Triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung, không thể chậm thêm

Giảm áp lực cho Ngân sách Nhà nước

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH), khi Nhà nước tăng lương tối thiểu chung cho NLĐ trong khu vực hành chính, sự nghiệp, thì đồng thời phải tăng lương hưu với mức tăng tương ứng. Điều này tạo ra áp lực lớn cho Ngân sách Nhà nước (NSNN) và quỹ BHXH. Hiện NSNN phải chi khoảng 4.000 tỷ đồng/năm cho tăng lương hưu và mức chi này đang tăng.

Khi triển khai BHHTBS, ngoài phần lương hưu được hưởng như hiện hành, NLĐ sẽ nhận được khoản lương hưu bổ sung. Đây là điều kiện để Nhà nước tách việc điều chỉnh lương hưu cơ bản gắn với điều chỉnh tiền lương tối thiểu chung, tạo thuận lợi cho thử nghiệm hệ thống hưu trí đa trụ cột. Qua đó, giảm áp lực chi NSNN cho tăng lương hưu hàng năm, góp phần cải thiện an sinh xã hội.

Bảo hiểm hưu trí bổ sung, nhiều lợi ích ảnh 1

Bảo hiểm hưu trí bổ sung mang lại lợi ích cho cả Nhà nước, DN và người lao động

Theo ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM), quỹ BHHTBS hình thành sẽ góp phần làm tăng thanh khoản cho thị trường trái phiếu, cũng như nguồn vốn đầu tư chung của xã hội, qua đó góp sức thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tạo thêm việc làm, gia tăng an sinh xã hội... Do đầu tư chủ yếu vào trái phiếu dài hạn, nên hoạt động đầu tư của các quỹ BHHTBS sẽ tạo ra luồng tiền đầu tư ổn định cho sự phát triển dài hạn của nền kinh tế.

 

Tăng lợi ích cho các bên

Mô hình quỹ BHHTBS do một số DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam triển khai theo chính sách của công ty mẹ như: Công ty Quốc tế Unilever Việt Nam, Công ty Nestle Việt Nam, Công ty Dutch Lady Việt Nam cho thấy, đây là công cụ hữu hiệu giúp DN tuyển dụng và giữ chân nhân sự giỏi. Tham gia BHHTBS, NLĐ có thêm thu nhập khi về hưu, duy trì mức sống tương đương như trước khi về hưu nhờ nguồn thu nhập không bị sụt giảm nhiều.

Ngoài ra, tính minh bạch của phương thức sử dụng tài khoản cá nhân khi tham gia BHHTBS sẽ khắc phục được tình trạng thiếu thông tin cung cấp cho người tham gia BHXH hiện tại. Với hệ thống tài khoản cá nhân, người tham gia BHHTBS có thể truy vấn các thông tin về mức đóng góp, số dư và chi trả quyền lợi trực tuyến thông qua website của tổ chức cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản.

Theo Bộ LĐTB&XH, nhiều công ty đa quốc gia đầu tư vào các nước trên thế giới, trong đó có các nước lân cận Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Philippines, ngoài đóng bảo hiểm hưu trí cơ bản cho NLĐ, họ được khuyến khích triển khai BHHTBS cho NLĐ, vì các quốc gia này đã định hình khung pháp lý và có chính sách ưu đãi về thuế cả cho DN, lẫn NLĐ tham gia. Trong khi đó, tại Việt Nam, số tiền mà các công ty đa quốc gia trích vào quỹ BHHTBS không được tính vào chi phí hoạt động, NLĐ phải đóng thuế thu nhập cá nhân khi nhận tiền từ quỹ. Điều này khiến NLĐ làm việc cho các công ty đa quốc gia chịu thiệt thòi so với NLĐ cũng làm việc cho các tập đoàn này nhưng hoạt động bên ngoài Việt Nam .

Một số công ty đa quốc gia chấp nhận đối mặt với những thiệt thòi trên để triển khai quỹ BHHTBS, nhằm tạo ra cơ chế ưu đãi hấp dẫn NLĐ. Quỹ BHHTBS được Công ty Quốc tế Unilever Việt Nam triển khai từ tháng 4/2006. Khoản đóng góp hàng tháng của Công ty cho quỹ là 5% trên lương gộp theo hợp đồng lao động (không bao gồm tháng lương thứ 13). Những nhân viên có mức lương trên 21 triệu đồng/tháng sẽ đóng thêm 5% trên phần lương tối đa tham gia đóng BHXH. Với tỷ lệ đóng góp này, chẳng hạn một lao động nữ nghỉ hưu vào tuổi 55 và trong tài khoản BHHTBS của người này có số dư 300 triệu đồng, sẽ được Unilever Việt Nam trả lương hưu hàng tháng trong tối đa 15 năm, với mức 1,6 triệu đồng/tháng. Chẳng may NLĐ tử vong, hoặc bị thương tật toàn bộ và vĩnh viễn khi đang là nhân viên của Unilever Việt Nam, thì vợ, chồng, con hợp pháp hoặc người thân khác của NLĐ sẽ được hưởng lương hưu từ quỹ BHHTBS. 

 

Theo CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM), năm 2010, tổng tài sản từ các quỹ BHHTBS của Singapore và Malaysia tương đương 59% GDP; tại Australia là 101% GDP vào năm 2012; bình quân là 78% GDP vào năm 2012 tính cho các nước có hệ thống an sinh xã hội đa trụ cột lớn nhất. Với mức đầu tư trung bình vào trái phiếu (tính trên dữ liệu toàn cầu do Công ty Tower Watson thống kê) của các quỹ BHHTBS là 34% tổng tài sản, đây là nguồn tiền đầu tư ổn định, dài hạn vào thị trường trái phiếu và nền kinh tế..

Còn nữa...